Thống kê các trường ĐH Mỹ có du học sinh bị tước visa tính tới ngày 11.4
ẢNH: INSIDE HIGHER ED
Việc tước visa lan tới 29 tiểu bang
Là chuyên trang về giáo dục ĐH thuộc tổ chức Times Higher Education có trụ sở ở Anh, tờ Inside Higher Ed từ ngày 8.4 liên tục thống kê số lượng du học sinh bị tước visa trên khắp nước Mỹ. Dữ liệu này được thu thập dựa trên các báo cáo công khai hoặc trao đổi trực tiếp với các trường ĐH, CĐ Mỹ và cập nhật ít nhất 2 lần mỗi ngày. Tính tới 17 giờ ngày 11.4 (giờ Mỹ), có ít nhất 844 du học sinh ở hơn 160 trường ĐH, CĐ Mỹ bị tước visa.
Loại visa du học bị tước thường là F-1 (dành cho sinh viên theo học khóa toàn thời gian) hoặc J-1 (dành cho diện trao đổi sinh viên). Và nếu bị tước visa lẫn bị hủy trạng thái cư trú hợp pháp, du học sinh được xem là đang cư trú bất hợp pháp và phải lập tức rời nước này nếu không muốn bị bắt giữ, tạm giam cho đến ngày bị trục xuất.
Tuy nhiên, nếu chỉ bị tước visa, du học sinh vẫn còn một số quyền khác, bao gồm quyền được ở lại Mỹ miễn là không rời Mỹ sau đó cố gắng quay trở lại, theo luật sư di trú Jath Shao. Thông thường, sinh viên không thể kháng cáo việc bị hủy visa du học nhưng vẫn có thể nộp đơn xin cấp lại visa, ông Shao nói thêm.
Điểm đáng chú ý là theo thống kê, việc tước visa diễn ra ở khắp các loại hình, từ những trường công lập như hệ thống ĐH Bang California (36 người đã bị tước visa), ĐH Bang Arizona, ĐH Bang Oregon (12), ĐH California ở Berkeley (23)..., tới các trường tư thục đứng hàng đầu Mỹ và thế giới như ĐH Harvard, ĐH Johns Hopkins (12), ĐH Columbia (7), ĐH Stanford (6), ĐH Yale (4), ĐH Duke, MIT (3), ĐH Dartmouth (2)...
Ngoài ra, San Mateo County Community College District, hệ thống các trường CĐ cộng đồng công lập tại bang California, cũng ghi nhận có 1 trường hợp bị tước visa du học.
Theo tờ Inside Higher Ed, xu hướng tước visa du học bắt đầu lan rộng từ vài tuần trước, kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ hôm 27.3 cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã tước hơn 300 visa du học từ những người mà ông gọi là "kẻ điên rồ". Ông Rubio tuyên bố rằng những sinh viên bị hủy visa đến Mỹ "không chỉ để học mà còn để tham gia vào các phong trào phá hoại các trường ĐH, quấy rối sinh viên, chiếm giữ tòa nhà và gây hỗn loạn".
Người học trong lễ tốt nghiệp của ĐH Harvard hàng đầu nước Mỹ. Đây là ngôi trường hiện ghi nhận có 12 du học sinh bị tước visa
ẢNH: HARVARD UNIVERSITY
"Hầu hết cán bộ trường ĐH cho biết họ không rõ lý do vì sao tình trạng cư trú hợp pháp của các sinh viên nước ngoài này bị chấm dứt, hoặc họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về những thay đổi này. Phần lớn cán bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ liên lạc nào từ cơ quan di trú", tờ này viết, cho biết thêm một số người bị tước visa từng tham gia biểu tình phản chiến hoặc các hoạt động vận động chính trị.
Một số khác thì được cho là đã phạm các "lỗi nhỏ" như lái xe quá tốc độ hoặc trong tình trạng say xỉn. Có trường hợp sinh viên bị tước visa du học do vi phạm hình sự, "mặc dù họ đã được tuyên vô tội hay vụ án đã bị bác bỏ", theo ông Peter Thomas, trợ lý phó chủ tịch phụ trách dịch vụ toàn cầu kiêm cán bộ quốc tế cấp cao của ĐH Campbellsville tọa lạc tại bang Kentucky, Mỹ.
Một điểm khác là những vụ việc bị tước visa hiện đã diễn ra ở ít nhất 29/50 tiểu bang ở Mỹ, theo thống kê ngày 10.4 của đài NBC News tại Mỹ.
Trường ĐH trong thế bị động
Tại Mỹ, nhiều trường nói họ hoàn toàn không hay biết gì về việc sinh viên của mình bị tước visa. Ví dụ, ĐH Stanford cho biết chỉ tới khi kiểm tra định kỳ cơ sở dữ liệu trên hệ thống Thông tin sinh viên và du khách trao đổi (SEVIS) của Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ, họ mới phát hiện ra có 6 du học sinh của trường đã bị tước visa. Và điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều ĐH khác.
"Tất cả các trường đều đang theo dõi sát sao cơ sở dữ liệu SEVIS của trường mình, cập nhật tình trạng cư trú của sinh viên mỗi ngày và chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, từ các cuộc đột xuất kiểm tra của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) ngay tại khuôn viên trường cho đến những thách thức pháp lý đến từ phía sinh viên", tờ Inside Higher Ed cho hay.
Học sinh Việt nghe đại diện trường ĐH Mỹ tư vấn trong một sự kiện du học tổ chức năm 2024
ẢNH: NGỌC LONG
Một hiệu trưởng ĐH yêu cầu giấu tên cho biết kể từ khi phát hiện có du học sinh bị tước visa, "gần như mỗi ngày lại có thêm một trường hợp mới".
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một số ĐH Mỹ cho biết vẫn luôn chào đón và có nhiều phương án nhằm hỗ trợ du học sinh Việt tới học. Họ cho biết trường có văn phòng riêng để hỗ trợ nhóm sinh viên quốc tế, đồng thời cho rằng "các chính sách không phù hợp sẽ bị thách thức tại tòa án". Họ cũng khuyên du học sinh Việt nên hạn chế đăng tải các nội dung "có tính chất gây tranh cãi" trước và sau khi tới Mỹ.
Theo thống kê từ ICE, năm 2023 ghi nhận tổng cộng 31.310 người Việt du học Mỹ, xếp thứ 6 về số du học sinh. Đây là lần đầu số người Việt học tập tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 sau 2 năm dưới mức 30.000. Nhưng nếu xét riêng số lượng du học sinh Việt ở các trường từ mẫu giáo tới phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 người, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và Tây Ban Nha.
Hiện bức tranh du học Mỹ đang có nhiều biến động. Trước việc nhiều người học bị tước visa, một số ĐH Mỹ khuyên du học sinh và giảng viên dù có thẻ xanh vẫn nên tránh rời Mỹ. Hàng loạt ĐH Mỹ cũng đã ngưng tuyển giảng viên, cắt giảm tuyển sinh tiến sĩ trong khi chờ tin về nguồn tài trợ từ liên bang, nhất là khi chính quyền Mỹ đang bày tỏ ý định cắt giảm hoặc tạm giữ nguồn ngân sách tài trợ cho một số ĐH hàng đầu.
Việc đóng băng tài trợ với một loạt học bổng và chương trình trao đổi hoặc khả năng áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với 43 quốc gia cũng khiến nhiều du học sinh e ngại khi chọn Mỹ. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất từ StudyPortals (Hà Lan), từ đầu tháng 1 tới đầu tháng 3.2025, số lượt quan tâm tới việc theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở Mỹ đã giảm 42%, trong đó tỷ lệ giảm mạnh nhất thuộc về nhóm sinh viên Iran, Bangladesh, Ấn Độ...
Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vài tuần trước yêu cầu viên chức lãnh sự phải chuyển một số đơn xin visa du học và visa trao đổi khách tới "đơn vị phòng chống gian lận" tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để "kiểm tra tài khoản mạng xã hội bắt buộc", tờ The New York Times dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết. Nếu có "thái độ thù địch với công dân Mỹ hoặc văn hóa Mỹ" trên mạng xã hội, đương đơn có thể bị từ chối cấp visa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/844-du-hoc-sinh-tu-hon-160-truong-my-bi-tuoc-visa-185250412145011772.htm
Bình luận (0)