Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang giảm từ 3-4%/năm

Ngày 21.4, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh An Giang về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1, từ 2021-2025.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân21/04/2025

Cùng dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh An Giang.

Đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển

Quang cảnh cuộc làm việc với UBND tỉnh An Giang về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quang cảnh cuộc làm việc với UBND tỉnh An Giang về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

An Giang là tỉnh biên giới, có diện tích tự nhiên 353.676ha, dân số gần 1,9 triệu người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số (hơn 1,8 triệu người), đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hơn 97.556 người, với 27.471 hộ, chiếm hơn 5% dân số toàn tỉnh.

Tại An Giang, DTTS có dân tộc Khmer (75.878 người, chiếm 3,98%), dân tộc Chăm (11.171 người, chiếm 0,59%), dân tộc Hoa (5.233 người, chiếm 0,27%), phần còn lại là dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn.

Báo cáo với Đoàn, lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang thông tin, thời gian qua tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn cơ bản ổn định, mỗi dân tộc sinh sống bằng những ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu bằng nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và buôn bán, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt.

Từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3-4%.

hddtq6.jpg
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại cuộc làm việc

Đặc biệt với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (Chương trình), An Giang thực hiện 9/10 Dự án và 12/14 Tiểu dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phân công 9 đơn vị sở, ngành và 5 huyện, thị được giao vốn làm chủ đầu tư.

Tổng vốn ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 323.388 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 289.889 triệu đồng; ngân sách địa phương 33.499 triệu đồng.

Tính đến nay, An Giang đã giải ngân 183.492/323.388 triệu đồng, đạt hơn 56%. Cụ thể, ngân sách Trung ương giải ngân được 166.166 triệu đồng, ngân sách địa phương giải ngân hơn 18.354 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc

Khi thực hiện Chương trình, An Giang đã chủ động bám sát chỉ đạo của cấp trung ương để tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách phát sinh tại cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai, đề xuất hướng xử lý đối với những nội dung vượt thẩm quyền để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu theo kế hoạch.

Ngay từ đầu, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực, khẩn trương ban hành cơ bản đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp trên cơ sở các quy định Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đến thời điểm hiện nay cơ bản tỉnh đã xây dựng được khung chính sách bảo đảm phù hợp với đặc điểm của An Giang.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, khi triển khai các dự án vẫn còn một số vướng mắc, như: Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Dự án này đối với định mức hỗ trợ đất ở 44 triệu đồng/ hộ thực tế không đủ để mua đất, hộ nghèo không có khả năng đối ứng; đại đa số các hộ nghèo trên địa bàn đều đã vay vốn, do đó không đủ điều kiện để vay vốn thêm để mua đất ở, gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào DTTS là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ gia đình, nhưng lại ghi vốn đầu tư, phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo luật đầu tư, do đó gặp khó khăn và ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Hay tại Tiểu dự án 2 của Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”, mặc dù địa phương đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Thông tư số 10/2022/TTBYT ngày 22.9.2022 nguồn vốn đã giao Sở Y tế thực hiện nhưng theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì An Giang chưa đáp ứng điều kiện triển khai nên không thực hiện được.

Còn đối với công tác triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15, UBND tỉnh An Giang đang khẩn trương tập trung thực hiện, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận kiến nghị, khó khăn vướng mắc từ chủ dự án, lãnh đạo các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp

Nhiều dự án chưa được giải ngân

hddtq3.jpg
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang Nguyễn Phú phát biểu tại cuộc làm việc

Trao đổi với lãnh đạo sở, ngành An Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành gợi mở nhiều nội dung, nhất là các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi địa phương thực hiện các dự án. Đặc biệt là Nghị quyết số 111/2024/QH15, mở ra cơ chế để địa phương thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù; quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, khó khăn gì... thì cần kiến nghị với Đoàn khảo sát.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân băn khoăn vì sao có 3 dự án (Dự án 3, Dự án 9 và Dự án 10) đến nay chưa giải ngân được? Địa phương cần quan tâm và tìm ra lý do vì sao? Nhất là nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu vấn đề, lãnh đạo các địa phương đang thực hiện các Dự án của Chương trình, cần nghiên cứu dự án nào cần duy trì, những dự án nào không cần thực hiện nữa? Cần quan tâm hơn để các chính sách cho đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả đến bà con dân tộc, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, phát triển đời sống cho bà con vùng DTTS.

hddtq4.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang và các sở, ngành tham dự cuộc làm việc

Trao đổi với Đoàn khảo sát, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, đơn vị được giao hơn 900 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 3, tuy nhiên còn vướng nhiều nội dung nên phải trả lại vốn. Lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị, với nội dung này không nên triển khai cho tất cả các tỉnh mà căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh để bố trí vốn, tránh tình trạng chuyển vốn rồi không thực hiện được, phải trả vốn.

Đại diện lãnh đạo huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên đều bày tỏ gặp khó khăn khi hỗ trợ đất ở, nhà ở cho bà con vùng DTTS, vì định mức 44 triệu đồng khó thực hiện khi bà còn không có vốn đối ứng, nên đa phần các địa phương chuyển nguồn vốn sang thực hiện cung cấp nước sạch tập trung cho bà con vùng DTTS.

Mặc dù công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tốt, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh An Giang thẳng thắn nhìn nhận tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương; kết quả công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Lãnh đạo tỉnh An Giang kiến nghị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở trong việc quản lý, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án; không phân định vùng để áp dụng chính sách, vì hiện nay đồng bào DTTS sống xen kẽ với đồng bào Kinh. Do đó, nếu giới hạn về vùng thì đồng bào DTTS ở các xã, ấp thuộc không thuộc vùng đồng bào DTTS thì các hộ dân tộc thiểu số đối với các xã không đạt từ 15% dân số DTTS không được tiếp cận với các chính sách, đặc biệt là hộ nghèo cận nghèo, các cháu học sinh không tiếp cận được các trường thuộc hệ thống các trường dân tộc nội trú.

Ngoài ra, trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã như hiện nay cần những phương pháp tiếp cận mới để thực hiện Chương trình đối với nhóm đối tượng và địa bàn vùng DTTS. Cần tập trung vào các dự án có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên đối với các dự án đầu tư phát triển, tạo sinh kế trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp tình hình đặc điểm của từng dân tộc, từng địa phương và đạt mục tiêu của Chương trình.

Đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo, An Giang đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo tham mưu cho Chính phủ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với các dự án, tiểu dự án tương đồng giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để mang lại hiệu quả cao.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nỗ lực của sở, ngành và địa phương trong thực hiện các dự án, tiểu dự án phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh rất kịp thời, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo; có sự phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số địa phương còn thực hiện chưa tốt các dự án; nhiều dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa kịp thời. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều dự án triển khai còn chậm, hiệu quả đạt chưa cao.

Về định hướng thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu, trong bối cảnh hiện nay, địa phương tiếp tục thực hiện việc đầu tư hạ tầng, quan tâm đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành nông nghiệp, trong đó các mô hình sản xuất liên kết, mô hình sản xuất bền vững, phát thải thấp cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Song song đó, địa phương cần quan tâm đến công tác dạy nghề, người học có tay nghề và sống được với nghề mình được học, vì đây cũng là cách giúp người dân, đồng bào DTTS thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/ty-le-ho-ngheo-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-an-giang-giam-tu-3-4nam-post410938.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm