Trở lại vùng đất này, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Lê Thị Thu bùi ngùi khi gặp lại những đồng đội năm xưa, trong đó có những nữ cựu tù kháng chiến từng một thời gắn bó cùng nhau.
Bà Thu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. 12 tuổi, bà làm giao liên cho má - cũng là chiến sĩ cách mạng. Bà từng làm thư ký cho đồng chí Lê Thị Riêng, sau đó tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng và bị địch bắt ở tù 3 năm,…
Các đại biểu thực hiện nghi thức mặc niệm tại Khu di tích lịch sử Giồng Dứa
Bà Thu chia sẻ, nhờ nhân dân nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, lực lượng cách mạng tại căn cứ Giồng Dứa luôn được bảo vệ an toàn trước sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy. Sự hình thành của căn cứ vùng ven trong điều kiện kẻ thù còn rất mạnh ở nội ô đã phản ánh sự lãnh đạo linh hoạt, tài tình của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định nhằm xây dựng lực lượng và phát triển phong trào cách mạng, từng bước vượt qua khó khăn, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
“Sau khi nghỉ hưu năm 2008, tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối Phụ nữ TP.HCM, Trưởng ban Liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định. Tôi rất xúc động khi trở về Di tích lịch sử Giồng Dứa. Vùng đất Đức Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những chiến trường ác liệt. Tôi mong rằng, phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, thế hệ trẻ hôm nay phải phấn đấu, có sức khỏe, có tri thức để xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước” - bà Thu nói.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Lê Thị Thu (thứ 2, phải qua) chia sẻ cảm xúc khi đến thăm lại Khu di tích lịch sử Giồng Dứa
Trong những năm chiến tranh, nhằm xây dựng và phát triển lực lượng, Khu ủy và các cơ quan, đơn vị trực thuộc mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào đô thị và nông thôn. Những lớp đào tạo này do yêu cầu về an ninh và bí mật nên không thể tổ chức trong nội thành, vì thế phải xây dựng những căn cứ ở ven khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn để phục vụ nhu cầu này. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, khu vực Giồng Dứa thuộc xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa được liên quận 5, 6, 7, 8 và Ban Hoa vận, Ban Công vận trực thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chọn làm căn cứ.
Đây là nơi quân, dân ta và nhiều đồng chí lãnh đạo đã về trú đóng, tổ chức đào tạo, xây dựng lực lượng cho phong trào cách mạng nội thành trong hoàn cảnh cách mạng miền Nam còn vô vàn khó khăn. Đây cũng là một trong những căn cứ điển hình, tiêu biểu cho loại hình “Căn cứ lòng dân” - nét đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu (bìa phải) thắp hương tại Khu di tích lịch sử Giồng Dứa
Sự hình thành căn cứ ở vùng ven phản ánh sự lãnh đạo linh hoạt, tài tình của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định nhằm xây dựng lực lượng và phát triển phong trào cách mạng, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách của chiến tranh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng ấy, căn cứ liên quận 5, 6, 7, 8 cùng Ban Công vận, Ban Hoa vận thuộc Khu ủy Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định (1961-1964) được UBND tỉnh Long An (cũ) công nhận là Di tích cấp tỉnh vào năm 2012./.
Thanh Nga
Nguồn: https://baolongan.vn/ve-tham-di-tich-lich-su-giong-dua-a198452.html
Bình luận (0)