Khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Yên Bái vừa phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện hợp nhất 2 tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, việc hợp nhất hai tỉnh là bước ngoặt lịch sử, là tiền đề cho sự kiến tạo và phát triển tỉnh mới dựa trên tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương trong thời gian tới.
Ông Trịnh Xuân Trường hy vọng, 2 tỉnh sẽ tiếp tục cùng chung bước, đồng lòng, đoàn kết, luôn đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phát triển để “cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ” với khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới.


Thành phố Lào Cai mang sắc màu lung linh, huyền ảo về đêm.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng khẳng định, 2 địa phương đã vào cuộc triển khai nghiêm túc, trách nhiệm trên tinh thần đoàn kết, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, hướng tới tương lai phát triển bền vững sau khi hợp nhất.
Theo ông Trần Huy Tuấn, sự hợp nhất là khởi đầu cho một hành trình mới, vươn xa bền vững, vì một vùng đất hội tụ bản sắc văn hóa các dân tộc với khát vọng vươn lên phát triển trong kỷ nguyên mới.


Sau khi sáp nhập 2 tỉnh, trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại Yên Bái.
Trước đó, vào ngày 12.4, Hội nghị lần thứ XI của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 60, chủ trương hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Tỉnh mới sẽ có tên là Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Yên Bái.
Trong quá khứ, từ năm 1976 đến năm 1991, 3 tỉnh Yên Bái - Nghĩa Lộ - Lào Cai từng hợp nhất thành một thực thể hành chính có tên Hoàng Liên Sơn. Đó là giai đoạn tồn tại một địa bàn du lịch "khổng lồ" kéo dài từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà - những cái tên đã đi vào bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Việc tái sáp nhập sau hơn 30 năm tách tỉnh không chỉ mang ý nghĩa quản trị hành chính tinh gọn, mà còn mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch Tây Bắc.
Phép cộng chiến lược về du lịch
Trong bản đồ du lịch phía Bắc, hiếm có cặp tỉnh nào mang tính bổ trợ hoàn hảo như Lào Cai và Yên Bái. Nếu Lào Cai được xem là "cửa ngõ du lịch vùng cao” với thương hiệu quốc tế Sa Pa, thì Yên Bái là "vùng đất bản nguyên” với những địa danh gắn với văn hóa dân tộc và cảnh sắc hoang sơ.
Lào Cai sở hữu Sa Pa - là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt tốp 16 thị trấn đẹp nhất thế giới do tạp chí Time Out (Anh) bình chọn.

Khu du lịch Sun World Fansipan Legend ở Sa Pa được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan.
Với khí hậu mát lạnh quanh năm, Sa Pa được ví như "tiểu châu Âu” giữa lòng Tây Bắc. Không chỉ có "nóc nhà Đông Dương" Fansipan hay thung lũng Mường Hoa kỳ vĩ, Sa Pa còn là nơi đậm đà bản sắc của người Mông, Dao đỏ qua phiên chợ tình, nghề dệt thổ cẩm và các bản làng nằm yên bình trong mây.
Trong khi đó, Yên Bái nổi bật với Mù Cang Chải, vùng ruộng bậc thang được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, thường xuyên được báo chí quốc tế ca ngợi là điểm đến đẹp bậc nhất Đông Nam Á. Không gian nguyên sơ, màu lúa chín rực rỡ vào thu, những lễ hội truyền thống của người H'Mông như Tết Độc lập, chợ vùng cao… tạo nên một tổng thể giàu cảm xúc và trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Suối Giàng với rừng chè Shan Tuyết cổ thụ, hồ Thác Bà với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, hay thị xã Nghĩa Lộ đậm sắc văn hóa Thái cũng là những điểm đến đặc sắc, ghi dấu riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam.


Hồ Thác Bà rộng gần 20.000 ha mặt nước với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.
Về địa lý, tỉnh Lào Cai và Yên Bái liền kề nhau, có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, đóng vai trò trung chuyển giữa vùng cao và trung du Bắc Bộ. Việc sáp nhập sẽ giúp hình thành một vùng liên kết du lịch rộng lớn, mở ra khả năng phát triển các tuyến, cụm du lịch xuyên tỉnh với quy mô, chất lượng tốt hơn.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được ví như là động mạch chính đưa du khách từ Hà Nội lên Sa Pa chỉ trong khoảng 4-5 giờ. Còn Yên Bái đang kết nối vào trục cao tốc nối miền xuôi với vùng di sản Tây Bắc như Mù Cang Chải - Trạm Tấu - Nghĩa Lộ...

Sa Pa có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên hùng vĩ.
Việc hình thành một "vành đai di sản” kéo dài từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà không chỉ mở rộng quỹ điểm đến mà còn tăng thời gian lưu trú và mức độ trải nghiệm của du khách.
2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái sau sáp nhập được đánh giá là phép cộng chiến lược về du lịch, khi 2 địa phương có thể bổ trợ nhau: một bên mạnh về thương hiệu và hạ tầng, bên kia nổi bật bởi chiều sâu bản sắc và vẻ đẹp nguyên bản.
Nguồn: https://baolaocai.vn/vanh-dai-di-san-cua-tay-bac-post400594.html
Bình luận (0)