-Xin chào ngài Lazare Eloundou Assomo, cảm ơn ngài đã đồng ý nhận lời phỏng vấn của phóng viên Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Tôi được biết, năm 2023 ngài đã đến Hạ Long và đây là lần thứ 2 ngài quay lại Vịnh Hạ Long, ngài cảm thấy như thế nào?
+Tôi rất vui khi được quay trở lại vùng đất xinh đẹp này. Hai năm trước, tôi đã cùng phái đoàn của UNESCO đến đây và làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan quản lý Vịnh Hạ Long. Thời điểm đó, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường, công tác quản lý, bảo tồn Di sản Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh. Có thể thấy, từ khi được công nhận Di sản đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực để bảo tồn, phát huy tốt giá trị độc đáo riêng có của Vịnh Hạ Long. Đây là điều hết sức đáng quý, bởi Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản của riêng Việt Nam, mà còn là di sản của cả thế giới.
Lần này quay trở lại, tôi rất vui mừng vì những đề xuất khuyến nghị trước đó của chúng tôi đã được địa phương nỗ lực giải quyết. Nhất là trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn khách quan nhưng Quảng Ninh vẫn khắc phục và thực hiện tốt các đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra.
-Vậy sau khi đi tham quan và khảo sát trên Vịnh Hạ Long, ngài có đánh giá cụ thể gì về sự nỗ lực của Quảng Ninh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long?
+Như tôi đã chia sẻ, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long. Được đến tham quan và khảo sát các điểm đảo chính là cách tốt nhất để đánh giá một cách chân thực, công bằng những nỗ lực của địa phương. Các vấn đề về giám sát, bảo vệ môi trường, quản lý tàu thuyền đang được thực hiện rất tốt. Tôi được biết tiêu chuẩn của các tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long đang cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam, điều đó thực sự là một nỗ lực và sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Tuy nhiên, những yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, ảnh hưởng của con người luôn thường trực, đòi hỏi các địa phương sở hữu Di sản phải luôn luôn hành động, duy trì mọi biện pháp để bảo tồn trọn vẹn mọi giá trị của Di sản, là tài sản quý giá cho thế hệ sau.
- Để Quảng Ninh làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Trung tâm Di sản thế giới sẽ đồng hành và hỗ trợ như thế nào cùng với tỉnh Quảng Ninh, thưa ngài?
+Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để cùng Quảng Ninh cũng như Việt Nam quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các Di sản. Tôi muốn khuyến khích người dân ở những vùng có Di sản tiếp tục ủng hộ bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, vốn là những minh chứng cho cho thương hiệu nhận diện của vùng đất đó. Tôi cho rằng việc tôn vinh những giá trị đó là rất quan trọng, vì bảo tồn di sản góp phần vào phúc lợi của người dân, góp phần vào sự phát triển của chính Quảng Ninh và Việt Nam.
Trung tâm Di sản thế giới sẽ luôn đồng hành và ủng hộ Quảng Ninh trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và cam kết tiếp tục tư vấn, hỗ trợ về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
- Ngày 21/5/2025, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”. Vậy ngài nhận thấy Quảng Ninh đang thực hiện vấn đề này như thế nào?
+Tại hội thảo, tôi đã được nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu về những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc phát huy vai trò của cộng đồng bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong đó, tỉnh xây dựng đã triển khai bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", quy tắc ứng xử người Quảng Ninh, quy tắc ứng xử "Nụ cười Hạ Long". Trong các bộ quy tắc ứng xử đó, cộng đồng địa phương có vai trò tích cực trong bảo vệ các giá trị di sản và tham gia tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long một cách hài hòa, phù hợp; ưu tiên bảo vệ di sản song hành với công tác bảo tồn, khai thác, phát huy bền vững các giá trị của Di sản thế giới. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa làng chài của ngư dân trên vịnh Hạ Long kết hợp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, tập tục sinh hoạt và nghệ thuật dân gian.
Có thể thấy, đây là sự gắn kết rất chặt chẽ và đầy trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ Di sản. Cộng đồng chính là yếu tố trung tâm, quyết định trong công tác bảo tồn. Đặc biệt, theo cá nhân tôi, các bạn cần chủ động, nhấn mạnh và tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến thế hệ trẻ, vì đây chính là “nhân tố quan trọng” quyết định sự tồn tại của Di sản.
-Ngài có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản?
+Thế hệ trẻ chính là những người kế cận, tiếp nối, thụ hưởng các giá trị của Di sản. Họ sẽ thay thế chúng ta thực hiện những nhiệm vụ này. Họ sẽ đưa ra các chính sách, chính họ sẽ hành động, hoặc là bảo vệ hoặc là phá hủy nó. Vì vậy, ngay từ bây giờ, không chỉ tại Quảng Ninh mà ở bất cứ nơi đâu cũng cần tuyên truyền, giáo dục và định hướng cho thế hệ trẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thế giới. Thế hệ trẻ cần ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thông qua việc tuyên truyền, quảng bá Di sản; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; đưa ra các sáng kiến hữu ích…
Họ sẽ không chỉ được biết, hiểu, tự hào về những giá trị độc đáo của Di sản của quê hương mình mà còn cả Di sản của nhân loại. Khi đã có nhận thức, họ sẽ hành động, và hành động đó chính là hành động vì tương lai của chính họ và các thế hệ tiếp theo.
-Thưa ngài, hiện nay tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đang nỗ lực để hoàn thiện đưa Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản thế giới. Trung tâm Di sản thế giới đồng hành như thế nào cùng các địa phương để thực hiện nội dung này?
+Thông qua các cuộc tiếp kiến với Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đoàn công tác của Trung tâm Di sản Thế giới đã được cung cấp những thông tin rất quan trọng về giá trị của Yên Tử đối với người dân Quảng Ninh và người dân Việt Nam nói chung. Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” cũng đã được xây dựng rất công phu với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc quần thể này được công nhận là Di sản Thế giới trong kỳ họp tới đây của UNESCO là rất khả quan.
Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục phát huy các giải pháp nhằm cân bằng giữa phát triển và bảo tồn đối với các di sản đã được triển khai rất hiệu quả trong thời gian qua.
-Xin trân trọng cảm ơn ngài!
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-la-mot-trong-nhung-dien-hinh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-can-duoc-chia-se-rong-rai-3359535.html
Bình luận (0)