Trong một thời gian dài, người ta vẫn tự an ủi nhau bằng câu nói: "AI sẽ không lấy mất công việc của bạn, nhưng người biết dùng AI thì có thể". Nghĩa là chỉ cần bạn học cách sử dụng AI, bạn sẽ không bị mất việc, hoặc thậm chí có thể lấy việc của người khác.
Tiếc thay, suy nghĩ đó giờ đã lỗi thời. AI không còn đi đường vòng qua con người.
AI đến thẳng chỗ bạn, và âm thầm thay thế từng phần công việc một cách lặng lẽ nhưng triệt để. Nó đặt lịch họp, viết báo cáo, gửi email cá nhân hóa, ra quyết định... thậm chí còn có thể cử "bản sao số" của bạn đi họp online mà không ai nhận ra.
Không lâu nữa, những "tác nhân AI tự động" sẽ có thể xử lý cả quy trình công việc mà không cần con người nhúng tay.
Sự thật mới là AI chắc chắn sẽ tự động hóa nhiều phần công việc bạn đang làm. Vấn đề là, bạn có biết cách thích nghi và vượt lên không?
Càng dùng AI nhiều, bạn càng dễ bị thay thế
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng bạn cần ghi nhớ điều này: Càng tận dụng AI để tăng hiệu suất, bạn càng khiến bản thân dễ bị thay thế bởi chính nó. Giống như việc bạn phụ thuộc hoàn toàn vào Google Maps rồi quên mất đường đi, hay từ bỏ việc ghi nhớ vì "đã có điện thoại lo hết".
Trong thời đại mà AI gánh phần lớn khối lượng lao động trí óc, chúng ta đang đứng trước nguy cơ "lười suy nghĩ" đến mức… teo não. Giáo sư Scott Galloway từng gọi AI là "Ozempic cho doanh nghiệp" - một loại thuốc ức chế nhu cầu phải tư duy, dù kết quả đầu ra vẫn sắc sảo.
Tổ tiên chúng ta không cần phòng gym để giữ dáng vì cuộc sống sinh tồn đã đủ vận động. Còn bây giờ, có lẽ chúng ta sẽ cần đến những "phòng tập não" để không bị trí tuệ nhân tạo làm hộ mọi thứ.
Nếu bạn chỉ được đánh giá qua tốc độ và độ chính xác khi hoàn thành công việc, xin chúc mừng, bạn đã trở thành một cái "mẫu" dễ dàng để tự động hóa. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn nên ngừng sử dụng AI. Ngược lại, hãy dùng AI một cách thông minh và quan trọng nhất, hãy biết tái đầu tư thời gian mà nó giúp bạn tiết kiệm được.
Vấn đề là phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa biết làm gì với khối thời gian khổng lồ mà AI mang lại. Một khảo sát của Công ty kiểm toán Deloitte cho thấy 94% lãnh đạo tin rằng AI sẽ làm thay đổi mô hình công việc. Nhưng chỉ 17% có kế hoạch cụ thể để thực hiện sự thay đổi đó.
Đây chính là cơ hội vàng, bạn không cần chờ sếp ra chỉ thị. Bạn có thể chủ động tái định nghĩa công việc của mình ngay từ hôm nay.

AI không còn là "trợ lý" hỗ trợ công việc mà nó đang trực tiếp làm thay bạn, từ lên lịch họp, viết báo cáo đến trả lời email, ra quyết định (Minh họa: FIU).
Dưới đây là 10 cách để bạn không bị AI "đá khỏi bàn làm việc":
Dùng AI để tiết kiệm thời gian, rồi đầu tư lại vào những việc đậm chất con người
Thay vì xử lý những công việc nhàm chán, hãy dành thời gian tạo dựng mối quan hệ khách hàng, hướng dẫn đồng nghiệp hoặc giải quyết các vấn đề cần đến sự đồng cảm và phán đoán.
Làm cầu nối giữa kỹ thuật và con người: Hãy là người "phiên dịch" giữa team kỹ thuật và các bộ phận khác. AI vẫn rất kém trong việc cảm nhận cảm xúc, hài hước hay hiểu ngầm.
Kết hợp kỹ năng theo cách độc đáo: Hãy trở thành "người đa nhiệm có điểm nhấn", vừa biết nhiều lĩnh vực, vừa có chuyên môn sâu ở một vài mảng khó thay thế.
Đừng để bản thân quá dễ đoán: Công việc lặp lại dễ bị tự động hóa. Hãy tạo sự đa dạng, linh hoạt, thử nghiệm cái mới, nhảy lĩnh vực, làm những điều AI chưa mô hình hóa được.
Phát triển trí tuệ cảm xúc: Đồng cảm, thuyết phục, thích nghi, giải quyết xung đột… đó là những khả năng rất "người" mà AI chưa thể học được.
Nắm giữ kiến thức chuyên sâu ở những mảng "khó nuốt": Tập trung vào lĩnh vực đòi hỏi bối cảnh thực tế và kinh nghiệm, những thứ AI vẫn còn loay hoay.
Xây dựng thương hiệu cá nhân: Viết, nói, chia sẻ góc nhìn của bạn. Khi có tên tuổi, bạn có nhiều cơ hội được giữ lại hơn là bị thay thế bởi một phần mềm.
Thành thạo các công cụ AI trong lĩnh vực của mình: Đừng đối đầu với AI mà hãy là người truyền bá AI. Người hiểu công cụ sẽ ít bị thay thế bởi chính nó.
Trở thành mắt xích người - máy: AI vẫn cần người giám sát, biên tập, kiểm chứng. Những đánh giá mang tính con người đang ngày càng có giá trị.
Luôn tò mò và linh hoạt: Hãy xem thời đại này không chỉ là "cuộc cách mạng công nghệ", mà là "cuộc cách mạng tư duy". Khả năng học lại và quên đi những gì cũ kỹ sẽ quan trọng hơn mọi kỹ năng cố định.
Thích nghi hay là bị đào thải
Bạn không thể đứng yên. Không thể "ngồi im xem sao". Chiến lược kiểu "chim dodo", nôm na như kiểu ở yên một chỗ và hy vọng AI bỏ qua mình, từng khiến loài đó tuyệt chủng. Và nó cũng sẽ không cứu được bạn khỏi nguy cơ bị thay thế.
Bạn cần "tiến hóa" nhanh hơn môi trường số. Hãy xem AI là công cụ hỗ trợ, nhưng cũng đừng quên trau dồi những phẩm chất mà AI không thể học được. Trở thành phiên bản sáng tạo, linh hoạt và khó đoán của chính mình, nếu không, bạn sẽ bị vượt mặt bởi chính những thứ bạn từng dùng để tăng hiệu suất.
Vậy bạn đang ở đâu trên bản đồ nghề nghiệp? Câu trả lời nằm giữa 2 thái cực: Không thể thay thế và đã lỗi thời. Vấn đề tùy thuộc vào việc bạn chọn làm gì tiếp theo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/10-cach-de-khong-bi-ai-thay-the-20250506231634874.htm
Bình luận (0)