Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã đi qua nhiều thăng trầm. Gần đây nhất, hiện tượng lúa gạo Việt Nam bị rớt giá đúng vụ thu hoạch rộ, đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ lúa gạo của nông dân.
Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, gạo thương hiệu cao là lựa chọn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong định hướng thị trường, định hướng giá trị trong chuỗi lúa gạo Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường rà soát thị trường tiềm năng, thị trường mới; trong đó, phân tích loại gạo nào phù hợp với thị trường mới, đối thủ cạnh tranh là ai, làm sao để gạo Việt Nam chiếm được thị phần tốt trong những thị trường đó.
Điển hình như, tại thị trường châu Phi, có một số quốc gia thời gian qua tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, mức độ tăng trưởng nhanh với hơn 30% trong 2-3 năm qua. Loại gạo xuất sang thị trường này phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam, có thể thay thế nếu các thị trường truyền thống gặp vấn đề. Ngoài châu Phi, còn có thị trường ngách đặc thù như Trung Đông, các nước Ả Rập và một số nước khác như Mỹ, Pháp… đó là những nước sử dụng gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo Jasmine, rất nhiều doanh nghiệp đã đột phá đi trước, thử nghiệm thay đổi bao bì, mẫu mã với bao gạo nhỏ 1kg, 2kg, 5kg và chú ý vấn đề môi trường. Đây là những sáng kiến cần nhân rộng để tiếp cận thị trường cao cấp.
TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Viện lưu ý nhiều hơn về phẩm chất gạo. Từ đó, tạm chia giống lúa theo phân khúc gạo gồm: gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo cao sản, gạo nếp, gạo Nhật và gạo có chỉ số đường huyết thấp, có giá trị dinh dưỡng. Nhưng các loại gạo chất lượng này luôn phải được nghiên cứu cải tiến để có nguồn hàng như thị trường yêu cầu. Nếu không tập trung nghiên cứu cải thiện nữa thì giống lúa vốn có vòng đời, 10 năm nữa giống OM5451, OM18 sẽ trở nên thoái hóa. Khi trồng 20 - 30 vụ liên tục thì giống lúa từ kháng sâu bệnh sẽ bị nhiễm sâu bệnh lại.
Hiện nay trong nghiên cứu chọn tạo giống, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn lựa chọn những giống phổ biến, tiếp tục cải thiện thêm khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách lai tạo, vẫn giữ được chất lượng gạo và những đặc tính cơ bản của giống đó. Thứ hai ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng đã làm chủ công nghệ, vì vậy tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới để làm sao tạo ra những chủng loại giống theo các phân khúc để không bị động, thị trường cần gạo gì thì Việt Nam có giống đó.
Hiện nay, với các chính sách về phát triển ngành hàng lúa gạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành hàng lúa gạo đang được chú trọng và nhấn mạnh vào các giống chất lượng cao, cách canh tác phát thải thấp và diện tích trồng lúa ở Việt Nam có xu hướng giảm theo định hướng của Chính phủ và ngành nông nghiệp.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ, điều này có thể đưa ra hình ảnh trong tương lai lúa gạo Việt Nam sẽ ít hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, để các thị trường mới nhập khẩu lúa gạo Việt Nam thuận lợi, các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố như: Yêu cầu về hình thức thanh toán (cho nợ, kéo dài thời gian thanh toán); ảnh hưởng đến tài chính và hạn mức tín dụng của doanh nghiệp…
Đồng thời, các doanh nghiệp ngành gạo cũng cần xác định rõ đối tượng mua để có chính sách giá phù hợp, đảm bảo lợi ích của cả người bán và người mua, cũng như an ninh lương thực trong nước. Nhập khẩu lúa gạo (như từ Campuchia) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người nghèo, cũng như vừa có thể đáp ứng với những đơn hàng xuất khẩu tăng đột biến. Mục tiêu chính của việc mở rộng thị trường là ổn định hàng hóa và đảm bảo an toàn lương thực, chứ không chỉ là tăng sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn luôn thuộc về thành phần chủ chốt của ngành hàng là người nông dân. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cả nông dân và doanh nghiệp lúa gạo hiện nay. Đề án ra đời với mong muốn người nông dân phải ổn định thu nhập, sản xuất lúa phải có lời so với trồng trọt khác, lúa gạo phải ổn định, chất lượng cao, an toàn thực phẩm… đó là những thách thức. Cái lớn nhất của đề án là nhìn sản xuất lúa gạo không nhìn từ hạt lúa hạt gạo nữa mà nhìn từ người nông dân, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc giúp nông dân cải thiện sản xuất, giảm chi phí, giảm phát thải, tăng thu nhập từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại hiệu quả thấy rõ trong hơn 1 năm qua. Nhiều đơn vị hợp tác xã sản xuất lúa cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận này, dù lúc lúa gạo rớt giá như vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã triệt tiêu toàn bộ những tiêu cực của ngành hàng lúa gạo tồn tại suốt mười mấy năm qua, giúp nông dân không phải chật vật với nguồn vật tư đầu vào khi tăng giá vật tư, hay đắn đo suy nghĩ khi bước vào thu hoạch rộ mà giá lúa lại giảm. Những biến động bất ngờ có thể không mang lại lợi nhuận cao như nông dân kì vọng, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và xoay vòng sản xuất.
(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/tung-buoc-da-dang-hoa-thi-truong-xuat-khau-gao-20250405102701093.htm)
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/tung-buoc-da-dang-hoa-thi-truong-xuat-khau-gao-1038943/
Bình luận (0)