Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Warren Buffett và những thương vụ lịch sử làm nên huyền thoại

(Dân trí) - Suốt 60 năm dẫn dắt Berkshire, Buffett tạo nên đế chế đầu tư huyền thoại với loạt thương vụ để đời dù không phải lúc nào cũng đúng.

Báo Dân tríBáo Dân trí10/05/2025

Warren Buffett vừa thông báo sẽ rời ghế CEO của Berkshire Hathaway vào cuối năm nay, khép lại hành trình 60 năm lừng lẫy của một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới. Từng thề "chỉ nghỉ khi nào qua đời", quyết định lui về hậu trường ở tuổi 94 của ông khiến giới đầu tư toàn cầu không khỏi ngỡ ngàng.

Dưới tay Buffett, Berkshire đã từ một xưởng dệt sắp phá sản thành một đế chế tài chính trị giá hàng trăm tỷ USD, với danh mục đầu tư trải dài từ kẹo, bảo hiểm đến xe điện và công nghệ cao. Nhưng hành trình đó không chỉ toàn màu hồng.

Warren Buffett và những thương vụ lịch sử làm nên huyền thoại - 1

Dù nổi tiếng với khả năng săn lùng cổ phiếu đang gặp khó khăn và biến chúng thành mỏ vàng, Warren Buffett vẫn từng chậm chân với làn sóng công nghệ, và đó không phải là lần duy nhất ông vấp ngã (Ảnh: Getty).

Dưới đây là những khoản đầu tư thành công rực rỡ và cả những thất bại đau đớn mà Warren Buffett từng thực hiện suốt sự nghiệp.

Những cú đầu tư "trúng mạch vàng"

Apple - kẻ đến sau nhưng thắng lớn

Buffett từng tránh xa cổ phiếu công nghệ vì "không hiểu ngành này". Nhưng đến năm 2016, ông bất ngờ "quay xe" và mua mạnh cổ phiếu Apple, thu về trên 140 tỷ USD lợi nhuận.

Ban đầu đầu tư 31 tỷ USD, Berkshire đã nắm giữ lượng cổ phiếu Apple trị giá hơn 174 tỷ USD vào thời điểm đỉnh cao, chưa kể khoản cổ tức đều đặn từ "táo khuyết". Buffett gọi Apple là "công ty tiêu dùng tuyệt vời nhất thế giới" vì lòng trung thành của khách hàng chứ không phải vì công nghệ.

BYD - đặt cược vào xe điện Trung Quốc

Năm 2008, theo lời cố vấn Charlie Munger, Buffett đổ 232 triệu USD vào BYD - một cái tên xa lạ ở thời điểm đó. Thương vụ này sau đó tăng giá chóng mặt, có lúc đạt tới 9 tỷ USD, gấp gần 40 lần số vốn ban đầu. Dù nay đã bán bớt, phần còn lại vẫn trị giá gần 1,8 tỷ USD.

Coca-Cola, American Express, Bank of America - mua khi cả thế giới tháo chạy

Buffett có sở trường nắm bắt cơ hội giữa khủng hoảng. Khi các doanh nghiệp này vướng bê bối hoặc lao dốc theo thị trường, ông mạnh tay xuống tiền. Giờ đây, tổng giá trị cổ phiếu Coca-Cola, Amex và Bank of America mà Berkshire nắm giữ đã tăng hơn 100 tỷ USD so với giá mua - chưa kể cổ tức đều đặn hàng năm.

See's Candy - từ hộp kẹo đến triết lý đầu tư mới

Năm 1972, Berkshire mua lại hãng kẹo See's Candy với giá 25 triệu USD. Sau 50 năm, See's đã mang lại 1,7 tỷ USD lợi nhuận trước thuế.

Nhưng điều quan trọng hơn là: thương vụ này thay đổi tư duy của Buffett. Từ đó, ông bắt đầu tập trung vào các doanh nghiệp "tốt thật sự", chứ không chỉ rẻ.

Bảo hiểm - mỏ tiền bí mật của Buffett

Năm 1967, Buffett mua lại National Indemnity - công ty bảo hiểm đầu tiên trong chuỗi mảng "bảo hiểm đẻ tiền" của Berkshire. Tính đến quý I/2025, các công ty bảo hiểm do Berkshire sở hữu đang nắm giữ tổng "float" (tiền thu trước trả sau) lên tới 173 tỷ USD - một nguồn vốn siêu rẻ giúp Buffett đầu tư vào những thương vụ hái ra tiền.

Những cú đầu tư "đau như cắt"

Berkshire Hathaway - thương vụ tệ nhất đời Buffett

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính việc mua Berkshire lúc đó là xưởng dệt sắp phá sản lại là quyết định Buffett cho là ngớ ngẩn nhất sự nghiệp.

Ông mua cổ phiếu công ty này vào năm 1962 với giá 7-8 USD/cổ. Nhà máy lỗ triền miên rồi buộc phải đóng cửa. Nhưng nhờ đó, Buffett có một vỏ bọc pháp lý để biến thành tập đoàn đầu tư, với cổ phiếu giờ đây có giá... hơn 809.000 USD/cổ.

Dexter Shoe - trả bằng cổ phiếu, mất trắng 1,6% Berkshire

Năm 1993, Buffett chi 433 triệu USD cổ phiếu Berkshire để mua Dexter Shoe - một công ty giày dép mà ông tin là có thương hiệu mạnh. Nhưng chỉ vài năm sau, Dexter "về mo". Buffett không chỉ mất trắng số tiền đầu tư mà còn mất luôn 1,6% cổ phần Berkshire, tương đương hàng tỷ USD nếu quy ra tiền hiện nay.

Blue Chip Stamps - mô hình lỗi thời, nhưng tiền vẫn về

Buffett mua Blue Chip Stamps, công ty phát hành tem thưởng, vào năm 1970, lúc doanh thu đạt 126 triệu USD. Nhưng đến 2006, doanh thu chỉ còn… 26.000 USD. Dù vậy, "float" từ Blue Chip lại được dùng để đầu tư vào những thương vụ ăn chắc mặc bền như See's Candy hay Precision Castparts.

Bán ngân hàng quá sớm, bỏ lỡ sóng lớn

Trong đại dịch, Buffett bắt đầu bán tháo cổ phiếu ngân hàng, bao gồm cả J.P. Morgan và Wells Fargo, vì lo ngại rủi ro. Kết quả? Ông bỏ lỡ cú tăng giá gấp đôi của hai mã này khi thị trường phục hồi.

Những "cú hụt" để đời: Amazon, Google, Microsoft

Buffett từng thú nhận đã "ngốc nghếch" khi không đầu tư vào Amazon hay Google từ sớm. Đỉnh điểm là thương vụ suýt mua 100 triệu cổ phiếu Walmart nhưng rồi do dự. Nếu không bỏ qua, khoản đầu tư đó giờ đây trị giá… gần 10 tỷ USD.

Warren Buffett đã đúng rất nhiều lần và cũng sai không ít. Nhưng chính sự trung thực, tự nhận sai, không đổ lỗi và không ngại thay đổi đã giúp ông đi từ một nhà đầu tư tỉnh lẻ thành huyền thoại toàn cầu.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/warren-buffett-va-nhung-thuong-vu-lich-su-lam-nen-huyen-thoai-20250506102623889.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm