Sáng ngày 14/7 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị sơ kết Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2025.
Ngày 1/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới sau hợp nhất hai cơ quan cấp Bộ, đánh dấu bước chuyển có tính lịch sử trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước. Hợp nhất không chỉ là sáp nhập tổ chức, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện: từ cơ chế điều hành, chức năng nhiệm vụ, đến văn hóa tổ chức và mô hình quản trị. Bộ Khoa học và Công nghệ mới được định vị là cơ quan chủ lực dẫn dắt 4 trụ cột then chốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngay trong Quý I/2025, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; giảm số đơn vị trực thuộc Bộ từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%) và ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần.
Đồng thời, hoàn tất chuyển giao các lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý về đúng Bộ/ngành chuyên trách gồm: báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, an toàn thông tin và thanh tra. Mô hình tổ chức mới được thiết kế tinh gọn, hiện đại, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi mới của đất nước, lấy hiệu quả và phục vụ người dân - doanh nghiệp làm trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long nhấn mạnh: "Năm 2025 là năm then chốt để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá," Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là việc kiện toàn tổ chức bộ máy sau hợp nhất, để triển khai đồng bộ các mặt công tác, tạo ra những dấu ấn đột phá và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước."

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, xây dựng thể chế là khâu then chốt, có tính chất dẫn dắt, tạo nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh thể chế cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang tương đối rời rạc giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương và địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần là đơn vị đóng vai trò thiết kế tổng thể, như một "tổng công trình sư" về thể chế, rà soát cập nhật các nội dung đã lỗi thời, bổ sung các mảnh ghép còn thiếu để kết nối thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao trùm toàn diện.
"Trong 6 tháng đầu năm 2025 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội thông qua 5 dự án Luật. Trong 6 tháng cuối năm, bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ sinh thái thể chế cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với 4 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chuyển đổi số," Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành khoa học và công nghệ đã có nhiều thành tựu nổi bật.
Việt Nam xếp hạng 44/133 trong GII 2024, tăng 2 bậc so với năm trước, tiếp tục dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ra mắt Sàn giao dịch công nghệ Việt Nam, cả nước hiện có 24 sàn công nghệ đang hoạt động. Hiện Việt Nam có 940 doanh nghiệp khoa học công nghệ, khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hơn 75.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ổn định.
Hiện đã có 42 chương trình khoa học công nghệ quốc gia đang được triển khai, kết nối nghiên cứu - sản xuất, ứng dụng thực tiễn. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số đã có 630 triệu giao dịch trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt 73% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gần 40%, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.
Lĩnh vực viễn Bưu chính-Viễn thông tăng trưởng mạnh: doanh thu tăng 12,8%, tốc độ mạng dẫn đầu khu vực, IPv6 đạt 65% – vào top 10 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam chiếm 18,72% GDP, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế số lõi đạt 8,63%./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-hon-75000-doanh-nghiep-cong-nghe-so-hoat-dong-on-dinh-post1049522.vnp
Bình luận (0)