Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao tiền gửi vào ngân hàng vẫn lập kỷ lục dù lãi suất thấp?

(Dân trí) - Các ngân hàng từ cuối tháng 2 đồng loạt đảo chiều giảm lãi suất song tiền gửi vào hệ thống vẫn tăng liên tục do tính ổn định, thanh khoản cao và thị trường thiếu kênh đầu tư thay thế hấp dẫn.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/05/2025

Theo ghi nhận từ biểu lãi suất công bố của các ngân hàng, 29 đơn vị đã hạ lãi suất huy động từ 0,1 đến 1,05%/năm sau chỉ đạo của nhà điều hành tiền tệ từ cuối tháng 2. 

Mức lãi suất 6%/năm trên thị trường rất hiếm. Vikki Bank (tên cũ DongA Bank) là ngân hàng duy nhất trả lãi suất ở mức này cho kỳ hạn 12 tháng. Còn tại các nhà băng khác, nếu muốn được hưởng mức lãi suất từ 6%/năm chỉ khi khách gửi kỳ hạn dài hơi hơn. Mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng hiện tại là từ 5,1% đến 5,6%/năm.

11,4 triệu tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng quý đầu năm

Trước đó, trong năm 2023 và năm 2024, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục tăng để thu hút tiền gửi. Năm 2025, thời điểm 2 tháng đầu năm, các ngân hàng cũng rục rịch tăng lãi suất.

Tuy nhiên, khi áp lực lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng hơn, các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất. Điều này được các công ty chứng khoán đánh giá để cân đối chi phí vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Lần giảm này cũng được đánh giá là lần đầu tiên các nhà băng đồng loạt đảo chiều giảm lãi suất trong gần một năm qua. Thực tế, động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" thanh tra, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.

Tuy nhiên, dù lãi suất liên tục có tín hiệu giảm, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 đạt 7,366 triệu tỷ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm 2024, lập kỷ lục mới. So với cuối tháng liền trước đó, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng còn so với cuối năm ngoái tăng 301.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cũng cho thấy số tiền gửi khả quan. Lượng tiền gửi khách hàng tại phần lớn ngân hàng đều có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay. Chỉ có 5 ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm là Vietcombank (giảm 0,4%), Techcombank (giảm 0,3%), TPBank (giảm 4%), ABBank (giảm 1,1%) và SeABank (giảm 4,9%).

Tất cả ngân hàng còn lại trên thị trường đều ghi nhận chỉ tiêu tiền gửi tăng. Dẫn đầu về số dư tiền gửi của khách hàng là các  "ông lớn" quốc doanh với BIDV là quán quân với gần 2 triệu tỷ đồng, tiếp đó là VietinBank với 1,62 triệu tỷ đồng, Vietcombank đứng vị trí thứ 3 với hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần, MB giữ vị trí dẫn đầu với hơn 722.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2024. Tiếp đó là các ngân hàng Sacombank, VPBank, ACB, Techcombank,  SHB… có số dư tiền gửi khách hàng trên 500.000 tỷ đồng. 

Tính chung 27 ngân hàng, lượng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% trong 3 tháng đầu năm. Một số ngân hàng có mức tăng 2 chữ số gồm VPBank tăng 13,7%; Nam A Bank tăng 11,4%; KienlongBank tăng 11,8%...

Vì sao người dân vẫn chọn gửi tiền ngân hàng dù lãi suất thấp?

TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế sau các đợt ảnh hưởng như dịch Covid-19, bão Yagi và gần đây nhất là căng thẳng thương mại toàn cầu. Từ đó, các ngân hàng có sự điều chỉnh phù hợp đối với lãi suất đầu vào.

Lãi suất tiết kiệm hiện nay không đồng đều, phụ thuộc từng sản phẩm, kỳ hạn, cũng như quy mô ngân hàng. Ngân hàng lớn hơn có thanh khoản dồi dào hơn, trong khi ngân hàng nhỏ hơn bị áp lực về thanh khoản sẽ có mức lãi suất khác nhau.

Theo chuyên gia, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm hiện nay có xu hướng ổn định ở mức cơ bản, nhưng lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn có xu hướng tăng cao hơn so với lãi suất ngắn hạn.

Lãi suất tiết kiệm truyền thống không cao, nhưng vẫn thu hút được dòng tiền gửi của người dân, do sự an toàn, nhu cầu bảo toàn vốn của người dân. 

Ông Linh cho rằng không ít người xem gửi tiết kiệm là một kênh tạm thời, chờ cơ hội đầu tư khác có tiềm năng sinh lời cao hơn xuất hiện. Tuy nhiên, theo ông, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác có rủi ro cao hoặc sinh lời chưa đủ hấp dẫn. 

Vì sao tiền gửi vào ngân hàng vẫn lập kỷ lục dù lãi suất thấp? - 1

Dù lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, vẫn có nhiều lý do khiến người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhận định trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và neo ở mức thấp, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn liên tục tăng trưởng ổn định do ngân hàng vẫn được coi là điểm đến an toàn của phần đông người dân.

“Khi các thị trường đầu tư chính (bất động sản, chứng khoán, vàng, kinh doanh cá nhân…) đều có dấu hiệu thiếu ổn định, người dân có tâm lý ưu tiên an toàn vốn hơn lợi nhuận kỳ vọng. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn là nơi giữ tài sản an toàn, minh bạch và được bảo vệ bởi các chính sách kiểm soát rủi ro chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng chỉ ra thêm, thị trường thiếu kênh đầu tư thay thế có sức hút thực sự.

Với kênh bất động sản, theo ông Huy, giá bất động sản tại nhiều đô thị đã neo ở mức cao suốt nhiều năm, khiến tổng tiền đầu tư cho mỗi sản phẩm thường lên tới từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Đây là rào cản tài chính lớn, khiến phần lớn người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu - dưới trung lưu, không thể tiếp cận kênh này. Ngoài ra, thanh khoản vẫn chậm, pháp lý chưa đồng bộ, và tâm lý người mua vẫn dè dặt.

Với kênh chứng khoán, dù thị trường đã có những cải thiện về chỉ số, dòng tiền vẫn mang tính thăm dò. Nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ việc nâng hạng thị trường, cùng với sự bền vững trong điều hành vĩ mô và cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, những lo ngại liên quan đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ với hàng hóa từ Việt Nam và các quốc gia đang phát triển cũng khiến dòng vốn nước ngoài và tâm lý nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn.

Còn với kênh vàng và ngoại tệ, theo vị chuyên gia, giá vàng hiện ở mức cao kỷ lục, biến động mạnh theo yếu tố quốc tế. Trong khi đó, việc đầu tư vào ngoại tệ vẫn bị giới hạn bởi chính sách quản lý thị trường ngoại hối và rủi ro tỷ giá. Những kênh này phù hợp với phòng ngừa rủi ro hơn là đầu tư sinh lời dài hạn.

Nên đầu tư vào kênh nào?

Ông Nguyễn Quang Huy nhận định thị trường vẫn có nhiều kênh đầu tư, song điểm yếu lớn là không có kênh nào đủ hấp dẫn rõ rệt về cả lợi suất, thanh khoản và độ an toàn.

Theo ông, bất động sản chỉ phù hợp với người có dòng vốn lớn và dài hạn. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp săn tài sản có pháp lý rõ ràng, vị trí tốt, bị bán cắt lỗ trong giai đoạn hiện tại.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán được đánh giá có tiềm năng trung - dài hạn, nhất là khi lộ trình nâng hạng thị trường được đẩy mạnh, giúp thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, yếu tố rủi ro từ căng thẳng thương mại - thuế quan và chính sách tài chính toàn cầu (đặc biệt là từ Mỹ) đang tạo ra tâm lý phòng thủ trên thị trường.

Các kênh gián tiếp khác như chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, hoặc đầu tư vào các quỹ bất động sản chuyên nghiệp cũng đang được cân nhắc, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư hiểu biết sâu về sản phẩm và đơn vị phát hành.

Theo ông Huy, người có khẩu vị rủi ro thấp có thể tiếp tục duy trì tỷ trọng tiết kiệm cao, song song với việc tham gia các sản phẩm tài chính an toàn như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp top đầu, hoặc quỹ mở trái phiếu.

Các nhà đầu tư trung - dài hạn, có kinh nghiệm thì nên bắt đầu cơ cấu lại danh mục, tận dụng các nhịp điều chỉnh trong thị trường chứng khoán để đầu tư vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, cổ tức ổn định, thuộc các ngành có tiềm năng trong xu hướng toàn cầu như năng lượng sạch, chuyển đổi số, tài chính số, và sản xuất xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.

"Mặt bằng lãi suất hiện nay đã tiệm cận vùng đáy ngắn hạn, phản ánh chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng, trong khi vẫn phải đảm bảo ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nếu tín dụng phục hồi mạnh trong nửa cuối năm, hoặc áp lực tỷ giá gia tăng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất, lãi suất tiết kiệm có thể điều chỉnh tăng nhẹ từ quý IV để cân bằng cung - cầu tiền tệ", ông Huy nêu nhận định về xu hướng lãi suất.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-tien-gui-vao-ngan-hang-van-lap-ky-luc-du-lai-suat-thap-20250528115050412.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm