Âm nhạc lay động triệu con tim
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật. Những giai điệu viết về Bác không những truyền tải lý tưởng cách mạng mà còn phản ánh sinh động tình cảm nồng hậu của nhân dân dành cho Người.
Các ca khúc Trông cây lại nhớ đến Người, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó hay Bác đang cùng chúng cháu hành quân đã trở thành những bản hùng ca khắc sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ. Đặc biệt, nhạc phẩm Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một dấu ấn nghệ thuật vượt thời gian. Sức sống mãnh liệt của ca khúc không đơn thuần nằm ở giai điệu hào hùng mà còn ở lời ca giản dị, chân thành, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam, khẳng định một chân lý: mọi thắng lợi của dân tộc đều có bóng dáng và sự dẫn dắt của Bác.
Với hơn nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, NSND Thanh Hoa luôn dành trọn trái tim và lòng biết ơn sâu sắc khi thể hiện các ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Bác Hồ một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến là bài hát gắn liền với tên tuổi bà. NSND Thanh Hoa chia sẻ, với nghệ sĩ, hát về Bác không chỉ là biểu diễn nghệ thuật, mà là một cách tri ân, là lời cảm tạ sâu sắc của người nghệ sĩ trước một con người vĩ đại.
Tạc chân dung Bác qua những khối màu
Ngoài âm nhạc, hội họa và điêu khắc cũng là những lĩnh vực giàu sức biểu cảm, thể hiện sinh động chân dung và tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao nghệ sĩ đã dành trọn tâm huyết để khắc họa hình ảnh Người qua tranh vẽ, tượng đúc, tranh lụa, sơn mài, khắc gỗ… Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ: “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạm đến trái tim của biết bao nghệ sĩ, khơi nguồn cảm hứng vô tận để họ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tình cảm chân thành và lòng kính trọng sâu sắc”.
Những bức tranh, tượng về Bác không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là lời nhắc nhở, nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ mai sau về lòng yêu nước, tinh thần kiên cường và sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc. Gương mặt hiền từ, ánh mắt sâu lắng, nụ cười bao dung trong tranh Chân dung Bác Hồ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện không chỉ là một bức họa mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc về nhân cách cao đẹp của Người. Tương tự, nhiều tác phẩm còn tái hiện các khoảnh khắc lịch sử đầy ý nghĩa như Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập của Nguyễn Dương, hay Mùa xuân Bác về Pác Bó, gợi nhớ một thời gian khó nhưng tràn đầy khí chất lạc quan của Người giữa núi rừng Việt Bắc.
Ngoài biên giới quốc gia, những góc nhìn mới mẻ nhưng đầy trân trọng từ các nghệ sĩ quốc tế như David Thomas (Hoa Kỳ) hay Lee Sang Phil (Hàn Quốc) tiếp tục khẳng định tầm vóc toàn cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù khác biệt về chất liệu và phong cách, tất cả đều chung một mạch cảm xúc thiêng liêng: tôn vinh một con người đã sống trọn đời vì nước, vì dân và để lại dấu ấn bất diệt trong tâm hồn dân tộc. Và dấu ấn ấy, một lần nữa được tái hiện đầy xúc động qua lăng kính điện ảnh.
Nhiều ấn phẩm giá trị ra mắt độc giả
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025), nhiều ấn phẩm giá trị đã được ra mắt.
Nổi bật trong số đó là bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ gồm 5 tập. Mỗi tập sách là một giai đoạn trong hành trình vươn mình ra thế giới của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, từ quê nhà Nghệ An đến các chân trời cách mạng, rồi trở về lãnh đạo dân tộc giành độc lập và dựng xây đất nước. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Tôi không thần thánh hóa Bác mà chỉ muốn khắc họa trung thực chân dung Bác là một người Việt giản dị có trái tim yêu nước, tiếp xúc được với những tư tưởng lớn của thời đại”.
Dịp này, NXB Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu các tác phẩm mới về Bác, như: 79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch, tập hợp những mẩu chuyện ngắn từ những người từng tiếp xúc với Bác trong những năm cuối đời; Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội, giúp người đọc hình dung rõ nét không gian sống giản dị, thanh bạch mà tràn đầy trí tuệ, đạo đức của Bác; bộ sách Phong cách Hồ Chí Minh, nguồn tài liệu quý cho công tác nghiên cứu và học tập theo gương Bác; Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo, mang lại những cảm nhận xúc động về sự lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh nơi ngục tù khắc nghiệt.
Đặc biệt, độc giả Việt Nam lần đầu tiên được tiếp cận ấn phẩm hiếm: Hồ Chí Minh - Một con người và một dân tộc, bản dịch từ một cuốn sách từng xuất bản tại Italy năm 1968. Cuốn sách truyện tranh này là minh chứng cảm động cho sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS-TS Đinh Quang Hải đánh giá: “Cuốn sách có cách tiếp cận mới, dữ liệu phong phú, được biên soạn công phu, nghiêm túc, đặc biệt hữu ích trong giáo dục thế hệ trẻ”.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bac-ho-nguon-cam-hung-bat-tan-cho-van-hoc-nghe-thuat-post796664.html
Bình luận (0)