Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vào hè, tăng mạnh nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái ở Nghệ An

Mùa Hè đến, nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao, nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đã đầu tư lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để bổ sung thêm nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, vừa giảm chi phí sản xuất.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An26/05/2025

Lợi ích thiết thực

Tại khu vực Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai, theo một cơ sở chuyên tư vấn và thi công pin năng lượng cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhất là những ngày gần đây, đơn vị liên tục nhận được đơn hàng lắp pin năng lượng, cứ vài ngày lại lắp cho một gia đình, công suất chỉ 6-8 kWp thì giá chỉ 65-70 triệu đồng. Nếu gia đình nào lắp thêm pin tích điện thì tăng thêm vài chục triệu đồng.

 1
Pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái một nhà xưởng tại Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Tìm hiểu thêm, được biết, từ khi Chính phủ có Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký và hỗ trợ phát triển pin năng lượng mặt trời và mới đây là Nghị định số 58/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định 135/2024 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và hướng dẫn thủ tục đăng ký đầu tư lắp đặt năng lượng mặt trời cùng các loại năng lượng mới tiếp tục duy trì các chính sách thông thoáng, thì nhiều người dân đã chủ động lắp đặt pin năng lượng. Theo quy định, hộ gia đình tự lắp đặt sản xuất điện, tự dùng, công suất dưới 100 kWp thì không phải đăng ký, trường hợp thừa thì bán lên lưới điện không quá 20% công suất.

 2
Thi công lắp pin mặt trời trên nhà mái ngói yêu cầu gia cố thêm ke chắn. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Một hộ dân trên đường Lê Hoàn, phường Hưng Phúc, TP. Vinh vừa lắp đặt pin trên mái nhà để kinh doanh cà phê cho hay: Từ khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời, gia đình dùng điện thoải mái, trời nắng thì bật điều hòa sớm nên khi cao điểm vào trưa lượng điện tiêu thụ cũng ít đi. Lắp điện năng lượng mặt trời để kinh doanh có cái lợi nữa là giá rẻ chỉ bằng một nửa. Bình thường giá điện kinh doanh khoảng 3.500 - 3.800 đồng và giờ cao điểm còn có thể cao hơn (do giá điện lưới tính lũy kế bậc thang).

Trong khi đó, anh Quang Dũng - chủ hộ mới lắp đặt pin năng lượng tại đường Duy Tân, phường Hưng Dũng, TP. Vinh, cho biết: Gia đình có siêu thị và quán cà phê nên hàng tháng chi trả tiền điện trên 5 triệu đồng. Từ ngày 10/5, EVN vừa thông báo tăng thêm 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân nên gia đình quyết định lắp dàn pin mặt trời trên mái với công suất 15 kWp, kinh phí gần 180 triệu đồng.
Từ khi có pin năng lượng, điều hòa, quạt và tủ lạnh chạy thoải mái; tháng đầu tiên chi phí tiền điện giảm 2/3. Với mức tiết giảm như trên, chỉ 3 năm là đủ bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

 3
Pin mặt trời lắp trên căn biệt thự thuộc một Khu đô thị mới ở phường Hưng Dũng cùng với quá trình thi công nhà. Ảnh: Nguyễn Hải

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Khắc Bình - Khoa công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: Hiện nay, chi phí lắp đặt điện năng lượng mặt trời đã giảm đáng kể, các vật tư thiết bị lắp đặt ngày càng phổ biến hơn. Cách đây dăm năm, để lắp đặt pin mặt trời dùng cho gia đình công suất từ 8-10 kWp cần chi phí từ 130-150 triệu đồng, thì nay đã giảm một nửa với khoảng với 70 - 80 triệu đồng, bình quân chỉ từ 7-8 triệu/kWp. Lắp pin trên mái, vào mùa Hè đạt hiệu quả tối đa khi tấm pin che giảm nhiệt cho mái nhà.

Hiện nay, ngày càng có nhiều đơn vị doanh nghiệp thi công, tư vấn kỹ thuật, nên việc kiểm tra, bảo dưỡng tấm pin cũng như các thiết bị như biến áp, bộ biến tần chuyển đổi cũng thuận lợi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương, thì người dân nên chọn các doanh nghiệp lắp đặt uy tín để tư vấn và lắp đặt đảm bảo an toàn, minh bạch về giá cả; có bảo hành và định kỳ được hướng dẫn để khai thác, vệ sinh để khai thác hiệu quả tích điện cho tấm pin…

Đại diện Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương cũng cho biết: Kể từ khi có cơ chế về lắp đặt pin năng lượng “tự sản tự dùng”, Sở chỉ xây dựng quy trình cấp phép cho các dự án phát điện trên 100 kW - 1 MW do phụ tải lớn. Vì thế, gần đây, Sở cũng như ngành Điện lực chưa thống kê, quản lý đối tượng nhóm hộ gia đình lắp đặt và công suất là bao nhiêu. Tuy nhiên, so với trước đây, nhận thức của người dân về năng lượng tái tạo và pin năng lượng đã thay đổi và xuất phát từ lợi kinh tế người dân chủ động.

Cần có lộ trình

Theo Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, thì hành lang pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại năng lượng khác đã dần hình thành và hoàn thiện.

Theo đó, bên cạnh đầu tư sản xuất điện để tự sản tự dùng, thì đã có những chính sách để khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, từng bước hiện thực hoá cam kết giảm phát thải, phục vụ chuyển đổi quy hoạch năng lượng quốc gia bền vững.

Theo số liệu được chia sẻ tại hội thảo do EVN tổ chức, hiện nhu cầu dùng điện tăng từ 7-9% mỗi năm. Trong khi cơ cấu nguồn điện hiện nay khá phụ thuộc vào nhiệt điện và điện than, thì sắp tới sẽ phải thay đổi. Theo lộ trình, các dạng năng lượng chủ lực hiện nay như nhiệt điện sẽ giảm từ 43% năm 2025 xuống còn 31% vào năm 2030 và 10% vào năm 2040; tương tự, thuỷ điện sẽ giảm từ 34% năm 2025 xuống còn 17% vào năm 2030 và 11% vào năm 2040.

 Thợ lắp
Thợ thi công lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà dân thuộc phường Hưng Phúc, TP. Vinh. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Ở chiều ngược lại, điện tái tạo gồm gió, mặt trời, điện khí và sinh khối sẽ tăng từ 27% năm 2025 lên 40% năm 2030 và 58% vào năm 2040.

Ngoài ra, theo các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và để hội nhập, xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường các nước phát triển, phía bạn sẽ có những ràng buộc yêu cầu nước ta là nước xuất khẩu chứng nhận hàng hoá kèm các chứng chỉ về năng lượng tái tạo (RECH), chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC) hoặc chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng (GO)…

 Mô hình điện trên hồ thuỷ lợi
Mô hình điện năng lượng mặt trời trên lòng hồ thuỷ lợi đang được coi là dư địa lớn. Tại Nghệ An hiện có 2 dự án điện mặt trời đang còn hiệu lực tại lòng hồ Khe Gỗ, xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) và hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu và Hoàng Mai). Ảnh minh hoạ

Thế nên, các doanh nghiệp muốn lớn mạnh, xuất hàng đi quốc tế hoặc trở thành doanh nghiệp vệ tinh cùng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu thì phải có lộ trình đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng an toàn.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An đánh giá: Mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư cho điện tái tạo để tiết giảm chi phí đầu vào sản xuất nhưng chưa thực sự phổ biến và thành xu thế. Mới nhất là Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã đầu tư gần 5 tỷ đồng lắp đặt pin năng lượng, công suất trên 1 MW tại KCN Đông Hồi (TX. Hoàng Mai). Tương tự, một số doanh nghiệp FDI tại KCN VSIP và WHA đã đầu tư lắp đặt pin năng lượng trên mái nhà xưởng, tổng công suất ước đạt khoảng từ 3-5 MW. Cả tỉnh có gần 100 doanh nghiệp lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái với công suất khoảng trên 80 MW.

 4
Tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng tại KCN WHA Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, theo ông Chế Minh Tài - Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương cho hay: So với các tỉnh phía Nam thì số các doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Nghệ An vẫn còn khiêm tốn, mới nhất, chỉ có 1 doanh nghiệp lắp đặt trên 1 MW nhưng chưa vận hành. Điều này vô tình gây áp lực về nguồn cung năng lượng mỗi khi mùa hè cao điểm, nguồn điện sản xuất từ thủy điện giảm buộc các doanh nghiệp sử dụng điện lớn phải tiết kiệm, giảm tải ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Hiện dư địa để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời áp mái nhà, các ao đầm nuôi trồng thủy sản, điện gió hay sinh khối, rất lớn.

Tại Quyết định số 768/2025/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điện VIII, trên cơ sở đề xuất của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Nghệ An điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch điện giai đoạn 2025 - 2030 là 232 MW và giai đoạn 2031 - 2035 tăng thêm 49 MW. Rõ ràng, cùng với dự án điện khí LNG có tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD và công suất 1.500 MW tại KCN Đông Hồi đang được triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư thì đây là cơ hội để Nghệ An thu hút, phát triển thêm các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cho sản xuất và đời sống.

(Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương)

Nguồn: https://baonghean.vn/vao-he-tang-manh-nhu-cau-lap-dien-mat-troi-ap-mai-o-nghe-an-10298245.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm