Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Giữa kỷ nguyên số, khi mạng xã hội, video ngắn và trò chơi điện tử chiếm lĩnh không gian giải trí, sách đang dần trở thành “món ăn” kén người đọc. Tại Việt Nam, phần lớn thanh thiếu niên dành hàng giờ cho điện thoại thông minh, trong khi thói quen đọc sách đang suy giảm rõ rệt.

Báo An GiangBáo An Giang21/07/2025

Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho tiến trình xây dựng xã hội học tập, nơi “học tập suốt đời” được xác định là động lực phát triển con người toàn diện. Tuy vậy, vẫn còn những mô hình thầm lặng gìn giữ và khơi dậy tinh thần đọc sách, từ thư viện gia đình đến nền tảng số, góp phần đưa sách trở lại đời sống mỗi ngày.

Công nghệ số, mạng xã hội và thực trạng văn hóa đọc tại Việt Nam

Trong thời đại số hóa bùng nổ, khi mạng xã hội, video ngắn và trò chơi điện tử chiếm ngày càng nhiều thời gian giải trí của giới trẻ, thì văn hóa đọc truyền thống vốn là nền tảng nuôi dưỡng tri thức và tư duy lại đang bị lấn át một cách đáng lo ngại.

Các báo cáo chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trung bình mỗi người Việt chỉ đọc khoảng 1 - 4 cuốn sách/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6 cuốn/người và các quốc gia như Singapore (14 cuốn), Malaysia (17 cuốn), Nhật Bản (10 - 20 cuốn). Trong tuần lễ “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” năm 2024, ông Trần Thế Cương (Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cũng đưa ra những con số đáng chú ý: Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 quyển là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 quyển sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Phần lớn thói quen đọc hiện nay mang tính đứt đoạn, phong trào và thương mại, không phải do nhu cầu thực tiễn. Mạng xã hội, video ngắn, game… đã kéo giới trẻ ngày càng xa khỏi văn hóa đọc sâu. Tại Việt Nam, hơn 42% dân số dùng smartphone, và khoảng 50 triệu người sử dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok. Trong khi đó, theo khảo sát của NEA (Quỹ nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ), thanh thiếu niên Mỹ dành trung bình 2 giờ/ngày để xem TV nhưng chỉ đọc sách chưa đầy 7 phút.

Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Khơi dậy thói quen đọc sách trong giới trẻ là chìa khóa để nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời. 

Không chỉ học sinh, văn hóa đọc truyền thống cũng đang dần mai một trong tầng lớp người trưởng thành. Chị Phạm Thanh Trà, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại phường Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận rằng việc đọc sách in đã trở thành “một thứ xa xỉ” trong nhịp sống bận rộn hiện nay: “Tôi không có thời gian để ngồi yên đọc một cuốn sách 200 - 300 trang. Sau giờ làm thì chỉ muốn nghỉ ngơi nhẹ nhàng. Thường tôi sẽ xem TikTok, đặc biệt là những video tổng hợp nội dung sách trong 1 phút kiểu như 10 bài học từ Đắc nhân tâm hay 3 bí quyết tài chính từ nhà đầu tư huyền thoại. Nó nhanh, gọn và giúp tôi có cảm giác đã nắm được cái cốt lõi rồi,” chị Trà chia sẻ.

Đối với chị Trà, đọc sách truyền thống mất nhiều công sức hơn, trong khi video ngắn lại cung cấp cảm giác cập nhật kiến thức liên tục mà không cần nỗ lực lớn. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận: “Nhiều khi xem xong video là tôi quên nội dung luôn. Nhưng dù sao vẫn còn hơn là không cập nhật gì. Sách thì cần thời gian và sự kiên nhẫn mà tôi thì không có nhiều thời gian...”.

Các mô hình lan tỏa văn hóa đọc ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của học tập, trong đó có đọc sách, trong việc xây dựng con người toàn diện. Người từng căn dặn: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi”. Quan điểm này coi học tập là hành trình liên tục, bảo đảm dân tộc không bị tụt hậu. Nhiều nghị quyết Trung ương qua các nhiệm kỳ đều đặt mục tiêu xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Nghị quyết 29 của Trung ương khóa XI xác định: Xây dựng xã hội học tập là yêu cầu then chốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội”. Quan điểm này nhấn mạnh việc học không chỉ để có kiến thức mà còn để rèn nhân cách và năng lực thích ứng trong thời đại mới. Trong đó, văn hóa đọc chính là nền tảng giúp mỗi người tự học, làm giàu tri thức và bồi đắp phẩm chất.

Tiêu biểu là mô hình thư viện tại gia “Thế Uẩn thư trai” do PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam), dày công gây dựng. Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ hơn 10.000 cuốn sách, tạp chí, ấn phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình, từ điển, văn học kinh điển trong và ngoài nước, mà còn là không gian học thuật mở cửa miễn phí cho sinh viên, nghiên cứu sinh và người yêu sách. Không có hệ thống mã vạch, cũng chẳng cần thẻ mượn, “Thế Uẩn thư trai” vận hành bằng lòng tin và niềm yêu sách.

“Cái quý nhất trong văn hóa đọc không phải là số lượng sách bạn sở hữu, mà là thái độ của bạn với tri thức. Đọc không phải để tích lũy dữ liệu, mà là để rèn nhân cách, soi sáng tư duy và làm giàu tâm hồn…”, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Bạn Nguyễn Mai Anh, sinh viên năm 4, chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, chia sẻ cảm nhận sau một lần ghé thăm “Thế Uẩn thư trai”: “Ấn tượng đầu tiên của em không phải là số lượng sách, mà là cảm giác tôn kính dành cho tri thức mà PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện truyền ra từ cách ông nâng niu từng quyển sách, sẵn lòng chia sẻ mà không hề giữ cho riêng mình. Ở đó, em được học thêm về cách đọc, đọc chậm, đọc sâu, đọc có suy ngẫm, chứ không phải đọc để chạy theo xu hướng…”.

Khi được hỏi về việc liệu văn hóa đọc truyền thống có đủ sức cạnh tranh trong thời đại số, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn chia sẻ: “Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ, vấn đề là biết dùng nó để nuôi dưỡng thói quen đọc sâu và tư duy độc lập. Học qua sách giấy, audiobook hay video đều đáng quý nếu giữ được tinh thần học thật. Một dân tộc mạnh là dân tộc biết đọc, biết nghĩ, biết học suốt đời. Và người truyền cảm hứng đọc có thể là bất kỳ ai, từ thầy cô đến một bạn trẻ yêu sách hay người mẹ đọc cho con mỗi tối…”.

Muốn xây dựng một xã hội học tập, một dân tộc không tụt hậu, cần phải khơi dậy tinh thần tự học mà nền tảng bắt đầu từ thói quen đọc, từ tình yêu sách lan tỏa trong từng gia đình, lớp học, cơ quan và doanh nghiệp. Văn hóa đọc không mâu thuẫn với công nghệ hiện đại, mà có thể đồng hành nếu được định hướng đúng. Khi người trẻ biết dừng lại giữa nhịp sống số để đọc một trang sách, nghe một chương sách nói, hay chia sẻ kiến thức cùng bạn bè, cũng là lúc ngọn lửa tri thức được nhen lên. Khi đất nước có thêm những người biết đọc để suy ngẫm, học để hành động, thì tinh thần học tập suốt đời sẽ không còn là khẩu hiệu, mà trở thành động lực thực sự cho một xã hội phát triển bằng tri thức.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/van-hoa-doc-trong-ky-nguyen-so-a424649.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
Cầu thủ Lê Thị Trang tươi cười ăn mừng bàn thắng vào lưới U20 nữ Iran tại vòng loại U20 nữ Châu Á
Cầu thủ Lê Thị Trang tươi cười ăn mừng bàn thắng vào lưới U20 nữ Iran tại vòng loại U20 nữ Châu Á