Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao một số người lại bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác?

(Dân trí) - Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao trong một nhóm có mặt tại cùng một địa điểm, một số người lại bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác? Các chuyên gia về côn trùng đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/07/2025

Muỗi, loài côn trùng nhỏ bé nhưng đầy phiền toái, không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn là vật trung gian truyền nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản.

Đặc biệt vào mùa hè, khi các hoạt động ngoài trời gia tăng, nguy cơ bị muỗi đốt và mắc bệnh cũng theo đó mà tăng cao.

Tuy nhiên, một hiện tượng thường thấy là trong cùng một nhóm người, tại cùng một địa điểm, có người bị muỗi đốt tới tấp trong khi người khác lại hoàn toàn "bình yên" dù không dùng bất kỳ biện pháp xua đuổi nào. Vậy đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này?

Vì sao một số người lại bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác? - 1

Một số người mang các đặc điểm thu hút muỗi hơn so với những người khác (Ảnh: Getty).

Theo Allan Bossel, chuyên gia từ công ty xử lý côn trùng Bed Bug Exterminator (Mỹ), khả năng thu hút muỗi của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Hơi thở và kích thước cơ thể

Muỗi bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi khí carbon dioxide (CO2) mà con người thải ra khi thở.

Ông Bossel giải thích: "Một số người thải ra nhiều khí carbon dioxide hơn khi thở và đây là hóa chất chính thu hút muỗi giống như nam châm. Vì vậy, nếu bạn càng cao hoặc càng nặng, phổi của bạn sẽ thải ra nhiều khí này hơn, khiến muỗi bị thu hút".

Điều này lý giải vì sao những người có vóc dáng to lớn hoặc béo phì thường dễ bị muỗi đốt hơn.

Mồ hôi và các chất hóa học

Mồ hôi cũng là một yếu tố quan trọng khiến con người trở nên hấp dẫn đối với muỗi. "Axit lactic và amoniac có trong mồ hôi là 2 chất rất thu hút muỗi. Nếu bạn vừa chạy bộ 30 phút và không tắm rửa, bạn sẽ trở thành một thỏi nam châm hút muỗi", Allan Bossel nhấn mạnh. Điều này giải thích vì sao những người vừa vận động mạnh, ra nhiều mồ hôi thường bị muỗi "tấn công" nhiều hơn.

Nhóm máu

Một yếu tố ít người ngờ tới nhưng lại có ảnh hưởng đáng kể là nhóm máu. Theo David Price, một chuyên gia nghiên cứu về côn trùng, những người mang nhóm máu O có xu hướng thu hút muỗi và bị đốt nhiều hơn so với những người có nhóm máu A hoặc B.

"Muỗi có thể phát hiện nhóm máu người qua các hóa chất được tiết trên da. Người nhóm máu O sẽ bị cắn nhiều hơn so với nhóm máu A hoặc B, dù trên thực tế người mang nhóm máu nào cũng có nguy cơ bị muỗi cắn", David Price cho biết.

Ông ví von việc muỗi lựa chọn nhóm máu cũng giống như chúng chọn thực đơn: khi không có món yêu thích nhất, chúng sẽ chuyển sang các lựa chọn khác.

Vì sao muỗi cần hút máu?

Điều thú vị là chỉ có muỗi cái mới hút máu. Tuy nhiên, chúng không hút máu để duy trì sự sống mà để lấy protein và các dưỡng chất thiết yếu như sắt, axit amin... nhằm nuôi dưỡng và phát triển trứng trong cơ thể.

Cả muỗi cái và muỗi đực đều sống nhờ nhựa cây, mật hoa hoặc dịch từ trái cây chín. Muỗi đực hoàn toàn không hút máu.

Vì sao một số người lại bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác? - 2

Muỗi đực không bao giờ hút máu vì không cần phải nuôi trứng bên trong cơ thể (Ảnh: Alamy).

Ngoài con người, muỗi còn hút máu các loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư.

Hiểu rõ các yếu tố thu hút muỗi, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế bị muỗi đốt như sử dụng thuốc bôi chống muỗi để che đi mùi cơ thể, tránh ở ngoài trời quá lâu trong thời tiết nóng bức để hạn chế tiết mồ hôi, hoặc sử dụng các loại bẫy muỗi để kiểm soát số lượng loài côn trùng gây hại này.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/vi-sao-mot-so-nguoi-lai-bi-muoi-can-nhieu-hon-nhung-nguoi-khac-20250715032215781.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm