Cây vải được người dân Kbang đưa vào trồng hơn 20 năm nay. Toàn huyện hiện có khoảng 160ha vải, tập trung ở các xã: Nghĩa An, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Lơ Ku, Đăk Smar, Sơ Pai, Đông và thị trấn Kbang. Người dân chủ yếu trồng giống vải u thâm, u hồng và u trứng.

Các giống vải này có ưu điểm chín sớm, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 hàng năm, do không trùng với vải chính vụ ở các tỉnh phía Bắc nên đầu ra thuận lợi.
Chị Trần Thị Bông (thôn 3, xã Nghĩa An) cho biết: Năm 2015, chị tận dụng khoảnh đất rộng hơn 40m2 bên hông nhà để trồng 3 cây vải. Nay là vụ thứ 4 cây vải cho thu hoạch quả. Năm ngoái mất mùa, mỗi cây chỉ thu gần 10kg quả. Năm nay, từ đầu vụ, gia đình tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa sâu bệnh và áp dụng kỹ thuật kích thích cây ra bông, đậu quả nên mỗi cây vải thu hoạch từ 70-90 kg quả.
“Những năm trước giữa tháng 5 vải mới chín. Năm nay, cuối tháng 4 mấy cây vải chín rộ. Bà con hàng xóm đặt mua hết làm quà biếu, gửi cho con cháu dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Du khách về Kbang tham quan thấy vải chín nhiều vào hỏi mua mà tôi không còn vải để bán. Vải đầu mùa tôi bán tại vườn là 40-45 ngàn đồng/kg. Đến nay, tôi đã bán hết, thu nhập gần 8 triệu đồng, cao gần gấp 3 lần so với vụ vải trước”-chị Bông phấn khởi nói.

Thời điểm này, vườn vải 200 cây của hộ ông Nguyễn Xuân Hoàng (tổ 3, thị trấn Kbang) bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Một số cây vải chín sớm, ông Hoàng lựa những quả mọng cung ứng thị trường. Để tránh nắng nóng và giữ được độ tươi ngon, mẫu mã đẹp khi tới tay người tiêu dùng, ông Hoàng và người nhà thu hái quả vào sáng sớm. Thu hái đến đâu ông chở bán ngay cho thương lái hoặc tiểu thương bán trái cây tại chợ Kbang.
“Vải đầu mùa chín ít, tôi huy động người thân thu hái nhằm giảm chi phí và cung cấp cho người tiêu dùng những chùm vải thơm ngon nhất. Khoảng mười ngày nữa vải chín rộ, thương lái tới tận vườn thu mua hết một lần. Từ nay tới cuối vụ, nếu giá cả ổn định và sản lượng đạt 12-14 tấn quả/năm, gia đình tôi thu về 300-360 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-ông Hoàng nhẩm tính.
Nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng vải, xây dựng thương hiệu và cung ứng thị trường quả vải thơm ngon, năm 2021, UBND thị trấn Kbang thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiên Phong Kbang với 14 thành viên liên kết trồng hơn 14ha vải theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Huế-Giám đốc HTX cho biết: Hầu hết các thành viên gắn bó với cây vải gần 20 năm, có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Dù vậy, hàng năm, cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với HTX thường xuyên tổ chức tập huấn, thực hành tại vườn, giúp thành viên có cơ hội tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng áp dụng vào sản xuất.
“Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt cùng với hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, cây vải cho quả chất lượng, mẫu mã đẹp, khi chín ăn có vị ngọt thanh, hơi chua nhẹ, cùi dày, nhiều nước được thị trường ưa chuộng.
Từ năm 2024 đến nay, HXT ký hợp đồng với Công ty TNHH xuất nhập khẩu phân phối Rồng Đỏ (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm cho các thành viên nên không lo đầu ra. Trồng vải mang lại lợi nhuận ổn định cho mỗi thành viên 200-250 triệu đồng/năm. Cây vải cho thu nhập cao hơn so với một số cây trồng trên địa bàn huyện”-ông Huế thông tin.

Mỗi mùa vải đến, chị Phạm Thị Như Linh-tiểu thương bán trái cây tại chợ Kbang (huyện Kbang) cố gắng “săn” thật nhiều quả ngọt đầu vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
“Cuối tháng 4, một vài nhà vườn báo vải chín lác đác, tôi tranh thủ đến tận vườn thu hái. Vải chín chưa nhiều nên giá bán dao động 40-55 ngàn đồng/kg. Năm nay, giá vải đầu mùa cao hơn đầu mùa năm trước 3-5 ngàn đồng/kg và cao hơn chính vụ 10-15 ngàn đồng/kg. Dù giá hơi cao nhưng loại trái cây này vẫn hút khách, nhất là các bà nội trợ mua về để gia đình thưởng thức hương vị đầu mùa, làm quà biếu người thân. Mỗi ngày tôi bán từ 30-50 kg vải”-chị Linh nói.

Trao đổi với P.V, bà Đặng Ngọc Giàu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kbang cho biết: Để nâng cao hiệu quả của cây vải, những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX, hộ gia đình canh tác cây vải.
Bên cạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào chăm sóc cây vải, các nhà vườn cũng chú trọng trồng trọt, sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
“Phòng cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang hướng dẫn HTX, các xã, thị trấn xây dựng mã vùng trồng để vải Kbang tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị, thu nhập cho người trồng”-bà Giàu chia sẻ thêm.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/vai-ngot-dau-mua-o-kbang-post322368.html
Bình luận (0)