
Sau bao năm làm nhân viên kinh doanh về thực phẩm ở TP.Hồ Chí Minh, Bùi Ngọc Phúc quyết định rời phố thị trở về quê nhà Tam Quang vào năm 2014.
Về quê, anh được người bác trao truyền lại nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình. Anh Phúc kể, ở thời điểm đó, nghề mắm truyền thống đối mặt với sức ép lớn từ nước mắm công nghiệp bởi các yếu tố nhanh, tiện, giá rẻ... Nhưng anh tin rằng, muốn làm ăn lâu dài thì phải giữ lấy cái gốc, trên nền tảng giá trị truyền thống. Hơn 10 năm gầy dựng, thương hiệu nước mắm Phúc Diễn từng bước có mặt trên thị trường.

Anh Phúc cho biết, cơ sở nước mắm Phúc Diễn mỗi năm sản xuất khoảng 10 tấn cá, cho ra đời khoảng 5.000 lít nước mắm, tất cả đều theo phương pháp thủ công truyền thống 100%.
Nguyên liệu chính để làm nước mắm là cá cơm biển được anh chọn lọc kỹ lưỡng từ Cảng cá Tam Quang và muối biển. Cá yêu cầu phải tươi, không bị bể ruột, ảnh hưởng đến chất lượng mắm. Tùy kích cỡ cá mà thời gian ủ dao động từ 6 tháng đến hơn một năm. “Từ việc lựa cá, muối cá, ủ chượp cho đến đóng chai đều không có bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào” - anh Phúc khẳng định.
Điểm đặc biệt của nước mắm Phúc Diễn là được giữ nguyên chất, không thêm đường phèn để làm dịu vị mắm như ông bà ngày xưa từng làm. Bùi Ngọc Phúc nói, ngày nay, nhiều người mắc bệnh tiểu đường nên phải giữ nguyên vị để đảm bảo ai cũng có thể dùng được, lúc sử dụng thì người dùng có thể pha lại tùy theo sở thích.
Nước mắm Phúc Diễn hiện có hai loại, gồm loại nước mắm được ủ từ cá nhỏ có giá 60.000 đồng/chai 500ml và loại được ủ từ cá lớn có giá 75.000 đồng/chai 500ml. Anh Phúc lý giải, mặc dù cá nhỏ mua vào có giá thấp hơn, ủ cho ra nước nhiều hơn nhưng hàm lượng đạm thấp nên giá bán ở mức thấp hơn. Hiện nước mắm được ủ từ cá lớn có độ đạm dao động từ 40-42 độ, cho màu cánh gián đậm hơn và thơm nồng, được nhiều khách hàng lựa chọn.
Khó khăn nhất của cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Diễn hiện nay là nguồn tài chính hạn hẹp, vốn đầu tư cho cải tạo nhà xưởng, hệ thống đóng gói còn thiếu. Cơ sở từng được Đoàn kinh tế Quốc phòng Quân khu V hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển sản phẩm, nhưng để phát triển sâu hơn, cần phải có nguồn lực lớn hơn.

Bên cạnh đó, anh Phúc cũng chia sẻ, sản phẩm chưa có chứng nhận như OCOP nên việc đưa sản phẩm vào siêu thị còn khó khăn. “Nhiều nhà phân phối yêu cầu có OCOP thì mới chịu nhập hàng. Trong khi thực tế, chất lượng vẫn là thứ quyết định khách hàng quay lại hay không” - anh Phúc trăn trở.
Dù gặp không ít cạnh tranh từ cả nước mắm công nghiệp lẫn các cơ sở truyền thống khác, nhưng anh Phúc không xem đó là trở ngại. Ngược lại, anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện Núi Thành, cùng nhau tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
“Thị trường nước mắm truyền thống đang có cơ hội vực dậy. Người tiêu dùng giờ đây quan tâm đến sức khỏe, chất lượng sản phẩm. Rất mong sự quan tâm từ chính quyền địa phương, nhất là việc tạo điều kiện để nước mắm Phúc Diễn tham gia chương trình OCOP, đến với người tiêu dùng nhiều hơn trong thời gian tới”
Anh Bùi Ngọc Phúc
[VIDEO] - Anh Bùi Ngọc Phúc chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp với nước mắm truyền thống Phúc Diễn.
Bên cạnh nước mắm, cơ sở Phúc Diễn còn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản Kỳ Hà khác như cá chuồn khô, cá chuồn tẩm ướp sấy khô, rong biển, rong xoa, rong mứt... Những sản phẩm này đều được khai thác và thu mua từ khu vực Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) giúp tăng thu nhập, tạo việc làm thời vụ cho người dân địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khoi-nghiep-voi-nuoc-mam-truyen-thong-phuc-dien-3155302.html
Bình luận (0)