Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Hướng đi bền vững trong chính sách an sinh

Long An đang trong thời gian cao điểm thực hiện một trong những chương trình an sinh xã hội lớn, có tác động trực tiếp và rõ nét đến đời sống người dân là xóa nhà tạm, nhà dột nát .

Báo Long AnBáo Long An12/05/2025

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết dự trao nhà ở cho gia đình ông Nguyễn Hồng Quang (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) (Ảnh: Ngọc Mận)

Long An đang trong thời gian cao điểm thực hiện một trong những chương trình an sinh xã hội lớn, có tác động trực tiếp và rõ nét đến đời sống người dân là xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ từ các địa phương, chương trình đang được triển khai đúng hướng, bảo đảm tiến độ.

Kết quả bước đầu cho thấy điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững của địa phương.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 208 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 16,1 tỉ đồng. Đến ngày 05/5/2025, toàn tỉnh có 88 căn nhà hoàn thành (gồm 80 căn xây mới và 8 căn sửa chữa), 120 căn đang trong quá trình thi công (114 căn xây mới và 6 căn sửa chữa). Các địa phương cam kết hoàn thành toàn bộ số nhà này trước ngày 15/5/2025.

Song song đó, tỉnh cũng triển khai công tác hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang gặp khó khăn về nhà ở. Theo đó, tổng số được hỗ trợ xây mới và sửa chữa là 116 căn, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/căn xây mới và 50 triệu đồng/căn sửa chữa. Tính đến ngày 05/5/2025, toàn tỉnh có 101 căn đang thi công và 15 căn đã hoàn thành. Các địa phương cùng các hộ dân có cam kết cụ thể về thời gian khởi công phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30/6/2025.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được tổ chức thực hiện đồng bộ, từ khâu khảo sát, xét chọn đối tượng đến quy trình triển khai tại cơ sở. Công tác phân bổ kinh phí được thực hiện minh bạch, sát thực tế. Những căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa đều bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu sử dụng lâu dài. Điều đáng chú ý là chương trình được triển khai với kế hoạch cụ thể và tiến độ rõ ràng. Các địa phương và hộ dân đã cam kết thực hiện đúng các mốc thời gian đề ra, giúp tránh tình trạng chậm trễ, bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo và đối tượng yếu thế là chính sách quan trọng để cải thiện điều kiện sống và nâng cao chất lượng an sinh xã hội. “An cư” mới “lạc nghiệp”, khi có nơi ở ổn định, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và cơ hội việc làm. Trẻ em có thể học tập tốt hơn, người già sống trong môi trường an toàn, còn người lao động có thể tập trung làm việc và cải thiện đời sống. Nhờ vậy, các chính sách giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo việc làm cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Từ góc độ điều hành, sự thống nhất chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở là yếu tố quan trọng giúp chương trình triển khai hiệu quả. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng; đồng thời, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để chương trình hỗ trợ nhà ở mang lại giá trị lâu dài, các địa phương cần có những giải pháp bổ sung sau khi các công trình hoàn thành như tiếp tục kết nối các chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm và cung cấp tín dụng ưu đãi cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững. Khi kết nối được nhiều chính sách trong cùng một hướng đi, hiệu quả mới thực sự lâu dài và bền vững.

Thực tế triển khai tại Long An cho thấy, yếu tố quan trọng nhất là sự thống nhất giữa các cấp trong nhận thức và hành động. Việc tỉnh ưu tiên nguồn lực cho an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở cho thấy định hướng phát triển đặt con người vào vị trí trung tâm. Sự chỉ đạo quyết liệt, theo dõi sát tiến độ cùng với tinh thần chủ động từ phía người dân đã giúp chương trình mang lại kết quả rõ ràng, hiệu quả thiết thực. Số lượng nhà tạm, nhà xuống cấp đang dần được thay thế bằng những căn nhà kiên cố, vững chắc ngày càng tăng, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất.

Trong thời gian tới, khi toàn bộ số căn nhà còn lại hoàn thành đúng kế hoạch, Long An sẽ đạt được một bước tiến quan trọng trong bảo đảm điều kiện sống tối thiểu cho người nghèo, người yếu thế. Một mái nhà vững chắc không đơn thuần là chốn che mưa nắng, mà là nơi bắt đầu cho một cuộc sống có hy vọng, niềm tin, có định hướng và có cơ hội vươn lên./.

Hiểu Khang

Nguồn: https://baolongan.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-huong-di-ben-vung-trong-chinh-sach-an-sinh-a195057.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm