Khi vẹt nói, liệu chúng thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau những từ đó? (Ảnh: Saurabh Goel).
Trong tự nhiên, vẹt là loài chim có tính xã hội cao, sở hữu một hệ thống giao tiếp tinh vi bằng tiếng kêu, huýt sáo và chuyển động cơ thể.
Chúng không chỉ dùng âm thanh để xác định vị trí nhau mà còn phát ra những “tiếng gọi đặc trưng” như một dạng tên riêng nhằm liên lạc trong đàn.
Tuy nhiên, khi được nuôi làm thú cưng, vẹt không còn những đồng loại để giao tiếp bằng ngôn ngữ của loài; thay vào đó, chúng thích nghi và học cách bắt chước âm thanh của con người với khả năng gây kinh ngạc.
Câu hỏi đặt ra: Liệu vẹt có thật sự hiểu được ngôn ngữ loài người hay tất cả chỉ là sự nhại lại một cách vô thức?
Giáo sư Irene Pepperberg, chuyên gia nghiên cứu về tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Boston (Anh), là người dành cả sự nghiệp để trả lời câu hỏi đó.
Nhân vật trung tâm trong nghiên cứu của giáo sư là một chú vẹt xám châu Phi tên là Alex, nổi tiếng khắp thế giới vì khả năng giao tiếp vượt trội.
Không chỉ biết hơn 100 từ chỉ đồ vật, màu sắc, hành động, vẹt Alex còn có thể đếm đến sáu, hiểu khái niệm “không” và sử dụng từ ngữ để mô tả đặc điểm của các vật thể, so sánh và thậm chí… xin lỗi khi làm sai.
Khác với suy nghĩ rằng vẹt chỉ là “máy ghi âm sống”, các nghiên cứu cho thấy chúng hoàn toàn có thể hiểu ý nghĩa gắn liền với những từ cụ thể nếu được dạy đúng cách.
Chẳng hạn, khi một chú vẹt thường xuyên được đưa cho hạt đậu phộng kèm theo từ “đậu phộng”, nó sẽ học được mối liên hệ giữa âm thanh đó và món ăn yêu thích.
Để kiểm tra mức độ hiểu biết, các nhà nghiên cứu đưa cho chú chim món ăn khác và quan sát phản ứng. Nếu nó từ chối và tiếp tục đòi “đậu phộng”, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng vẹt biết mình đang nói gì.
Vẹt không hiểu ngôn ngữ như con người
Phó Giáo sư tâm lý học Erin Colbert-White, Đại học Puget Sound (Hoa Kỳ), cho biết: “Loại học tập này hiệu quả nhất với các đồ vật cụ thể, nhưng vẹt cũng rất giỏi trong việc nhận biết ngữ cảnh và phản hồi xã hội”.
Theo bà, dù không hiểu nghĩa trừu tượng như con người, vẹt vẫn có thể học được rằng nói “xin chào” khi ai đó bước vào phòng và điều đó sẽ khiến chúng được chú ý và khen ngợi - một dạng học theo phản xạ và phần thưởng.
Irene Pepperberg và sinh viên Steven Wilkes cùng Alex và hai chú vẹt khác vào năm 2002 (Ảnh: Boston Globe).
Ví dụ thú vị nhất về khả năng sử dụng từ ngữ theo ngữ cảnh chính là câu chuyện của Alex.
Một lần, sau khi xé nát một xấp tài liệu trong phòng thí nghiệm, Alex bị giáo sư Pepperberg lớn tiếng mắng.
Bất ngờ, chú vẹt đáp lại bằng câu “tôi xin lỗi” - một cụm từ từng được bà nói với nó trước đó khi phát hiện Alex bị thương vì làm vỡ cốc cà phê.
Từ trải nghiệm đó, Alex học được rằng “tôi xin lỗi” là cụm từ giúp xoa dịu những tình huống căng thẳng.
Về sau, mỗi khi bị đe dọa phạt, con vẹt này đều nói “tôi xin lỗi” như một nỗ lực để tránh bị trách phạt.
Điều tương tự cũng áp dụng với những câu như “anh yêu em”.
Theo Colbert-White, đối với vẹt, câu nói này không mang ý nghĩa tình cảm sâu sắc như con người vẫn nghĩ, mà đơn giản là: “Nếu tôi nói câu này, tôi sẽ được vuốt ve, nhận được sự chú ý và cảm thấy gắn bó với chủ”.
Điều đó cho thấy vẹt học cách sử dụng ngôn ngữ dựa vào mối quan hệ nhân quả giữa lời nói và hành động, chứ không hoàn toàn hiểu ngôn ngữ theo cách con người vẫn hiểu.
Tuy nhiên, không phải chú vẹt nào cũng có khả năng “nói” như vậy.
Một số cá thể không bao giờ phát ra lời nói, đặc biệt nếu chúng được nuôi cùng với một con vẹt khác và giao tiếp bằng tiếng kêu của loài mình.
“Khả năng sử dụng ngôn ngữ người của vẹt là khác nhau ở từng cá thể”, Colbert-White nhấn mạnh.
Nhưng trên hết, cả hai chuyên gia đều cho rằng, thay vì ép vẹt học nói như con người, chúng ta nên dành nhiều sự trân trọng hơn cho hệ thống giao tiếp tự nhiên của chúng – thứ mà khoa học hiện đại vẫn chưa hoàn toàn giải mã.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/vet-noi-tieng-nguoi-do-hieu-hay-chi-la-su-bat-chuoc-vo-thuc-20250528144801382.htm
Bình luận (0)