Nước ta đã đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp bán dẫn thông qua nhiều nghị quyết với những chính sách đặc thù và cụ thể. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam), Chủ tịch Ủy ban Phát triển Công nghiệp bán dẫn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT ví bán dẫn là “lương thực của kỷ nguyên số - như gạo với Hàn Quốc”, còn AI là “năng lượng chiến lược mới - như dầu khí trong tương lai” và nhấn mạnh: “Ngành bán dẫn đang mở ra chương mới cho Việt Nam với những cơ hội vàng để bứt phá, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường”.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm Công ty Micro Commercial Components Việt Nam (M.C.C), Khu công nghiệp Yên Phong II-C. |
Nền móng vững vàng
Sớm xác định tầm quan trọng cũng như đón bắt cơ hội trên, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - các trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước đã chú trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn, AI. Trong đó, Bắc Giang mới nổi lên là “tân binh” tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đã tập trung cao để trở thành “cứ điểm” bán dẫn. Nhờ chính sách thông thoáng với phương châm “2 ít, 3 cao”, đó là sử dụng ít đất, ít lao động nhưng mang lại giá trị gia tăng cao, vốn đầu tư cao và công nghệ cao, hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong chuỗi sản xuất chất bán dẫn, AI chọn nơi đây dừng chân.
Bước ngoặt từ năm 2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (Hàn Quốc) là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đã đầu tư dự án 643 triệu USD tại tỉnh. Đến nay có thêm Công ty trách nhiệm hữu hạn SiFlex Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư 299 triệu USD, Công ty trách nhiệm hữu hạn Synergie Cad Việt Nam (Pháp) 21,2 triệu USD... Năm 2024, giá trị sản xuất của 3 đơn vị này đạt 23 nghìn tỷ đồng và dự báo tăng trưởng 30%/năm từ nay đến năm 2030. Môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn đã thu hút các tập đoàn sản xuất bán dẫn, AI lớn trên thế giới rót vốn vào Bắc Giang.
Tỉnh xác định, công nghiệp công nghệ cao, trong đó có bán dẫn, AI là trụ cột phát triển đột phá, dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh lợi thế về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốp đầu cả nước, dư địa lớn, Bắc Giang còn tiềm năng về nguồn nhân lực. Dân số của tỉnh khoảng 2 triệu người, trong đó hơn 60% ở độ tuổi lao động. Tỉnh có kế hoạch đào tạo với mục tiêu đến năm 2030 hỗ trợ cho 3.000 nhà giáo, sinh viên trình độ đại học, trên đại học và khoảng 2.500 lao động học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, AI… Tỉnh đang xúc tiến thành lập Trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Mới đây, UBND tỉnh và Công ty cổ phần FPT (Tập đoàn FPT) còn ký hợp tác phát triển, trong đó doanh nghiệp này cam kết hỗ trợ tỉnh đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, AI...
Tỉnh Bắc Ninh (cũ) có 21 khu công nghiệp tập trung với diện tích hơn 8,2 nghìn ha. Bắc Giang có 17 khu, quy mô gần 3,8 nghìn ha, dự kiến đến năm 2030 có 29 khu với diện tích khoảng 7 nghìn ha. Việc sáp nhập tỉnh hình thành “thủ phủ công nghiệp” lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư. |
Tại Bắc Ninh (cũ) - một trong những trung tâm công nghiệp của Việt Nam, là nơi sản xuất điện tử hàng đầu cả nước với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như: Samsung, Canon, Foxconn, Goertek, Luxshare… Thành công đó tạo nền tảng để tỉnh chuyển mạnh mẽ sang lĩnh vực bán dẫn, AI giá trị cao hơn. Từ năm 2022, Bắc Ninh (cũ) đã định hướng đưa bán dẫn trở thành một trong những trụ cột phát triển công nghệ cao. Cuối năm 2023, Tập đoàn Amkor (Hoa Kỳ-Hàn Quốc) quyết định đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn với tổng số vốn đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, định hướng trở thành trung tâm sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất của Tập đoàn.
Nhờ chính sách hấp dẫn, tỉnh còn được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của thế giới xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Ví như: Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) với dự án hơn 800 triệu USD nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh bảng mạch có độ chính xác cao; Công ty TNHH Micro Commercial Components Việt Nam (Singapore) xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn, mục tiêu trở thành doanh nghiệp tốp 10 thế giới… Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục đặt niềm tin vào sự phát triển ở đây, minh chứng rõ nét về sức hút của địa phương này với các nhà đầu tư quốc tế.
Có bề dày kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã chủ động đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới, nhất quán mô hình “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” (ít đất, ít sử dụng lao động; vốn đầu tư FDI cao, công nghệ cao, hiệu quả cao; sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cơ chế, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn) mang lại hiệu quả rõ nét. Tỉnh còn xúc tiến thành lập khu nghiên cứu đổi mới sáng tạo bán dẫn và AI.
Đặc biệt, Bắc Ninh (cũ) là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài cho ngành công nghiệp bán dẫn với yêu cầu trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt. Đây cũng là lời cam kết của tỉnh nhằm tạo ra lợi thế đối với sự phát triển của ngành công nghiệp mũi nhọn này, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cơ hội rộng mở
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau khi sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh, công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh như “đại bàng vươn cánh”, mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn, AI của cả nước, vươn tầm Đông Nam Á càng rõ nét hơn. Không chỉ tập trung chủ yếu vào mảng đóng gói, kiểm định (khâu sau cùng trong chuỗi sản xuất bán dẫn) mà còn hướng tới phát triển toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn, bao gồm thiết kế vi mạch, sản xuất thiết bị hỗ trợ, nghiên cứu vật liệu mới, phát triển phần mềm điều khiển và ứng dụng AI trong sản xuất bán dẫn với những kết nối, cam kết, dự án thu hút nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trong nước và trên thế giới ở lĩnh vực này.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty Hosiden Vina (Khu công nghiệp Quang Châu). Ảnh: Đỗ Quyên. |
Để nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu trên đòi hỏi hạ tầng công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện; có nhiều đổi mới sáng tạo hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch, bán dẫn; ban hành chính sách thu hút đầu tư đặc thù; rà soát và bổ sung ưu đãi về cơ chế hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; kiên trì tìm kiếm cơ hội tham gia sâu vào các khâu để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất vi mạch.
Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, khi hợp lực, Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng cũng như quy mô kinh tế trong nhóm dẫn đầu cả nước, hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn diện hơn, dư địa phát triển rất lớn. Hệ thống hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, kết nối chặt chẽ với những vùng công nghiệp lớn phía Bắc. Các tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 1A, đường Vành đai 4, các quy hoạch trọng điểm như sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) hay các trung tâm logistics tại Bắc Giang sẽ là bệ phóng quan trọng. Rõ ràng, từ kinh nghiệm quý trong thu hút đầu tư, nhất là FDI và sự năng động, nhạy bén với xu thế phát triển công nghệ cao của đất nước và thế giới, chắc chắn ngành công nghiệp bán dẫn, AI của Bắc Ninh sẽ nhanh chóng bứt tốc.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/huong-toi-trung-tam-ban-dan-ai-cua-viet-nam-postid420998.bbg
Bình luận (0)