Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ai sẽ giữ nhịp âm nhạc dân tộc?

(VHQN) - Nói đến sân khấu kịch dân tộc, không thể bỏ qua vai trò của âm nhạc. Âm nhạc làm sống dậy “phần hồn” của vở diễn. Thế nhưng, lực lượng làm nên “phần hồn” ấy - đội ngũ nhạc công sân khấu đang thiếu hụt trầm trọng.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam01/05/2025

8d7c995b9264213a7875(1).jpg
Lớp đào tạo tập huấn nhạc công nhạc cụ truyền thống tại Quảng Nam. Ảnh: Quế Hà

Bền bỉ với sân khấu

Trong biểu diễn sân khấu truyền thống, âm nhạc và diễn xuất không thể tách rời, nhất là với các loại hình tuồng, chèo, cải lương, bài chòi... Âm nhạc là một trong những yếu tố quyết định thành công của vở diễn.

Mỗi dàn nhạc của sân khấu truyền thống theo yêu cầu phải có từ 7 đến 10 người chơi các loại nhạc cụ dân tộc khác nhau. Mỗi nhạc cụ truyền thống lại có một đặc thù, âm hưởng cũng đặc biệt, mang những giá trị văn hóa, tâm linh, thẩm mỹ và nghệ thuật đặc trưng của dân tộc.

Nghệ sĩ Huỳnh Nhật Lệ - nguyên Trưởng đoàn Ca kịch chia sẻ, trước đây, dàn nhạc Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng có 14 nhạc công, ông là chỉ huy dàn nhạc. Trong đó, có đầy đủ nhạc cụ như organ, ghita, ghita bách, ghita phím lõm, kèn trumpet, kèn charinet, đàn nhị và bầu, đàn tranh, đàn nhị hồ, đàn tam, đàn tam thập lục… Những nhạc công để đời trong lòng khán giả như tay trống Nguyễn Thị Sinh, những nghệ sĩ lão làng Nguyễn Chi, Trần Dũng, Quốc Hộ…

Đến nay, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã 60 năm xây dựng và phát triển, nhưng số nhạc công thì rất ít. Một số nhạc công chơi được cùng lúc nhiều nhạc cụ và dành cả tuổi thanh xuân cho môn nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ sĩ Nguyễn Tình chơi được 3 nhạc cụ đàn bầu, nhị và ghita phím lõm; còn Phạm Ngọc Tân - đàn organ; Lê Văn Ngọc Huy chơi trống; Bùi Khắc Huy - đàn nguyệt; Lê Thị Vui và Nguyễn Thành - đàn tranh… Người chơi đàn nhị lại phải biết thổi kèn, đánh trống, ngược lại, người đánh trống phải biết thổi kèn…

Nghệ nhân Nguyễn Tình là nhạc công dày dặn kinh nghiệm của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, đã có hơn 30 năm gắn bó với loại hình ca kịch Bài chòi.

Anh chia sẻ: “Có thật sự yêu nghề mới theo đuổi công việc này, bởi thu nhập thấp, việc xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ, xét duyệt huy chương tại các hội diễn... cho những nhạc công chưa nhiều, nhưng những nhạc công chúng tôi vẫn ở lại với nghề, chỉ để thỏa niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống”.

Tìm người kế thừa

Đoàn Ca kịch Quảng Nam hiện có dàn nhạc công tuổi đời còn rất trẻ, tốt nghiệp đại học âm nhạc như Khắc Huy - đàn nguyệt, Lê Thị Vui - đàn tranh. Học hành gần chục năm để có nghề, rồi chỉ nhận mức lương theo hệ số nhà nước rất thấp. Nhưng lỡ yêu nghề, nên họ không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức từ những người đi trước, làm nghề nghiêm túc, chấp nhận hoạt động sự nghiệp thiếu thốn tiền bạc.

z6529441567763_ee347c0b2533afbaba11f6b30f766f2.jpg
Đoàn Ca kịch Quảng Nam trong một buổi tập luyện cho vở diễn mới. Ảnh: Nguyễn Minh Bá

Ở Hội An, về đêm có nhiều điểm dừng chân trên phố cổ tổ chức biểu diễn âm nhạc dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt... góp phần thu hút khách du lịch. Từ đây, có lẽ sẽ khiến người dân và du khách hiểu thêm về nhạc cụ dân tộc và nhạc công cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập.

Nghệ sĩ Nguyễn Tình hiện tham gia lớp giảng dạy về nhạc cụ dân tộc cho nhiều địa phương trong tỉnh. Anh nói, theo trào lưu, các bạn trẻ thường chọn học nhạc điện tử, vì nhạc điện tử dễ học hơn, còn nhạc cụ dân tộc thì học khá lâu, khán giả kén chọn. Vì vậy, người theo đuổi nhạc cụ dân tộc đòi hỏi phải kiên trì và đam mê nhiều hơn.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, quy định các nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc… tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm kế thừa, phát huy, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống trong thời kỳ mới.

Với Quảng Nam, trước thực trạng thiếu hụt nhạc công nhạc cụ dân tộc, nên chăng cần tổ chức khóa học truyền dạy nhạc cụ dân tộc đệm hát Bài chòi để bổ sung lực lượng cho bộ môn nghệ thuật này.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/ai-se-giu-nhip-am-nhac-dan-toc-3153955.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm