Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường toàn cầu, ngoài yếu tố giá thành và chất lượng sản phẩm thì thương hiệu được xem là một dấu ấn khác biệt. Tuy nhiên, hiện nay xây dựng thương hiệu của DN trong tỉnh còn nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: TL |
Xây dựng thương hiệu từ sản phẩm truyền thống
Thời gian qua, thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin trong cộng đồng DN. Qua đó, giúp các DN nhìn nhận đúng hơn về hiệu quả xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu và kinh doanh. Đồng thời giúp DN xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thị trường.
Theo UBND tỉnh, một số thương hiệu tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long như: gạo Phước Thành IV, kẹo Sơn Hải, nước mắm Gia Hỷ, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trà khổ qua rừng Agripure,... bước đầu được người tiêu dùng đón nhận và nâng cao vị thế trên thị trường. Trong đó, nhiều sản phẩm tiêu thụ bước vào siêu thị như Co.opmart, VinMart, Vinatex, Citymart, BSMart, Satra, Lotte, Bách Hóa Xanh,... Mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt khá tốt, có những thương hiệu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà từng bước xuất khẩu.
Tại cơ sở sản xuất Ba Khánh, cơ sở chuyên sản xuất bún, phở tươi và nhiều loại thực phẩm truyền thống không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ cơ sở sản xuất truyền thống quy mô nhỏ, Ba Khánh đầu tư nhà xưởng, hiện đại hóa quy trình sản xuất và áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005 vào năm 2017, sau đó nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO 22000:2018 từ năm 2019. Với việc sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều sản phẩm của cơ sở đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực ĐBSCL và quốc gia.
Theo ông Trương Thái Thông- quản lý kinh doanh Cơ sở Sản xuất Ba Khánh, từ năm 2021 đến nay, cơ sở liên tục đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Khi chất lượng được đảm bảo bằng tiêu chuẩn quốc tế đã giúp cơ sở gia tăng mức độ nhận diện và uy tín thương hiệu, nhất là đối với các hệ thống phân phối hiện đại. Không chỉ tăng dần sản lượng tiêu thụ và địa bàn phân phối, nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại còn chọn cơ sở làm đối tác cung cấp chính nhờ vào chất lượng ổn định và uy tín thương hiệu.
Cần đồng bộ giải pháp
Theo UBND tỉnh, trước thực trạng nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng vẫn khó cạnh tranh trên thị trường do chưa có thương hiệu, hoặc có nhưng chưa phải là thương hiệu mạnh. Để nâng cao năng lực cho các DN, việc xây dựng và triển khai thực hiện xây dựng thương hiệu cực kỳ quan trọng. Trong đó, quan tâm hàng đầu của các DN là đầu tư chất lượng sản phẩm nhằm từng bước tạo dựng và giữ vững thương hiệu.
Cuộc khảo sát người tiêu dùng cả nước bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2025 đã ghi nhận 562 DN chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận. Đây là kết quả của quá trình điều tra khảo sát hơn 121.000 lượt bình chọn của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Đây là năm thứ 29, chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn được thực hiện.
Chương trình tiếp tục phát huy vai trò là động lực thúc đẩy DN nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ là danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn, mà còn là công cụ xúc tiến mạnh mẽ, giúp DN tiếp cận các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Thúc đẩy DN nâng cấp chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, hiện nay, Vĩnh Long đã có một số thương hiệu có uy tín được người tiêu dùng biết đến, có kênh phân phối rộng rãi trong nước và một số thị trường quốc tế. Trong đó, nhiều thương hiệu đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng đã hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí thương hiệu mạnh và khuyến khích các DN quan tâm đầu tư thương hiệu.
Đối với DN tỉnh, để phát triển thương hiệu mạnh, DN cần xây dựng nền tảng kinh doanh vững chắc, có chiến lược và cam kết giá trị với người tiêu dùng và cộng đồng. “Việc xây dựng thương hiệu hiện nay có nhiều thuận lợi và thách thức trước sự hội nhập ngày càng sâu rộng trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Ngoài sự chủ động của DN, còn cần các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN và tiếp tục ứng dụng bộ tiêu chí thương hiệu mạnh của tỉnh. Đồng thời cần xác định lợi thế kinh tế địa phương, liên kết chuỗi trong phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của DN, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững”- ông Nam cho biết.
Chào mừng Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, Sở Công Thương sẽ có các hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu quốc gia và khẳng định vị thế của các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202504/tung-buoc-xay-dung-thuong-hieu-manh-5db3e11/
Bình luận (0)