Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn

(PLVN) - Những năm qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị hồ sơ Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để đề nghị UNESCO đồng tổ chức 300 năm Ngày sinh của ông vào năm 2026. Đêm 10/4/2025 (giờ địa phương) vừa qua, tại Kỳ họp khóa 221 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các nước thành viên đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO, phê duyệt việc vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam16/04/2025

Nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII

Lê Quý Đôn thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, vốn quê làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 2/8/1726 tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long, sinh sống và lập gia đình tại đây. Cha ông là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Anh, trải hơn 50 năm làm quan triều Lê - Trịnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, khẳng khái, là người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời Lê Quý Đôn.

Từ trước đến nay, nhiều người đã truyền tụng nhau ngợi ca tài năng hiếm có của Lê Quý Đôn: 2 tuổi đã biết học chữ, 5 tuổi đã đọc được nhiều bài kinh thi, 8 tuổi đã xuất thần làm bài thơ “Rắn đầu rắn mặt” nổi tiếng, 14 tuổi đã đọc hết Ngũ kinh, Tứ thư, sử, truyện, đọc đến cả Chu Tử, trong một ngày có thể làm 10 bài phú không cần viết nháp...

Năm 17 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương ở trường Sơn Nam, đỗ Giải nguyên. Năm đó ông chính thức đổi tên Lê Danh Phương thành Lê Quý Đôn. Đến năm 26 tuổi, dự khoa thi Hội Nhâm Dần (1752), ông đạt được bảng vàng rực rỡ: đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Từ đây ông bắt đầu cuộc đời làm quan.

Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được mệnh danh là “túi khôn của thời đại” - nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế khoảng 50 bộ sách quý giá bao quát hầu hết các tri thức đương thời như: Triết học, xã hội học, sử học, kinh tế học, chính trị học, văn học, nghệ thuật học... Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu như: về triết học có “Thư kinh diễn nghĩa”, “Dịch kinh phu thuyết”, “Xuân Thu lược luận”, “Quần thư khảo biện”...; về sử học có “Đại Việt thông sử”, “Kiến văn tiểu lục”, “Bắc sứ thông lục”, “Lê triều công thần liệt truyện”...; về văn học có “Toàn Việt thi lục”, “Hoàng Việt văn hải”, “Quế Đường thi tập”, “Quế Đường văn tập”...; đặc biệt về bách khoa có “Vân Đài loại ngữ”...

Năm 1784, ông mắc bệnh, xin về chữa thuốc tại quê ngoại Duy Tiên và mất ngày 2 tháng 6 năm đó, được truy phong Thượng thư Bộ Công.

UNESCO phê duyệt khuyến nghị vinh danh

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức tại Thái Bình, PGS.TS Nina V.Grigoreva, Đại học HSE, St. Petersburg, Liên bang Nga nhận định, với những cống hiến và qua những trước tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn cho thấy ông là nhà khai sáng hàng đầu của Việt Nam.

“Lê Quý Đôn là vị quan, nhà trí thức và nhà bác học lớn thời Lê Trung Hưng. Ông sống, hoạt động và sáng tác trong những thập niên giữa thế kỷ XVIII mà trong lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ Khai sáng. Ông là người đương thời với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại như Montesquieu (Pháp), Voltaire (Pháp), Hume (Anh), Lomonosov (Nga), Rousseau (Thụy Sĩ - Pháp), Diderot (Pháp)...”, bà Nina V.Grigoreva phân tích.

Còn GS.TS Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản lại có sự so sánh rất thú vị giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ XVIII, nhà Quốc học tên là Motoori Norinaga (1730 - 1801).

“So sánh với phương pháp nghiên cứu của một nhà Quốc học Nhật Bản là Motoori Norinaga để quy ra các điểm chung và khác biệt giữa hai học giả cùng thời ở Việt Nam và Nhật Bản, Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên đã coi ngôn ngữ, văn tự là đối tượng để suy nghĩ, nhận thức. Ông là người đề xuất phương pháp nghiên cứu tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam”, GS.TS Shimizu Masaaki nhấn mạnh.

Những năm qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị hồ sơ Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để đề nghị UNESCO đồng tổ chức 300 năm ngày sinh của ông vào năm 2026.

Đêm 10/4/2025 (giờ địa phương), tại Kỳ họp khóa 221 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra ở Thủ đô Paris, các nước thành viên đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO, dự kiến sẽ họp tháng 11/2025, phê duyệt việc vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của một số danh nhân trên thế giới, trong đó có vinh danh và cùng Việt Nam kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Danh nhân Lê Quý Đôn (1726 - 2026).

Đoàn công tác tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã tổ chức thành công Hội nghị “Giới thiệu về Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch tỉnh Thái Bình”. Hội nghị là một phần trong những nỗ lực vận động UNESCO cùng phối hợp tổ chức kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Danh nhân Lê Quý Đôn (1726 - 2026).

Nguồn: https://baophapluat.vn/vinh-danh-nha-bac-hoc-le-quy-don-post545518.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm