Phương châm “ai có gì góp nấy” được hiện thực hóa một cách sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Mỗi địa phương trong tỉnh đã phát huy tối đa nguồn lực, đoàn kết toàn dân, để hỗ trợ các gia đình trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cán bộ giúp người dân giải quyết nhanh các vướng mắc về đất đai, thủ tục giấy tờ; nhân dân góp ngày công, vật liệu; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp góp vật liệu, tài chính…
Đến giữa tháng 5-2025, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 6.773 nhà trong tổng số 6.928 nhà theo kế hoạch, đạt 97,8%. Trong đó, 4.177 nhà đã hoàn thành, 2.596 nhà đang được thi công, chỉ còn 155 nhà chưa triển khai. Các nhà chưa khởi công xây dựng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các hộ gia đình chưa có đủ nguồn vốn đối ứng để triển khai thi công và một số vướng mắc liên quan đến đất đai như chưa có giấy tờ hợp pháp, đất đang tranh chấp hoặc chưa phù hợp quy hoạch.
Cán bộ, các lực lượng và Nhân dân xã Cấp Tiến (Sơn Dương) đoàn kết, hỗ trợ tích cực trong công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, các cấp chính quyền đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn hỗ trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong việc rà soát, xử lý hồ sơ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đủ điều kiện sớm khởi công xây dựng nhà ở.
Để đạt được kết quả đó, toàn tỉnh đã chủ động các hoạt động hỗ trợ linh hoạt, đa dạng về hình thức. Kinh phí triển khai được huy động chủ yếu từ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền 50,8 tỷ đồng (trong đó quỹ cấp tỉnh 49,8 tỷ đồng, quỹ cấp huyện 1 tỷ đồng) và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với 4,523 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng chục nghìn ngày công lao động tự nguyện cũng đã được đóng góp từ các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ và người dân trong toàn tỉnh.
Chương trình không chỉ là cuộc vận động quy mô lớn về vật chất, mà còn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Ở mỗi địa phương, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân đều cùng nhau hành động với phương châm ai có gì góp nấy. Tại xã Tri Phú (Chiêm Hóa), năm 2025, có 34 hộ dân thuộc diện cần xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xã đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các khâu từ thủ tục đến thi công. Đồng thời, địa phương cũng vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật liệu, nhân công cho những hộ đặc biệt khó khăn.
Những ngôi nhà tại thôn Đầm Hồng 2, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) dần hoàn thiện nhờ sự hỗ trợ của nhân dân trong thôn.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và sát sao, đến giữa tháng 5, xã Tri Phú đã hoàn thiện 26 ngôi nhà, còn lại 8 ngôi đang được gấp rút xây dựng và dự kiến hoàn thành toàn bộ trước ngày 30-5. Bà Hà Thị Như, thôn Tiến Thành 1, xã Tri Phú, không giấu được xúc động: “Gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng nhà mới rộng hơn 40 m2, bảo đảm ba cứng. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ được sống trong một căn nhà vững chãi, sạch đẹp như thế này”.
Tại xã Năng Khả (Na Hang), địa phương đầu tiên trong huyện hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu xóa nhà tạm, UBND xã đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, mặt bằng. Các đoàn thể tích cực vận động nguồn lực, hỗ trợ ngày công, gắn việc thực hiện phương châm 3 cùng với việc giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở.
Tại huyện Yên Sơn, UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương hoàn thành thủ tục, khởi công xây dựng trước ngày 30-4. Trung đoàn 148 đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân từ khâu dọn dẹp, đào móng đến thi công. Nhờ sự đồng hành ấy, toàn huyện đã khởi công xây dựng 1.811 căn nhà đúng kế hoạch.
Tinh thần “Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có gì góp nấy” đang sôi động trong suốt quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tỉnh.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/ai-co-gi-gop-nay-212365.html
Bình luận (0)