Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

ADB: Kinh tế Việt Nam gia tăng sức mạnh trước những thách thức toàn cầu

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2025 tuy nhiên ADB cảnh báo những rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại toàn cầu và chính sách thuế quan mới của Mỹ.

VietnamPlusVietnamPlus09/04/2025

Các lãnh đạo ADB tại buổi công bố. (Ảnh: Vietnam+)

Các lãnh đạo ADB tại buổi công bố. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, sau khi đạt mức tăng 7,1% trong năm 2024.

Nhận định này được ADB đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) công bố ngày 9/4.

Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, báo cáo ADO tháng 4/2025 cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng và các dự báo này được tính toán trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế quan ngày 2/4.

Bán lẻ, du lịch, FDI là những điểm sáng

Các chuyên gia của ADB dự báo lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ. Trong 2 tháng đầu năm đã có gần 4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các biện pháp cấp thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá du lịch và sự công nhận của quốc tế đã thúc đẩy mức tăng trưởng này.

Việc Chính phủ tập trung vào chuyển đổi số và phát triển bền vững sẽ mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là trong các dịch vụ tài chính và bán lẻ. Tuy nhiên, ngành dịch vụ vẫn phải đối mặt với những bất ổn kinh tế toàn cầu, bất chấp các cải cách đang diễn ra. Mặc dù thuế quan toàn cầu tăng, nhu cầu đối với các hàng hóa nông sản và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp duy trì xuất khẩu.

Cũng theo chuyên gia ADB, nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% trong năm 2025. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế và thiếu hụt về cơ sở hạ tầng vẫn là những thách thức của ngành. Cải thiện năng suất thông qua công nghệ và quản lý thuế quan toàn cầu đang ngày càng tăng trong khi vẫn duy trì giá cả cạnh tranh là chìa khóa để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Doanh thu bán lẻ tăng trưởng, nhờ các biện pháp tiền tệ và tài khóa hỗ trợ. Trong tháng 2/2025, doanh số bán lẻ tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng. Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng 12% doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vào năm 2025. Tuy nhiên, 67.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2025, tăng 7,0% so với năm ngoái, phản ánh những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, bất chấp nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế của ADB cho biết lạm phát của Việt Nam được dự báo duy trì ổn định, ở mức 4% trong năm nay và nhích tăng lên 4,2% vào năm sau. Hai động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm tới vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào và doanh thu bán lẻ ổn định.

du-khach-quoc-te-tham-quan-boi-canh-phim-truong-kong-skull-island-tai-ninh-binh.jpg

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Trước khi Mỹ có chính sách thuế quan cụ thể, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho FDI. Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến yếu tố này.

"Khi yếu tố định lượng còn chưa rõ ràng, phản ứng tự nhiên của các nhà đầu tư là dừng lại đợi các quyết định mới. Việc dừng lại nghe ngóng của họ sẽ làm chậm lại tốc độ giải ngân vốn FDI," ông Hùng bình luận.

Số liệu cho thấy, doanh thu bán lẻ tương đối ổn định, giúp GDP Việt Nam tăng trưởng ổn định. Muốn kinh tế tăng trưởng đột phá, cầu nội địa cần phải được kích thích mạnh hơn nữa, ông Hùng nói thêm.

Việt Nam phải đối mặt thách thức nào?

Theo chuyên gia của ADB, căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Môi trường kinh tế toàn cầu, với xung đột thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng, có thể tác động đáng kể đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Sự quay trở lại của chính sách bảo hộ dưới thời chính quyền mới của Mỹ có thể làm giảm cầu thế giới đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là khi có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động, chịu ảnh hưởng từ các chính sách thuế của Mỹ, căng thẳng địa chính trị, bao gồm xung đột Nga-Ukraine và bất ổn tại Trung Đông. Cùng với đó là sự tăng trưởng chậm lại tại Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Những yếu tố này có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá về tác động của các biện pháp thuế quan mới do Mỹ công bố hôm 2/4 đối với Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam lưu ý rằng các con số dự báo trong báo cáo ADO đã được hoàn tất trước thời điểm Mỹ công bố những biện pháp này. Vì sự kiện vẫn đang diễn biến và chưa rõ toàn bộ chi tiết, nên hiện còn quá sớm để ước tính chính xác mức độ ảnh hưởng về định lượng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

thuysan.jpg

Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi đòn thuế của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Chakraborty cho rằng khả năng cạnh tranh tương đối của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thuế quan, mà còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện khi đánh giá ảnh hưởng của chính sách mới.

“Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn,” ông Chakraborty cho biết.

Theo các chuyên gia của ADB, tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức chính sách then chốt cho sự phát triển của đất nước. Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi.

"Nắm bắt được những hạn chế và thách thức liên quan tới việc mở rộng sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng để cải thiện lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước," lãnh đạo ADB khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/adb-kinh-te-viet-nam-gia-tang-suc-manh-truoc-nhung-thach-thuc-toan-cau-post1026667.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4
Cựu chiến binh U90 gây sốt giới trẻ khi lên TikTok kể chuyện kháng chiến
Khoảnh khắc và sự kiện: Ngày 11/4/1975 - Chiến trận ở Xuân Lộc diễn ra ác liệt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm