Theo số liệu từ Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh, năm học 2025 - 2026, dự kiến toàn địa bàn tuyển sinh 15.320 học sinh đầu cấp (gồm bậc mầm non, tiểu học và THCS) với tổng số 510 lớp. Trong khi bậc mầm non không có nhiều biến động với số lượng 7.838 học sinh, dự kiến 303 lớp, thì các bậc tiểu học và THCS, số học sinh đầu vào lớp 1 và lớp 6 tăng so với đầu ra (lớp 5, lớp 9).
Cụ thể, học sinh đầu cấp tiểu học năm học 2025 - 2026 là 3.995 em, dự kiến 123 lớp (tăng 598 học sinh và 17 lớp); học sinh đầu cấp THCS dự kiến 3.487 em với 84 lớp (tăng 677 em và 16 lớp so với năm học 2024 - 2025).

Cũng như những năm trước, số học sinh tăng chủ yếu ở các vùng trung tâm và lý do là tăng dân số cơ học. Cô Nguyễn Thị Minh Chi - Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Linh thông tin: “Năm nay, chúng tôi có 4 lớp 9 ra trường với tổng số 160 học sinh, trong khi theo số liệu phổ cập trên địa bàn, dự kiến kế hoạch tuyển sinh đầu vào là 8 lớp 6 với hơn 260 học sinh. Tăng học sinh, tăng lớp cũng đồng nghĩa với việc tăng giáo viên. Đây là bài toán khó đối với nhà trường trong việc tổ chức dạy học”.
Tình trạng tăng học sinh đầu vào, tăng lớp cũng đang là vấn đề không mới trong mùa tuyển sinh năm học 2025 - 2026 ở Trường THCS Nguyễn Du. “Năm học 2024 - 2025, trường có 5 lớp 9 với tổng số 188 học sinh ra trường, trong khi tuyển sinh đầu vào lớp 6 năm học 2025 - 2026 dự kiến có 8 lớp với tổng số 336 học sinh (tăng 3 lớp so với năm học trước). Hiện tại, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu dạy học cho hơn 1.400 học sinh ở 32 lớp. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là tăng 3 lớp sẽ thiếu 6 giáo viên, việc dạy và học rất áp lực nếu không được tuyển dụng bổ sung”, thầy Lê Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.
Tăng số lượng học sinh đầu vào, thiếu giáo viên cũng là thực trạng chung ở một số trường tiểu học vùng trung tâm trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh trong năm học sắp tới. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, sắp có 6 lớp 5 ra trường với tổng số 232 học sinh, trong đó, dự kiến năm học 2025-2026, trường sẽ tuyển sinh 7 lớp 1 với số lượng gần 250 em (tăng 1 lớp so với năm học trước).

Cô Phạm Thúy Hường – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của trường trong năm học mới là tình trạng thiếu giáo viên. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày thì định biên sẽ là 1,5 giáo viên/lớp. Thế nhưng, hiện nay, toàn trường mới chỉ có 47 giáo viên. Như vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu dạy học cho 35 lớp, trường còn thiếu 5,5 giáo viên”.
Cũng theo cô Hường, tình trạng thiếu giáo viên ở Trường Tiểu học Nguyễn Du đã xuất hiện từ năm học trước. Để khắc phục vấn đề này, nhà trường phải bố trí cho giáo viên tăng tiết, song, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi thực tế, dạy tăng tiết giáo viên cũng rất áp lực, không có nhiều thời gian dành cho gia đình cũng như các hoạt động chuyên môn khác…
Từ thực trạng tăng học sinh đầu vào, tăng lớp đã kéo theo tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Theo số liệu của Phòng GD&ĐT, dự báo trong năm học 2025 - 2026, toàn thành phố sẽ thiếu 132 giáo viên. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 9 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 60 biên chế (53 giáo viên và 7 nhân viên); bậc THCS thiếu 63 biên chế. Đáng nói, có 91 biên chế được giao chỉ tiêu từ năm học 2024 - 2025 nhưng do nhiều lý do, trong đó có lý do sáp nhập nên chưa được tuyển dụng.
Theo kế hoạch của UBND thành phố, dự kiến việc tuyển sinh năm học 2025 - 2026 trên địa bàn sẽ hoàn thành trước ngày 15/6. Việc triển khai sớm công tác tuyển sinh đầu cấp sẽ thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Việc dự báo sớm số lượng học sinh, số lớp và tình trạng thiếu giáo viên cũng là cách để các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương sau sáp nhập có giải pháp kịp thời, sẵn sàng cho việc xây dựng kế hoạch dạy học trong năm học mới.
Nguồn: https://baohatinh.vn/tuyen-sinh-dau-cap-o-tp-ha-tinh-den-mua-lai-nong-post288645.html
Bình luận (0)