>> Yên Bái nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn
>> Yên Bái nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch
>> Yên Bái tăng cường ngoại kiểm chất lượng nước
>> Yên Bái nỗ lực đưa nước hợp vệ sinh về nông thôn
>> Yên Bái thực hiện có hiệu quả chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Tại thị xã Nghĩa Lộ, Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ông Phan Văn Thắng - Quyền Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ, cho biết: "Nhà máy Nước Nghĩa Lộ có công suất thiết kế là 3.500m3/ngày đêm và hiện tại đang vận hành vượt gần gấp đôi công suất với 6.000m3/ngày đêm để cung cấp nước sạch cho 12.000 khách hàng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ và các xã lân cận thuộc huyện Văn Chấn. Trước nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng cao, Nhà máy đang tiến hành nâng cấp lên 10.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã đầu tư phát triển hệ thống đường ống dẫn nước đến các khu đô thị, các xã". Sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng đóng vai trò then chốt.
Ông Hoàng Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Xã Nghĩa Lợi hiện có gần 1.700 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu. Trước đây, nguồn nước chủ yếu khai thác từ các dòng suối và đào giếng. Tuy nhiên, do đô thị hóa và biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt. Trước những khó khăn đó, Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ đã mở rộng đường ống dẫn nước đến 100% thôn bản của các xã. Đến nay, 100% người dân trên địa bàn xã đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống".
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 362 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó 349 công trình đã được bàn giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác. Tỉnh cũng đã ban hành các văn bản pháp lý quan trọng để tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước tập trung.
Nhờ đó, đến năm 2024, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% và tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 17%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác quản lý và khai thác các công trình nước sạch vẫn còn nhiều thách thức. Việc kiểm soát chất lượng nước cũng là một vấn đề nan giải khi đa số công trình có quy mô nhỏ, công nghệ xử lý đơn giản.
Nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng các quy chuẩn mới còn hạn chế, trong khi giá bán nước thấp khiến việc thử nghiệm chất lượng nước định kỳ gặp nhiều khó khăn. Tỉnh cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về giá tiêu thụ nước sinh hoạt nông thôn. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí, giá nước có thể sẽ cao, không phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân miền núi.
Với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh dự kiến đạt 98%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn dự kiến đạt 20%, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt về giá nước sạch nông thôn, cùng với chính sách bù giá từ ngân sách là vô cùng cần thiết; tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến là yêu cầu cấp bách.
Đối với những vùng đặc thù, cần nghiên cứu các mô hình cấp nước nhỏ lẻ, trữ nước hộ gia đình hiệu quả. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức và hành vi của người dân trong việc sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ công trình.
Song song, việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho đội ngũ cán bộ cơ sở và tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, quản lý là những yếu tố then chốt để bảo đảm các công trình cấp nước phát huy hiệu quả bền vững.
Bảo đảm nước sạch cho nông thôn không chỉ là mục tiêu kinh tế - xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp chính quyền. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, tin rằng bài toán quản lý, sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước tập trung ở Yên Bái sẽ sớm tìm được lời giải tối ưu, mang dòng nước mát lành, an toàn đến với mọi nhà.
Một thực trạng đáng lo ngại là có tới 104 công trình không hoạt động, cho thấy sự lãng phí nguồn lực đầu tư và những yếu kém trong quản lý, vận hành ở một số nơi. Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, dao động từ 15-20% ở các công trình mới và lên đến 30-40% ở các công trình cũ, do nhiều nguyên nhân như: hệ thống đường ống dài, địa hình phức tạp và ý thức bảo vệ của người dân chưa cao. |
Hùng Cường
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/350470/Yen-Bai-tang-cuong-quan-ly-khai-thac-hieu-qua-cac-cong-trinh-cap-nuoc-tap-trung.aspx
Bình luận (0)