
Khi chiêng trống biết gọi nhau
“Tiếng chiêng và trống vừa gọi nhau, vừa đối đáp nhau theo cách đánh nhịp một và nhịp đôi xen kẽ, sau đó cả dàn cồng chiêng nổi lên hòa quyện. Trong hòa quyện, ta nghe rõ các trống Chơ-Gơr khi thì đánh đồng phách với nhau”. Một cán bộ công tác lâu năm ở huyện Hiên (cũ) từng giảng giải về “những âm thanh đầy ắp” của dàn cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu, và được nhạc sĩ Thái Nghĩa kể lại trong công trình nghiên cứu về nghệ thuật cồng chiêng Cơ Tu công bố hồi năm 2001. “Đó chính là chiêng cồng báo hiệu làng đang bước vào một lễ hội lớn và vui”, vị cán bộ ở huyện Hiên (cũ) nói thêm.
“Lễ hội lớn và vui” - chính là lễ hội có cảnh đâm trâu. Còn nếu dàn hòa tấu mà thiếu đi tiếng cồng giọng trầm, thì lễ hội quy mô nhỏ hơn, chỉ có thịt heo mà không có đâm trâu… “Cồng chiêng có tiếng nói riêng của từng loại, và sinh hoạt cồng chiêng cho thấy rõ tính tổ chức và bộc lộ biểu tượng mang tính cộng đồng”, nhạc sĩ Thái Nghĩa đúc kết.
Để “mổ xẻ” thật trọn vẹn tiếng cồng chiêng ấy, từ năm 1979 nhạc sĩ Thái Nghĩa đã khởi sự sưu tập âm nhạc cồng chiêng và dân ca ở vùng tây Quảng Nam. Tiếp xúc với các nghệ nhân, cẩn trọng ký âm và kiểm chứng, nhạc sĩ Thái Nghĩa nhận ra đặc trưng, đặc tính và mối liên quan của cồng chiêng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu.
“Hằng năm đồng bào Cơ Tu thường tổ chức nhiều lễ hội. Và nếu như mỗi lễ hội ứng với một chu kỳ lao động sản xuất nương rẫy, thì mỗi lễ tiết của lễ hội cũng đều phải có luật hòa tấu cồng chiêng thích ứng với các lễ tiết đó”, nhạc sĩ Thái Nghĩa nhận định. Đơn cử với lễ hội ăn trâu huê, các nghệ nhân phải tuân thủ 5 phần lễ tiết khi đánh cồng chiêng…
Đừng tưởng tiếng cồng chiêng vô hồn giữa đại ngàn. Tâm sự của dân làng được gửi cả vào đấy, người ở xa nghe tiếng vẫn đủ cảm nhận được, như hòa tấu cồng chiêng của “lễ hội lớn và vui”. Tâng tung da dá, tức vũ điệu dâng trời, cũng vậy. Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt từng nhìn ra, rộn trong tiếng cồng chiêng đang bắt nhịp trước gươl làng, những thiếu nữ Cơ Tu dang đôi tay trần biểu lộ sự chống đỡ bốn phía, trong khi đôi chân bám chặt mặt đất. Không rời, giống với chữ “pếc” (mình, của mình) trong tiếng Cơ Tu. Núi rừng này, đất này là của mình…
.jpg)
Điệu tiết cuộc sống “thúc giục” tiết điệu âm nhạc
Ở phía biển, những mối liên quan giữa âm nhạc dân gian và lễ hội truyền thống xứ Quảng càng rõ nét.
TS. Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Sư phạm Huế) từng đúc kết, lễ hội cổ truyền của người Việt ở Quảng Nam duy trì những hình thức văn học dân gian nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình độc đáo. Càng độc đáo khi nhận ra đấy là vùng văn hóa giao thoa của các yếu tố cảnh quan môi trường (rừng núi - đồng bằng - sông biển) và hội nhập (Việt - Hán - Chăm - phương Tây).
Ông liệt kê trong lễ hội cổ truyền của người Việt ở Quảng Nam, ngoài các nghi lễ tôn giáo còn có ít nhất 7 cụm hội vui và trò chơi dân gian. Trong số đó, có các loại hình âm nhạc dân gian quen thuộc như hát bả trạo (lễ hội cầu ngư, lễ tế cá Ông), hát sắc bùa (lễ tết), bài chòi (phổ biến trong lễ tết và lễ khai sơn), tuồng (lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội khai sơn)…
Hơn 10 năm trước, tôi có dịp nghe nhạc sĩ Xa Văn Hùng chia sẻ câu chuyện ông đeo đuổi nhiều năm để ký âm bản “Kéo neo nhịp lơi” và dịch bản tuồng “Long thần bả trạo ca” dài đến 62 trang nguyên bản Hán - Nôm. Khi diễn tả lại hành trình sưu tầm, dịch thuật kịch bản tuồng “Long thần bả trạo ca”, vị chỉ huy kiêm nhạc công của 3 đội bả trạo ở Thăng Bình, Hội An ấy đúc kết: Hát bả trạo không chỉ gói gọn trong hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà là sinh hoạt mang tính chất tâm linh tín ngưỡng của ngư dân…
Cũng theo phân tích của nhạc sĩ Xa Văn Hùng, kịch bản hát bả trạo đang lưu truyền ở Quảng Nam thường có 3 phần cơ bản: ra khơi, bủa lưới; thuyền gặp nạn trên biển và nhờ Ông cứu giúp; ca ngợi ân đức của Ông luôn phù hộ độ trì cho dân vạn. Đọc lại, chúng ta nhận ra dường như chuyện nghề trên sông nước vừa được “copy” trọn vẹn lên câu hát điệu múa, từ đó làm nên tuồng nên tích trong các kỳ lễ hội cầu ngư, lễ tế cá Ông.
Riêng về mặt âm nhạc, hát múa bả trạo tổng hòa cả lối tán tụng của các sư sãi, có lối nói lối (kể) của hát bội, lại có hò Quảng, hô bài chòi, hò đưa linh, hò khoan, hò đua thuyền, ngâm thơ điệu Huế… Giáo sư Trần Quốc Vượng từng có nhận định khác, rất thú vị: hát múa bả trạo có tính chất một đàn tràng Mandala của nghi thức lễ cúng Phật giáo, bởi có bài cúng chất chứa tinh thần nhân đạo cao cả, sâu rộng đến cả thập loại chúng sinh. Không chỉ có bả trạo mà mở rộng ra với hát sắc bùa, bài chòi, tuồng…, điệu tiết của cuộc sống bên ngoài đã hòa quyện và “thúc giục” tiết điệu trong âm nhạc, để tổng hòa thành lễ hội.
Phía đại ngàn, nếu cồng chiêng và trống Chơ-Gơr biết gọi nhau để khách phương xa nhận ra rằng đang có lễ hội lớn (đâm trâu), thì phía biển, các làn điệu quen thuộc cũng kết dính nhau để hợp thành một lễ hội. Như câu hát trong “Khát vọng” của Thuận Yến, nhạc sĩ gốc Quảng, “Gửi tình yêu vào đất/ được hoa trái đầy cành…”, một khi đã gửi âm nhạc dân gian vào lễ hội, cộng đồng sẽ có được thanh âm và sắc thái văn hóa bản địa từ đời sống.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gui-am-nhac-dan-gian-vao-le-hoi-3153958.html
Bình luận (0)