Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản

NDO - Thanh Hóa - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đang hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đồng hành với địa phương, Báo Nhân Dân thông qua dự án “Yêu lắm Việt Nam” đã lắp đặt các điểm check-in thông minh tại ba khu di tích tiêu biểu: Thành Nhà Hồ, Đền Bà Triệu và Khu di tích Lam Kinh.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân22/04/2025

Điểm check-in Yêu lắm Việt Nam tại Thành Nhà Hồ.

Điểm check-in Yêu lắm Việt Nam tại Thành Nhà Hồ.

Việc ứng dụng công nghệ tại những địa danh này góp phần giúp người dân và du khách tiếp cận thông tin một cách thuận tiện, sống động, đồng thời mở ra hướng đi mới trong nỗ lực bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản bằng các công cụ số.

Tại mỗi di tích, tấm bảng nhỏ gắn chip công nghệ kết nối không dây được thiết kế hài hòa với cảnh quan, như một điểm nhấn hiện đại giữa không gian văn hóa giàu bản sắc.

Chỉ với một thao tác chạm nhẹ điện thoại thông minh, người dân và du khách đã có thể bước vào thế giới di sản số: từ thông tin lịch sử, nhân vật gắn liền với di tích, đến hình ảnh, video, bản đồ định vị và các gợi ý hành trình tham quan tiện lợi.

Tất cả nội dung đều được biên soạn bài bản, xác thực, mang lại trải nghiệm vừa chính thống, vừa sinh động. Với công nghệ kết nối không dây (NFC) kết hợp dữ liệu số, sự tiếp cận trở nên dễ dàng và đồng bộ, đặc biệt hữu ích để du khách hiểu rõ hơn về giá trị di sản, góp phần bảo tồn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, lịch sử của nơi họ đang tới tham quan.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 1

Trải nghiệm công nghệ kết nối không dây tại điểm check-in Yêu lắm Việt Nam.

Chị Triệu Thị Hương, hướng dẫn viên tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Việc có bảng check-in thông minh ngay tại các di tích giúp ích rất nhiều. Trong trường hợp không có hướng dẫn viên, du khách vẫn có thể nắm bắt đầy đủ những thông tin cơ bản và thú vị về di tích. Điều này góp phần không nhỏ vào việc truyền tải giá trị di sản tới đông đảo du khách thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền”.

Tại Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc bằng đá độc đáo của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2011, điểm check-in của dự án "Yêu lắm Việt Nam" được đặt ở vị trí trung tâm, vừa thuận lợi cho thao tác công nghệ, vừa giữ được sự hài hòa với không gian cổ kính của khu di tích.

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, chia sẻ: “Công nghệ kết nối không dây này thật sự là một giải pháp thiết thực. Nó không chỉ tạo điều kiện để khách du lịch có thể tìm hiểu thông tin mà còn gia tăng tính tương tác, kích thích sự quan tâm của giới trẻ với các di sản văn hóa”.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 2

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Không chỉ dừng lại ở chia sẻ thông tin về khu di tích, mỗi trạm còn tích hợp chức năng chụp ảnh tự động, cấp chứng nhận check-in điện tử, tạo điều kiện để du khách lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại các điểm du lịch.

Chị Nguyễn Thị Hiền, du khách tại tỉnh Thanh Hoá, chia sẻ: “Điểm tương tác của Báo Nhân dân rất tuyệt vời, rất phù hợp với xu thế chung của giới trẻ là đi đến đâu được check-in, được selfie đến đấy, rồi lại được gửi kèm theo những dòng cảm xúc của mình về tiền nhân, về niềm tự hào với quê hương, đất nước”.

Cùng quan điểm đó, chị Đỗ Thị Dinh, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ rằng công nghệ kết nối không dây không chỉ giúp chị hiểu rõ về nơi mình đặt chân đến mà còn đem lại trải nghiệm mới mẻ: “Cảm giác chụp ảnh check-in rất thú vị. Ngoài ra mọi thông tin tôi cần đều có sẵn ngay tại điểm tham quan. Đó là điều rất hiện đại và tiện lợi”.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 3

Du khách tới thăm Khu di tích Lam Kinh.

Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được Báo Nhân Dân triển khai trên phạm vi toàn quốc, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đây là một trong những hoạt động trọng điểm, mang ý nghĩa sâu sắc không chỉ ở việc tri ân lịch sử, mà còn góp phần lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam qua lăng kính công nghệ hiện đại.

Sự gắn kết giữa công nghệ và văn hóa tạo nên một hình thức trải nghiệm mới-một không gian du lịch thông minh, sống động và đầy cảm xúc.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 4

Chạm điện thoại tại điểm check-in Yêu lắm Việt Nam.

“Lần đầu tiên đến Lam Kinh, tôi đã rất xúc động khi thắp hương tưởng nhớ Đức vua Lê Lợi. Điều khiến tôi bất ngờ là chỉ cần một cú chạm điện thoại vào điểm check-in, mọi thông tin về di tích, từ lịch sử, kiến trúc đến các câu chuyện liên quan, đều hiện ra rõ ràng. Tôi thấy như mình đang được kết nối trực tiếp với dòng chảy lịch sử, thật đặc biệt và ý nghĩa", anh Vũ Hồng Tuyên, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, chia sẻ.

Với 858 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 1 di sản thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 713 di tích cấp tỉnh, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa. Việc tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong du lịch là bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời đại mới.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 5

Cây ổi "biết cười" huyền bí tại Khu di tích Lam Kinh.

Bà Bùi Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, nhận định: Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch là tất yếu. Dự án của Báo Nhân Dân là mô hình rất ý nghĩa, kết nối hiệu quả giữa công nghệ và di sản. Nó không chỉ giúp địa phương khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa mà còn tạo ra những giá trị mới phù hợp với thị hiếu của du khách hiện đại.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong năm 2025, tổng lượt khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt 53.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào du lịch, bao gồm số hóa dữ liệu di sản, phát triển bản đồ số du lịch, hệ thống đặt vé điện tử, trải nghiệm tham quan thực tế ảo và kết nối du khách với hệ sinh thái dịch vụ địa phương.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 6

Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025.

Với sự có mặt của dự án “Yêu lắm Việt Nam”, nhiều du khách cảm thấy được khơi gợi niềm tự hào, được tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ và quảng bá giá trị quê hương mình.

Chị Lê Thị Ngọc, người dân tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ mong muốn: Tôi rất hy vọng một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy bản đồ Việt Nam hiện lên đầy đủ các hình ảnh du khách gửi về từ khắp mọi miền tổ quốc, như một minh chứng sống động cho tình yêu quê hương, đất nước.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 7

Điểm check-in Yêu lắm Việt Nam được đặt tại vị trí thuận lợi.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 8

Người dân tra cứu thông tin tại di tích Đền Bà Triệu.

Trên cả nước, hàng loạt tỉnh, thành phố cũng đã triển khai hệ thống bảng check-in thông minh thuộc dự án “Yêu lắm Việt Nam”. Sự kết nối giữa các địa phương thông qua một nền tảng chung không chỉ tạo thuận lợi cho du khách trong quá trình di chuyển, tìm hiểu mà còn thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái du lịch số toàn diện, bền vững. Từ đó, mỗi bước chân du lịch không chỉ là một hành trình khám phá mà còn là một trải nghiệm tương tác, thấu hiểu và góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc.

“Yêu lắm Việt Nam” góp phần đưa công nghệ vào phát huy giá trị di sản ảnh 9

Chỉ cần chạm điện thoại là có đủ thông tin cho du khách.

Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Dự án "Yêu lắm Việt Nam" mở ra hướng đi mới trong cách chúng ta gìn giữ, giới thiệu và lan tỏa vẻ đẹp đất nước đến với người dân và du khách trong nước cũng như quốc tế. Qua thực tiễn thực hiện trong thời gian qua, với bảng tích hợp công nghệ kết nối không dây, du khách chỉ cần một cú chạm nhẹ là có thể truy cập vào kho dữ liệu số phong phú, gồm hình ảnh, câu chuyện, video, bản đồ định vị và thông tin du lịch chi tiết. Không chỉ đơn thuần là check-in, đó là một trải nghiệm văn hóa số sống động, hiện đại, đầy cảm hứng cho du khách.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại mọi lĩnh vực, du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thanh Hóa, với sự đồng hành của những dự án như “Yêu lắm Việt Nam”, đang dần chuyển mình trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan, di sản mà còn bởi sự hiện đại, thân thiện và thông minh trong cách phục vụ du khách.

Đây chính là minh chứng cho một tư duy đổi mới, bền vững và đầy cảm hứng, nơi quá khứ và tương lai hòa quyện, nơi lịch sử và công nghệ cùng tạo nên những hành trình đáng nhớ.

Nguồn:https://nhandan.vn/yeu-lam-viet-nam-gop-phan-dua-cong-nghe-vao-phat-huy-gia-tri-di-san-post873284.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm