Tháng 9 này, Phan Tuấn Minh nhập học Chương trình Kỹ thuật phần mềm, khoa Khoa học máy tính & Công nghệ, Trường ĐH Anh Quốc (BUV) tại Việt Nam.
Em là một trong 2 học sinh xuất sắc giành học bổng "Nhà sáng lập" - hạng mục học bổng cao quý nhất của nhà trường năm 2025.
Học bổng toàn phần này bao gồm cả chương trình dự bị đại học và cử nhân tại đây, được trao cho những ứng viên có thành tích học tập xuất sắc, tinh thần phục vụ cộng đồng và tiềm năng lãnh đạo.

Minh là một trong 2 học sinh xuất sắc giành học bổng "Nhà sáng lập"- hạng mục học bổng cao quý nhất của nhà trường năm 2025 (Ảnh: Công Thành).
Bài luận từ chính cuộc đời mình
"Tích tắc… Kim đồng hồ vẫn chuyển động, nhưng với mỗi giây trôi qua, cậu cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn. Cậu chỉ mới bảy tuổi, nhưng mọi người gọi cậu là "rác rưởi", xa lánh cậu.
Họ nói rằng cậu "vô học" từ cha mẹ vì không ai dạy cậu, có lẽ họ đúng - cha mẹ cậu tồn tại, nhưng họ không bao giờ ở bên cậu. Đôi khi, cậu khóc vì nhớ mẹ, nhưng bà sắp ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư, và cậu biết rằng chẳng bao lâu nữa, sẽ không còn ai trên thế giới này yêu thương cậu nữa.
Cậu ngồi ở cuối lớp học, đầu cúi xuống, cô đơn, bị đánh đập và xa lánh. Cậu sợ mọi người, luôn tránh xa họ. Một ngày nọ, cậu ngước lên và hỏi Chúa, "Hạnh phúc là gì? Con là ai? Tại sao con phải chịu đựng tất cả những điều này?"
Nhưng Chúa không trả lời"…

Minh thể hiện bài luận bằng câu chuyện từ cuộc đời mình (Ảnh: Công Thành).
Trên đây là mở đầu của bài luận mà Tuấn Minh trong hồ sơ xin học bổng năm 2025. Minh chia sẻ, phần lớn nội dung bài luận là câu chuyện của chính cuộc đời em trải qua suốt 12 năm phổ thông.
Bài luận có 3 phần: phần 1 về tuổi thơ bất ổn, em thường xuyên phải chuyển nhà, chuyển trường. Phần 2 là câu chuyện về người bạn truyền cảm hứng để em thực hiện những ước mơ sau này. Phần 3 ghi lại cuộc gặp gỡ giữ em và "ảo ảnh" bản thân ở thì tương lai- sau khi em đã thành đạt.
"Ở phần 1, lúc đầu em viết rất dài. Dường như mọi nỗi ấm ức trong những năm tháng không có bố mẹ ở bên cứ tuôn trào trên 2 trang giấy", Minh nhớ lại.
Với tiêu đề "Cuộc hẹn trong mơ của tôi", bài luận của Minh không chỉ xúc động mà còn thể hiện chiều sâu tư duy, lòng nhân ái và quyết tâm vượt lên số phận.
Cùng với nguyện vọng theo học ngành Kỹ sư phần mềm, Minh mong muốn phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực logistic công nghệ cao từ dự án cá nhân - để có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, vực dậy phát triển kinh tế đất nước .

Minh sẽ bảo lưu kết quả của Trường ĐH Ngoại thương để theo học tại đây (Ảnh: Công Thành).
12 năm phổ thông, 10 lần chuyển nhà, 11 lần chuyển trường
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nam sinh cho biết, năm 3 tuổi, bố mẹ ly hôn. Em sống với mẹ. Minh nhớ như in những ngày đầu tiên mẹ con ra ở riêng sau khi bố mẹ chia tay, đấy là căn nhà thuê nhỏ xíu.
Năm Minh 7 tuổi, mẹ em bất ngờ được phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn 2. Năm 8 tuổi, Minh khăn gói qua ở với dì vì mẹ phải thường xuyên ra vào bệnh viện chữa trị.
Lên lớp 4, Minh phải theo học nội trú ở một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình vì không có ai chăm sóc hàng ngày.
Lớp 5, Minh quay về ở với bác ở bên nội. Học được nửa năm, Minh lại chuyển trường vì phải sang ở nhà bác khác…
Cứ như vậy, trong 12 năm phổ thông, Minh phải chuyển nơi ở 10 lần, 11 lần chuyển trường và chạy vòng quanh từ nội thành ra ngoại thành Hà Nội.
"Năm lớp 3, em mắc bệnh tăng động. Bà nội kể lại, khi đưa đi viện, bác sĩ bảo bệnh của em một phần do bất ổn tâm lý mà ra. Cứ ngỡ tình hình đã ổn định sau vài năm nhưng lên lớp 10, sau quá nhiều lần chuyển trường, chuyển nhà, em lại rơi vào chứng trầm cảm.




Thời điểm bị trầm cảm, em đang ở cùng bố mẹ nuôi tại ngoại thành Hà Nội. Nhiều lần em tự hỏi, mình sống để làm gì? mình đang sống hay đang tồn tại? Những câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu, đã có lúc em tính mua thuốc ngủ để giải thoát bản thân nhưng không hiểu nỗi sợ hay sức mạnh nào đã ngăn em lại", Minh chia sẻ.
Với sự giúp đỡ của gia đình và bố mẹ nuôi, Minh dần vượt qua chứng trầm cảm. Cậu bắt đầu hòa đồng với bạn bè, tự học nhiều hơn. Nhờ sự giúp đỡ của con gái bố mẹ nuôi, cậu bé đạt chứng chỉ IELTS, dù ở ngoại thành không có địa điểm luyện thi.
Năm 2023, bằng phương thức xét tuyển kết hợp, Minh đỗ ngành Quản trị Kinh doanh, thuộc khoa Quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương.
Năm 2024, em tự tìm kiếm và trúng tuyển học bổng Đài Loan (TQ). Minh quyết định bảo lưu kết quả của Trường ĐH Ngoại thương để du học 3 tháng tại Đài Bắc.
"Từ Đài Loan trở về, em vẫn ấp ủ ước mơ có thể giúp đỡ phát triển một dự án cá nhân để phát triển quê hương.
Năm 2025, trong lúc xây dựng dự án cá nhân, tình cờ có cơ hội biết đến học bổng "Nhà sáng lập", từ đó em tự tìm tòi xây dựng hồ sơ, viết bài luận và không ngờ trúng tuyển học bổng toàn phần của trường", Minh cho hay.

Từ Đài Loan trở về, em vẫn ấp ủ ước mơ có thể giúp đỡ phát triển một dự án cá nhân để phát triển quê hương (Ảnh: NVCC).
Đừng bao giờ từ bỏ mơ ước
"Dù có chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ từ bỏ mơ ước", không chỉ ý nghĩa của bài luận, điều này cũng là cảm hứng giúp Minh viết tiếp nên ước mơ bằng dự án sử dụng drone (máy bay không người lái) trong lĩnh vực giao hàng đồ ăn nhanh tại Việt Nam.
Theo Minh, phương thức này chưa áp dụng đại trà ở Việt Nam trong khi nước ngoài đã triển khai hiệu quả từ nhiều năm trước.
Do vậy, thời gian tới, em sẽ tiếp tục bảo lưu kết quả học tập ở Trường ĐH Ngoại thương để học tại trường mới. Đồng thời trong khoảng thời gian vừa học vừa xây dựng dự án, em mong muốn kiếm tìm được nguồn đầu tư để công trình trở thành hiện thực trong thời gian tới.
Trong câu chuyện, nhiều lần Minh nhắc đến bà nội, đó là người luôn tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho em trong suốt quãng đời vừa qua.
Ở tuổi 92, bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - bà nội Minh, tự hào và hạnh phúc khi chứng kiến cháu trai được nhận học bổng.
"Nó có cuộc đời thăng trầm, không như nhiều đứa trẻ khác. Và hôm nay, tôi cũng được chứng kiến giây phút cháu trưởng thành. Đây là món quà đáng giá nhất cháu dành tặng người thân", bà nội Minh nói.

Từ một học sinh ít nói, Minh đã trở thành một người tự tin hơn, biết cách hợp tác và làm việc nhóm (Ảnh: Công Thành).
Nhận xét về cậu học trò Phan Tuấn Minh, trong thư giới thiệu, cô Trần Việt Hồng, giáo viên chủ nhiệm phổ thông, cho hay: "Tôi vẫn nhớ ngày Minh mới vào lớp, đi cùng bà của em đến xin nhập học.
Lúc đó, tôi được biết về hoàn cảnh gia đình đặc biệt của Minh. Bố mẹ em ly hôn từ nhỏ, mẹ em mắc bệnh ung thư, và em phải chuyển trường để sống cùng họ hàng.
Là một học sinh trầm tính, khá ngoan ngoãn, ít nói và không chủ động giao tiếp, Minh thường giữ khoảng cách với bạn bè, không tự tin trong việc bày tỏ suy nghĩ của mình.
Từ khi Minh mới từ nội thành Hà Nội chuyển ra ngoại thành còn khá yếu do thiếu nền tảng.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận thấy Minh là một học sinh đầy nghị lực và kiên trì. Mặc dù em phải đối mặt với những khó khăn về mặt tinh thần, nhưng Minh đã không ngừng nỗ lực để cải thiện bản thân.
Sự nỗ lực không chỉ giúp Minh tiến bộ trong môn toán của tôi đứng lớp dạy mà còn trong các môn học khác như vật lý, sinh học, tiếng Anh... Điểm số của em đã có sự cải thiện rõ rệt.
Từ một học sinh ít nói, Minh đã trở thành một người tự tin hơn, biết cách hợp tác và làm việc nhóm.
Cũng trong thư giới thiệu, Chen, Renmin, giảng viên tiếng Trung, Trung tâm tiếng Trung, Đại học Minh Truyền (Đài Loan) cho hay, trên phương diện học tập, Minh là sinh viên nghiêm túc và tích cực, có thể đạt được các mục tiêu cụ thể về kỹ năng nghe và nói do giáo viên đặt ra. Đặc biệt, đối với các báo cáo và bài tập, em luôn vượt ngoài mong đợi và đột phá.
Trên giảng đường, Tuấn Minh luôn cố gắng áp dụng việc học đi đôi với hành. Em rất thông minh và có lối tư duy cởi mở, không phải là một sinh viên thụ động tiếp nhận, mà là luôn tích cực tư duy.
Ngoài giờ học, Tuấn Minh luôn tận dụng mọi cơ hội để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ. Với những phẩm chất đáng quý, tôi tin rằng, em có tiềm năng lớn khi học tập tại trường.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/11-lan-chuyen-truong-10-lan-chuyen-nha-nam-sinh-gianh-hoc-bong-toan-phan-20250511225535952.htm
Bình luận (0)