Thông tin về việc tiếp tục thực hiện các nội dung cải cách tiền lương nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Ảnh: Hương Nha
Thông tin về việc tiếp tục thực hiện các nội dung cải cách tiền lương là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cả nước.
Thực tế theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 của Bộ Nội vụ, việc tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Trung ương là một trong những kết quả nổi bật của bộ này trong năm 2024, đó là:
Một là, bổ sung chế độ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Hai là, hoàn thiện chế độ nâng bậc lương phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Ba là, nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương.
Bốn là, quản lý tiền lương và thu nhập. Trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện; áp dụng tiền lương tăng thêm; khoán quỹ lương.
Ngoài 4 nhiệm vụ nói trên, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đến nay vẫn còn 2 nhiệm vụ về cải cách tiền lương chưa thực hiện gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.
Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về chính sách tiền lương, cơ chế, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài.
Theo Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long), thực tế với hệ số lương 2,34 tương đương với gần 6 triệu đồng/tháng cho công chức mới vào làm việc, chưa tính các loại bảo hiểm phải chi trả, sẽ không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu. Chưa kể nếu có vợ/chồng, con và sống ở các thành phố lớn thì mức sống sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Như vậy, sẽ không thể thu hút được người tài năng vào làm việc, cống hiến.
Đại biểu đề xuất Quốc hội cần sớm giám sát chặt chẽ việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, bảo đảm triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Từng bước xây dựng chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc và năng lực cá nhân.
"Cần cải cách tiền lương, chế độ tiền lương cho phù hợp với bối cảnh hiện nay song song với đổi mới cơ chế tuyển dụng, trọng dụng và phát triển nhân tài trong khu vực công" - đại biểu kiến nghị.
Tại Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5.2025 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động chủ động, nỗ lực, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Một trong nhiều nhiệm vụ đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ là: Chủ động rà soát các chính sách liên quan đến phụ cấp, tiền lương.
Từ đó, kịp thời nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành (1 Nghị định, 1 Thông tư) liên quan bảo đảm đồng bộ, phù hợp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp;
Tham mưu cho Đảng ủy Bộ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (hoàn thành trước 30.6.2025).
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/4-nhiem-vu-cai-cach-tien-luong-da-hoan-thanh-1508878.ldo
Bình luận (0)