Tăng tốc chuyển đổi số
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng thách thức của doanh nghiệp (DN) hiện nay là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các yêu cầu khắt khe về phát thải carbon... Những yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các DN. Các hiệp hội ngành hàng, DN đề xuất xem xét cần có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển đổi số hiệu quả hơn cho DN để đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Ông Park Se Yeol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, chia sẻ việc nâng cấp một nhà máy gần 30 năm tuổi trở thành nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các kỹ sư người Việt tại Tổng Công ty Becamex IDC và VNTT đã chứng minh sự tự tin, năng lực và khả năng triển khai. Kinh nghiệm của Orion là hợp tác theo định hướng của mình với các chuyên gia để có kết quả tốt nhất.
“Hiện tại, dự án đã triển khai sắp xong giai đoạn 1. Trong giai đoạn tiếp theo, Orion sẽ hướng tới hoàn thiện hệ thống tự động hóa toàn diện, điều hành và quản lý sản xuất thông qua các hệ thống MES, kết nối tới hệ thống ERP quản trị tổng thể. Mục tiêu cao nhất là sẽ xây dựng các dây chuyền sản xuất tự hành, nguồn nhân lực dư ra sẽ được đào tạo để giám sát vận hành các dây chuyền thông minh”, ông Park Se Yeol nói.
Góp sức hỗ trợ DN
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay công cuộc cách mạng về chuyển đổi số với công nghệ 4.0, trong đó sự chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình hoạt động của nhà máy thông minh đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Với mô hình nhà máy thông minh giúp các bộ phận liên quan chủ động hơn trong việc cân đối nguồn lực và định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thời hạn giao hàng.
Mới đây, trong tháng 4-2025, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam trao đổi về hợp tác triển khai “Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Bình Dương”. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã chia sẻ về kết quả triển khai dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh trong 3 năm qua, kết quả cũng như những hạn chế của dự án. Trong năm 2025, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đối với các DN có tiềm năng trở thành nhà cung ứng cho công ty trong tương lai. Các DN ngành công nghiệp hỗ trợ có thể cung ứng cho Công ty Samsung trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện thoại, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, robot hút bụi.
Ông Shim Sang Yong, Giám đốc bộ phận Hỗ trợ đối tác Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, cho hay các tiêu chí để lựa chọn DN hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh như tiêu chí về ngành nghề, số lượng lao động, nguồn nhân lực, quyết tâm của ban lãnh đạo DN, tình hình tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy thông minh. Công ty cũng chia sẻ về các phương thức khác nhau để DN có thể lựa chọn phát triển nhà máy thông minh, quy trình tuyển chọn, thời gian triển khai dự án, tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ...
Ông Park Se Yeol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina: “Chúng tôi đánh giá rất cao giải pháp nhà máy thông minh do Tổng Công ty Becamex IDC và VNTT phát triển, với kiến trúc hiện đại, chức năng đầy đủ và thông minh, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe không thua kém các giải pháp đến từ quốc tế, nhưng chi phí phù hợp. Đặc biệt, việc nâng cấp một nhà máy gần 30 năm tuổi của chúng tôi trở thành nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Big Data (dữ liệu lớn) là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các kỹ sư người Việt tại Becamex IDC và VNTT đã chứng minh cho chúng tôi thấy sự tự tin, năng lực và khả năng triển khai rất tốt”. |
TIỂU MY - ANH TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-san-xuat-ben-vung-a346569.html
Bình luận (0)