Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phía Bắc có dãy núi Tam Đảo, phía Tây Nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, tạo nên dạng địa hình phức tạp với ba vùng khí hậu đặc trưng.
Bởi vậy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, mưa đá, hạn hán, giông lốc, rét đậm, cháy rừng… Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa lớn, gây ngập úng vào tháng 5 và tháng 9.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng và linh hoạt triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa kịp thời.
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả), những năm qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống sự cố thiên tai, đồng thời, xây dựng phương án ứng phó kịp thời.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng và quy định pháp luật về PCTT&TKCN; diễn tập, huấn luyện kỹ năng và kiểm tra năng lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai được chú trọng, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hằng năm, trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra hiện trạng hệ thống các công trình thủy lợi, hồ đập, đê điều trên địa bàn để có phương án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê Trung ương, đê địa phương, các công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại chỗ phục vụ công tác PCTT&TKCN, bảo đảm ứng phó kịp thời các sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Với sự chủ động trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cùng việc ứng dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh được nâng cao đáng kể.
Năm 2025, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, mưa lớn kéo dài và hạn hán có xu hướng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức huấn luyện, diễn tập, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp; lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng kết hợp đa mục tiêu, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực.
Yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, bám sát phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực nâng cấp, tu sửa các tuyến đê xung yếu; bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai các cấp; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Bài, ảnh: Kim Ngân
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127904/“4-tai-cho”-“3-san-sang”-trong-phong-chong-thien-tai
Bình luận (0)