Một báo cáo chính thức vừa công bố đêm 20/7 xác nhận phát hiện trước đó của cảnh sát thành phố Thiên Thủy (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), cho thấy nhân viên nhà bếp tại Trường mầm non Heshi Peixin đã pha sơn trang trí vào đồ ăn phục vụ học sinh.
Sự việc diễn ra gần 2 tuần sau khi cảnh sát thành phố Thiên Thủy bắt giữ 8 người có liên quan đến vụ nhiễm độc chì, khiến hơn 200 trẻ mẫu giáo có nồng độ chì trong máu vượt mức cho phép. Đây là vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc.
Theo báo cáo điều tra do chính quyền tỉnh công bố hôm Chủ nhật (20/7), Trung tâm CDC tỉnh Cam Túc và Bệnh viện Nhân dân số 2 Thiên Thủy đã thao túng quy trình và kết quả xét nghiệm máu của các học sinh Trường mầm non Heshi Peixin.

Những người đang bị điều tra và có thể sẽ bị kỷ luật, chịu trách nhiệm cá nhân, bao gồm bí thư Đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Cam Túc, giám đốc CDC tỉnh Cam Túc, bí thư Thành ủy Thiên Thủy và thị trưởng thành phố.
Báo cáo cũng cho biết, lãnh đạo cấp cao tỉnh “vô cùng đau buồn” về vụ việc và đã gửi lời xin lỗi đến các em nhỏ bị ảnh hưởng cùng gia đình. Chính quyền địa phương cam kết điều trị miễn phí cho trẻ và hoàn trả chi phí khám chữa bệnh ngoài thành phố.
Sửa kết quả xét nghiệm, bao che kéo dài
Theo báo cáo trên website chính quyền tỉnh Cam Túc, từ ngày 1/5/2023 đến 30/6/2024, Bệnh viện Nhân dân số 2 Thiên Thủy đã phát hiện 7 trường hợp trẻ em có nồng độ chì bất thường trong máu, song lại sửa kết quả của 2 trường hợp.
Cụ thể, một kết quả bị chỉnh từ 292,37 microgam/lít (mcg/L) xuống còn 42,37 mcg/L; trường hợp khác bị giảm từ 440,14 mcg/L xuống còn 103 mcg/L. Trong y tế, nồng độ chì trong máu từ 250 mcg/L trở lên được xem là nhiễm độc trung bình, còn từ 450 mcg/L trở lên là nhiễm độc nặng.
Đáng chú ý, bệnh viện đã không cảnh báo dù phát hiện một học sinh có kết quả máu bất thường liên tiếp trong 6 lần xét nghiệm suốt 6 tháng kể từ tháng 11 năm ngoái. Cơ sở này cũng không báo cáo vụ việc lên cấp trên hoặc thông báo cho trường mẫu giáo.
Báo cáo còn nêu rõ bệnh viện này từng có hành vi gian lận kết quả xét nghiệm chì trong máu ở các trường hợp khác. Hiện cơ quan kỷ luật đang mở rộng điều tra.
Trong khi đó, đội ngũ xét nghiệm tại CDC tỉnh Cam Túc - được chỉ định thực hiện xét nghiệm khi có chỉ đạo từ cấp tỉnh - cũng bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng quy trình kỹ thuật, làm sai lệch kết quả. Họ còn sử dụng nhiều thủ đoạn để trốn tránh trách nhiệm và gây cản trở quá trình điều tra.

Nhân viên nhà bếp bị cáo buộc trộn sơn vào bột làm bánh cho trẻ ăn. Ảnh: Sky News
Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin vào tối 20/7 rằng Bệnh viện Nhân dân tỉnh Cam Túc đã tiếp quản hoạt động của Bệnh viện Nhân dân số 2 Thiên Thủy do bê bối nghiêm trọng trên.
Sơn trang trí bị thêm vào đồ ăn học sinh
Các bài báo trước đó của truyền thông Trung Quốc cho biết nhiều phụ huynh đã đưa con đến các thành phố khác xét nghiệm, và phát hiện nồng độ chì trong máu thực tế cao hơn nhiều so với kết quả do bệnh viện địa phương cung cấp.
Báo cáo mới nhất khẳng định phát hiện ban đầu của cảnh sát địa phương: Nhân viên nhà bếp Trường mầm non Heshi Peixin đã mua sơn trang trí trên mạng, pha loãng rồi trộn vào đồ ăn - với sự đồng ý của hiệu trưởng, người nằm trong số 8 nghi phạm bị bắt đầu tháng này.
Ngoài ra, một nhà đầu tư tên Lý cùng 6 nhân viên bếp ăn cũng bị tạm giữ để điều tra về hành vi "sản xuất thực phẩm độc hại và nguy hiểm".
Trường mẫu giáo này bị cho là đã chọn loại sơn có màu sắc tươi sáng, dù giá cao hơn phẩm màu thông thường, bất chấp cảnh báo "không dùng cho thực phẩm" được ghi rõ trên bao bì.
Phần lớn học sinh và thầy cô trong trường đều bị nhiễm chì
Kết quả điều tra cho thấy, 247/251 học sinh đang theo học và 28/34 cán bộ nhân viên của trường có nồng độ chì trong máu cao. Ngoài ra, trong số 72 học sinh đã tốt nghiệp năm 2023 và 2024 được xét nghiệm, có 5 em có kết quả bất thường.
Báo cáo cũng khẳng định không phát hiện nguồn ô nhiễm chì nào trong môi trường xung quanh trường học.
Ba trường mẫu giáo khác có cùng nhà đầu tư đứng sau hiện không ghi nhận tình trạng nhiễm độc chì.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vu-247-tre-bi-nhiem-doc-vi-thuc-an-o-truong-ket-qua-xet-nghiem-tung-bi-lam-gia-2423993.html
Bình luận (0)