Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao làng ngói lớn nhất miền Trung "biến mất"?

Báo Giao thôngBáo Giao thông30/03/2025

Những ngày hoàng kim, ở miền Trung, nhắc đến ngói, mọi người nghĩ ngay đến ngói Cừa. Ngói Cừa gần như độc quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, thậm chí còn xuất khẩu qua Lào. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, làng nghề giờ chỉ còn là dĩ vãng.


Một thời hoàng kim

Những ngày cuối tháng 3/2025, PV có mặt tại làng nghề sản xuất ngói Cừa (xã Nghĩa Hoàn cũ, nay là xã Hoàn Long, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Ngay trên con đường cái đi vào, một cổng chào bằng bê tông được xây dựng kiên cố, hoành tráng.

Vì sao làng ngói lớn nhất miền Trung

Ông Hoàng Xuân Lương hồi tưởng về một thời vàng son của làng ngói Cừa.

Trên tấm biển ngang, dòng chữ "Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ làng nghề ngói Cừa Nghĩa Hoàn kính chào quý khách" đã mờ gần hết. Bên phải cổng chào, hai ngôi nhà bê tông khang trang, bề thế được xây dựng từ năm 2010. Một ngôi nhà có tấm biển văn phòng, ngôi nhà còn lại là nhà văn hóa làng nghề ngói Cừa Nghĩa Hoàn.

Đi sâu vào bên trong, đập vào mắt PV là một bãi đất trống rộng cả chục hecta bị bỏ hoang. Cỏ dại và cây bụi mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân. Xen lẫn trong cỏ cây, nhiều đống gạch đỏ được dùng để xây dựng lò nung thủ công ngày trước đã phủ rêu và bụi đất. Một vài ngôi nhà tạm đã hư hỏng, xuống cấp, bên trong trống hoác.

Đưa ánh mắt nhìn xa xăm như hoài niệm, ông Hoàng Xuân Lương (68 tuổi) kể, thời hoàng kim, làng nghề có gần 200 lò ngói của 136 hộ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Hằng ngày, thương lái, thợ thầy từ các tỉnh ở miền Bắc về mua bán, làm nghề nhộn nhịp; xe ô tô con, xe tải vào ký kết, chở hàng tấp nập từ sáng cho đến tối.

"Người dân ở đây không những sống nhờ ngói mà làm giàu từ ngói. Như nhà tôi, 3 con ăn học đại học rồi xuất ngoại cũng nhờ những viên ngói đỏ au được nung trên chính quê hương mình.

Trung bình một lò ngói có 7 thợ chính và nhiều công nhân thời vụ. Thợ chính có thu nhập từ 9 - 10 triệu/tháng. Với chủ lò, sau khi trừ đi mọi chi phí, mỗi tháng bỏ túi tầm 15 - 20 triệu đồng", ông Lương nhớ lại.

Nhà nhà làm ngói

Ông Nguyễn Danh Hiền, một người dân Hoàn Long kể, gia đình ông có 3 lò ngói do bố mẹ làm từ năm 1993, đến năm 1997 thì giao cho vợ chồng ông quản lý. Thời hưng thịnh, ngói không chỉ đem lại thu nhập cho những người trực tiếp làm nghề mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo nơi đây.

Vì sao làng ngói lớn nhất miền Trung

Làng ngói Cừa nổi tiếng một thời giờ chỉ còn là bãi đất trống.

"Khách từ Bắc chí Nam ra vào liên tục, kéo theo các ngành nghề dịch vụ ăn theo như hàng quán, lưu trú cũng phát triển, từ đó góp phần phát triển kinh tế cho cả làng, cả xã", anh Hiền kể.

Tìm hiểu của PV, lò ngói Cừa đầu tiên ở Nghĩa Hoàn có từ nửa cuối những 70 của thế kỷ trước, do một người thợ ở tỉnh Hưng Yên vào xây dựng. Thời gian đầu, lò ngói nơi đây chủ yếu là của con cháu của những người thợ ở Hưng Yên làm chủ.

Mãi đến năm 1992, đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu về ngói cũng tăng cao, thì lò ngói đầu tiên của người dân Nghĩa Hoàn mới được dựng lên. Kể từ đó, người dân Nghĩa Hoàn gần như "chỉ sống nhờ ngói". Thời kỳ huy hoàng, ở đây có đến gần 200 lò ngói của 136 hộ sản xuất.

Cùng với việc mở rộng quy hoạch vùng nguyên liệu, người dân còn chủ động đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên đã mang lại hiệu quả lớn.

Trung bình, mỗi năm làng nghề sản xuất 40 - 50 triệu viên ngói, có năm lên đến gần 100 triệu viên. Hằng năm, nghề ngói đã giải quyết công ăn việc làm cho 1.000 lao động thường xuyên và 2.000 lao động thời vụ.

Đổ vỡ do mất đoàn kết

Theo người dân, thời kỳ hưng thịnh nhất của ngói Cừa là từ năm 2006, khi nơi đây được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đồng thời Hợp tác xã làng nghề ngói Cừa ra đời. Những năm đó, ngói làng Cừa gần như độc quyền ở thị trường 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thậm chí còn được xuất khẩu qua Lào.

Vì sao làng ngói lớn nhất miền Trung

Một vài ngôi nhà trống còn sót lại ở làng ngói Cừa.

Làng Cừa cũng chính là làng sản xuất ngói lớn nhất miền Trung. Đặc biệt, ngày 10/4/2007, sản phẩm ngói Cừa được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Lý do ngói Cừa phát triển không ngừng và tạo nên thương hiệu lớn là vì nơi đây được thiên nhiên ban tặng loại đất đặc biệt. Ở đây có nguồn đất sét dồi dào, đặc biệt đất sét ở đây dẻo, có độ bền, nung rất đẹp.

Thế nhưng, vàng son không được bao lâu thì Hợp tác xã làng nghề ngói Cừa rơi vào tình cảnh nội bộ lục đục, đấu đá, khiếu kiện nhau.

Đó là vào năm 2014, trước khi xóa bỏ các lò ngói thủ công theo chủ trương của Chính phủ, 53 hộ gia đình trong làng đã góp mỗi hộ 200 triệu đồng lập 1 hợp tác xã riêng, chuyển sang sản xuất theo công nghệ mới.

Lúc này, các hộ còn lại của hợp tác xã cũ cũng xây dựng một dự án sản xuất gạch ngói công nghệ cao. Hai bên xảy ra mâu thuẫn khi tranh giành vị trí thuận lợi trong cụm công nghiệp làng nghề để xây dựng nhà máy.

Xã và huyện đứng ra làm trọng tài, vận động và sau đó xã viên hai bên đồng ý sáp nhập 2 hợp tác xã làm một. Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa yên. Do mâu thuẫn nội bộ giữa xã viên và hội đồng quản trị hợp tác xã, dự án nhà máy gạch ngói công nghệ cao vẫn chỉ nằm trên giấy. Tháng 4/2019, hợp tác xã làm lễ động thổ thì vấp phải sự phản đối của một số xã viên.

"Thực ra, lúc bấy giờ, Chính phủ chỉ chủ trương xóa bỏ lò nung thủ công chứ không xóa sản xuất thủ công. Kể ra lúc đó cứ vài ba gia đình gộp lại xây một lò nung công nghệ cao, sau đó chia nhau ra nung. Ngoài ra, nếu những người đứng đầu hợp tác xã nghĩ dài hơn, xa hơn thì làng nghề không ra tình cảnh như bây giờ", ông Hoàng Xuân Lương ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Hoàn Long cho biết: Sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa các lò gạch ngói thủ công, các lò ngói Cừa bị bỏ hoang gây nguy cơ mất an toàn cho người dân. Năm 2022, xã đã bỏ kinh phí để phá dỡ toàn bộ. Hiện phần đất này đang do xã quản lý và được đưa vào quy hoạch chung cụm công nghiệp của huyện.

Khi được hỏi về phương án khôi phục lại làng nghề làm ngói, ông Sâm cho biết, rất khó vì các cơ sở sản xuất ngói công nghệ cao ở các địa phương khác đã phát triển rất mạnh, sẽ rất khó cạnh tranh.



Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-lang-ngoi-lon-nhat-mien-trung-bien-mat-192250327222413467.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm