
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2025, Việt Nam nhập khoảng 336.000 tấn lúa mì với tổng giá trị hơn 91 triệu USD, giảm 56,6% về khối lượng và 56,2% về giá trị so với tháng trước đó.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, tổng chi phí nhập khẩu lúa mì đạt hơn 728 triệu USD cho 2,7 triệu tấn, giảm 3,2% về lượng và 6,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá nhập trung bình đạt 265 USD/tấn, giảm 4%.
Brazil vẫn là nguồn cung lúa mì lớn nhất cho Việt Nam, với gần 989.000 tấn, trị giá 254 triệu USD, dù khối lượng giảm 12,5% và giá trị giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Úc giữ vị trí thứ hai, cung cấp 650.000 tấn lúa mì, tương đương 177 triệu USD, tăng 23% về lượng và 6,5% về giá trị.
Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý với 339.971 tấn, trị giá 93,04 triệu USD, tăng 52,5% về lượng và 26,3% về giá trị.
Đặc biệt, Nga nổi lên như một nhà cung cấp tiềm năng, đạt hơn 161.000 tấn, tương đương 40 triệu USD, tăng gần 200% cả về khối lượng và giá trị, vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam.
Dù là một quốc gia xuất khẩu mạnh các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu hay sắn, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về nhập khẩu và tiêu thụ một số loại nông sản, trong đó có lúa mì.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, lúa mì nhập khẩu chủ yếu được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do Việt Nam không trồng lúa mì, toàn bộ nguồn cung đều dựa vào nhập khẩu.
Lúa mì là một trong những loại lương thực quan trọng nhất toàn cầu, được biết đến với tên gọi khác như tiểu mạch hay lúa miến, và là một trong những loại ngũ cốc cổ xưa nhất.
Xếp sau ngô và gạo về sản lượng, lúa mì là nguồn thực phẩm thiết yếu cho con người trên toàn thế giới.
Lúa mì được sử dụng rộng rãi để sản xuất bột mì, bánh mì, mì sợi, bánh kẹo, bia, rượu và thậm chí là nhiên liệu sinh học.
Nguồn: https://baodanang.vn/viet-nam-chi-hon-728-trieu-usd-nhap-khau-2-7-trieu-tan-hat-vang-trong-5-thang-dau-nam-3265307.html
Bình luận (0)