Mục tiêu của phương án là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình đê, kè, cống trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm trú an toàn; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố tại chỗ được kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.
Hiện, toàn tỉnh có gần 1.242 km đê các loại. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần chủ động cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ tuyến đê, phân loại trọng điểm xung yếu, cập nhật phương án hộ đê sát thực tế từng vị trí, nhất là các tuyến đê cấp I, tuyến đê biển Bình Minh; đê Cồn Tròn, Hải Thịnh (xã Hải Thịnh), tuyến đê sông Hoàng Long, sông Hồng, sông Đáy...
Theo phương án, khi tình huống xảy ra, huy động toàn bộ lực lượng xung kích cấp xã, lực lượng làm công tác quản lý đê, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; huy động tối đa lực lượng quân đội, công an, y tế và cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia hộ đê, đảm bảo an toàn đê điều, tài sản, tính mạng của Nhân dân trên địa bàn.
Các loại vật tư chính, bao gồm: đá hộc, rọ thép, vải lọc, bao tải, bạt chống tràn… được xuất từ các kho vật tư dự trữ của tỉnh để xử lý sự cố. Đối với các loại vật tư khác như đất, cát, đá dăm, tre, luồng, rơm…, UBND tỉnh giao các xã, phường chuẩn bị, huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xử lý sự cố. Các điểm kho phải xây dựng phương án điều động, vận chuyển nhanh chóng khi có lệnh.
UBND tỉnh yêu cầu trưởng ban, các phó trưởng ban, các ủy viên và thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai, sự cố xảy ra tại địa bàn được phân công phụ trách. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các nội dung của phương án.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt các giải pháp phát triển sản xuất trong điều kiện nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành nỗ lực giành thắng lợi trong sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.
Việc xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến năm 2025 không chỉ thể hiện sự chủ động của tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai mà còn là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương sẵn sàng vận hành khi có thiên tai xảy ra, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ubnd-tinh-ban-hanh-phuong-an-ho-de-toan-tuyen-250719203947615.html
Bình luận (0)