Câu chuyện giá vé máy bay các chặng nội địa đắt đỏ không phải mới, tuy nhiên luôn là chủ đề nóng, nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy, giá vé Hà Nội đi Phú Quốc đầu tháng 7 đắt gần gấp đôi so với chặng Hà Nội - Busan (Hàn Quốc). Giá vé Hà Nội – Nha Trang từ 4 đến 6 triệu đồng, đắt gấp đôi chặng Hà Nội – Bangkok (Thái Lan) – giá 2 -3 triệu đồng.
Giá vé hai chiều Hà Nội - Phú Quốc của hãng Vietnam Airlines cao nhất khoảng 9 triệu đồng/khách, còn mức giá chặng bay này của hãng Vietjet Air có thời điểm hơn 8 triệu đồng/khách.
Mức này cũng cao gấp đôi chặng Hà Nội – Đài Loan (Trung Quốc), Hà Nội - Kuala Lumpur (Malaysia)…
Nhiều người cho rằng, giá vé máy bay nội địa quá cao khiến nhiều du khách lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì trải nghiệm các điểm đến trong nước mùa hè này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Du lịch Phạm Hương Trang, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam đang ở mức cao bất thường khiến người tiêu dùng "quay lưng" với điểm đến trong nước.

Nhiều du khách buộc đi du lịch sớm từ đầu năm để tránh giá vé đắt đỏ dịp hè (Ảnh: Thanh Huyền).
Vé máy bay tại Việt Nam cao bất thường
Nhìn vào giá vé máy bay nội địa, nhiều người không khỏi giật mình vì nghịch lý vé nội địa cao gấp đôi vé đi nước ngoài. Theo bà, vì sao giá vé máy bay ở Việt Nam lại đắt đỏ như vậy?
- Giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam đang ở mức cao bất thường, thậm chí vượt xa so với nhiều chặng bay quốc tế, tạo ra nghịch lý đáng lo ngại. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Cơ cấu và thị trường phức tạp, trong đó nổi bật là chi phí đầu vào tăng mạnh do yếu tố ngoại tệ khi giá nhiên liệu hàng không Jet-A1 khu vực châu Á hiện ở mức 100,25 USD/thùng (theo IATA ngày 26/4/2024) và tỷ giá USD/VND biến động mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí thuê máy bay, thuê phi công nước ngoài, bảo trì máy bay.
Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng thiếu hụt máy bay khi 33 máy bay tại Việt Nam phải dừng khai thác hơn 1 năm do lệnh triệu hồi động cơ Pratt & Whitney, làm giảm khoảng 20-25% đội bay thân hẹp chủ lực.
Điều này tạo ra tình trạng cung không đáp ứng được cầu, đặc biệt vào mùa hè, cao điểm du lịch nội địa.
Bên cạnh đó phải kể đến các lý do: Đặc thù địa lý khiến các chặng bay nội địa Việt Nam có khoảng cách dài hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan (2-2,5 giờ bay so với 1-1,5 giờ); gánh nặng trên 20 loại thuế phí trực tiếp và gián tiếp, thị trường thiếu cạnh tranh do chủ yếu nằm trong tay một số ít hãng lớn; chi phí bảo trì cao do phải thực hiện chủ yếu ở nước ngoài.
Thực tế cho thấy, khi tìm hiểu về giá vé máy bay năm nay, nhiều du khách đã chuyển hướng đi du lịch nước ngoài dù rất yêu thích các điểm đến trong nước. Bà thấy sao về sự thay đổi này?
- Sự liên kết giữa ngành hàng không và du lịch còn lỏng lẻo, chưa tạo được áp lực cạnh tranh đủ lớn để đẩy giá vé xuống thấp. Hệ quả của tình trạng này tạo ra nghịch lý: Chi phí du lịch trong nước đắt hơn du lịch nước ngoài.
Người tiêu dùng "quay lưng" với điểm đến trong nước, không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế và tạo áp lực lạm phát đối với chi phí di chuyển của người dân.
Với nhiều điểm đến xa như Phú Quốc, Côn Đảo hay Tây Nguyên, chi phí vé máy bay thường chiếm 40-60% giá tour, đẩy tổng chi phí lên ngang hoặc cao hơn tour đi nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc.
Trong khi đó, chất lượng dịch vụ bay nội địa lại chưa tương xứng: Chậm, hoãn chuyến còn phổ biến, giá vé biến động mạnh theo mùa, ít ưu đãi so với các hãng quốc tế.
Hệ quả là nhiều du khách lựa chọn đi nước ngoài vì cảm thấy “đáng tiền” hơn. Điều này cho thấy một bất cập lớn trong chiến lược phát triển du lịch nội địa, khi chi phí tiếp cận lại là rào cản lớn nhất của hành trình trải nghiệm.

Du khách tham quan Phương Dương áp thôn, ngôi làng là bối cảnh ghi hình bộ phim "Đi đến nơi có gió" ở Vân Nam (Trung Quốc) (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).
Giảm chi phí tiếp cận, tăng chi tiêu tại điểm đến
Thái Lan, Trung Quốc có cách làm khá hay: Hạ giá vé máy bay để kích cầu du lịch, mặt khác họ gia tăng trải nghiệm cho khách, khiến khách chi tiêu nhiều hơn, thậm chí sẵn lòng móc đến những đồng tiền cuối cùng. Tức là, để kích cầu du lịch, một hệ sinh thái sẽ kết hợp với nhau nhịp nhàng, để gia tăng trải nghiệm, giúp tăng chi tiêu mà khách vẫn vui vẻ?
- Không phải ngẫu nhiên Thái Lan hay Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế hàng đầu về lượng khách quốc tế lẫn nội địa. Bài học từ họ rất rõ: Giảm chi phí tiếp cận, tăng chi tiêu tại điểm đến.
Mô hình du lịch ở các quốc gia này được xem là một hệ sinh thái vận hành nhịp nhàng: Hàng không - lưu trú - điểm đến - cộng đồng địa phương - các nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả liên kết chặt chẽ để đảm bảo du khách không chỉ đến mà còn quay lại, và sẵn sàng chi tiêu “đến đồng cuối cùng” vì giá trị họ nhận được là xứng đáng.
Điểm mấu chốt là cách các nước này đã tạo ra một "vòng tròn tích cực": Vé rẻ thu hút khách khiến khách đến nhiều, chi tiêu tại điểm đến tăng. Kinh tế du lịch nhờ thế phát triển, khi kinh tế du lịch phát triển sẽ có điều kiện tiếp tục hỗ trợ giá vé cạnh tranh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng không và du lịch.
Thái Lan đã đầu tư gói kích cầu du lịch hơn 400 triệu USD, kết hợp giảm phí sân bay, trợ giá nhiên liệu và phát triển hạ tầng. Trung Quốc áp dụng chiến lược "vé rẻ - chi tiêu cao", sử dụng vé máy bay giá thấp để thu hút khách, đồng thời đầu tư mạnh vào trải nghiệm du lịch tại điểm đến.

Nhiều du khách lựa chọn đi du lịch nước ngoài vì giá vé máy bay nội địa quá đắt đỏ (Ảnh: Phạm Hồng Hạnh).
Đại diện nhiều công ty du lịch chia sẻ, họ không bán nổi tour nội địa, vì tiền vé máy bay khiến chi phí cấu thành giá tour đội lên rất cao. Khi đặt lên bàn cân so sánh, nhiều khách đã quyết định xuống tiền mua tour nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Bà có cho rằng điều này sẽ khiến du lịch trong nước thất thu? Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà? Bà có đề xuất gì để cải thiện tình trạng này?
- Vấn đề thực tế hiện nay không chỉ là vấn đề đơn thuần về giá vé, mà cần một chiến lược tổng thể để phát triển bền vững của cả ngành hàng không và du lịch. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ. Điều này bao gồm các gói kích cầu lớn cho ngành hàng không và du lịch, giảm - miễn thuế phí sân bay trong giai đoạn nhất định, và đặc biệt là trợ giá cho các đường bay nội địa chiến lược.

Tiến sĩ Du lịch Phạm Hương Trang, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam đang ở mức cao bất thường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đồng thời, chúng ta cần minh bạch hóa cơ cấu giá vé để người dân hiểu rõ các yếu tố cấu thành như nhiên liệu, phí sân bay, chi phí vận hành, tránh những hiểu lầm về việc tăng giá bất hợp lý.
Các hãng hàng không cần chủ động tăng cường cung ứng và đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể là tăng tần suất chuyến bay đến các điểm du lịch trọng điểm, đặc biệt trong mùa cao điểm và khung giờ hợp lý để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá.
Đồng thời mở rộng mạng lưới đường bay nội địa đến các điểm đến tiềm năng và tối ưu hóa việc sử dụng đội bay hiện có. Quan trọng không kém là xây dựng chính sách giá vé linh hoạt hơn, khuyến khích đặt vé sớm với nhiều mức giá ưu đãi, thay vì chỉ tập trung vào vé giá cao sát ngày bay như hiện tại.
Chúng ta cần học hỏi mô hình của Thái Lan khi họ tạo ra các gói tour tích hợp "3 trong 1" hoặc "4 trong 1". Việt Nam cần khuyến khích sự liên minh giữa hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ địa phương để tạo ra những gói sản phẩm trọn gói hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao về giá và trải nghiệm.
Không chỉ dừng lại ở việc giảm giá vé, chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Điều này bao gồm phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, ẩm thực đặc sắc, giải trí chất lượng, du lịch cộng đồng và sinh thái để du khách cảm thấy hài lòng và sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến.

Nhiều người lo ngại du lịch nội địa sẽ thất thu vì vé máy bay nội địa quá cao (Ảnh: Thanh Huyền).
Về cơ sở hạ tầng cho chiến lược lâu dài, chúng ta cần đầu tư nâng cấp các sân bay để giảm chi phí vận hành, đồng thời phát triển mạng lưới sân bay thứ cấp nhằm tăng tính cạnh tranh và mở rộng khả năng kết nối.
Đặc biệt quan trọng là xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Chúng ta cần các chiến dịch truyền thông hiệu quả để thu hút khách quốc tế. Điều này sẽ gián tiếp giúp các hãng hàng không tối ưu hóa khai thác và có thể cân bằng chi phí cho các đường bay nội địa.
Quan trọng nhất là tất cả các giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Khi chúng ta có được hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với trải nghiệm chất lượng cao, sản phẩm độc đáo và thương hiệu mạnh, chúng ta sẽ thu hút được cả khách quốc tế và giữ chân khách nội địa. Điều này sẽ kích thích tăng trưởng bền vững cho cả ngành hàng không và du lịch Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian trò chuyện cùng Dân trí!
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đầy "tham vọng": Đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980-1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng.
Năm 2025 được kỳ vọng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành Du lịch sau những biến động lớn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/ve-may-bay-noi-dia-dat-do-khach-di-nuoc-ngoai-du-lich-viet-co-that-thu-20250627122626242.htm
Bình luận (0)