Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bác sĩ: Tránh uống nước trong, ngay sau bữa ăn

Uống nước trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn có thể làm loãng dịch tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/05/2025

Uống nước không đủ và không đúng cách có hại gì?

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, theo y học cổ truyền, uống nước không chỉ là giải khát, mà còn là cách nuôi dưỡng tạng phủ, điều hòa âm dương, bảo vệ tân dịch - yếu tố quan trọng giữ cho cơ thể khỏe mạnh và thích nghi với thời tiết. 

Tân dịch tức các loại dịch thể trong cơ thể, là phần tinh túy của nước uống và thức ăn, giữ vai trò nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, làm mát, trơn nhuận cơ thể. Khi không uống đủ nước, tân dịch hao tổn, dễ gây khô họng, khát liên tục, nhiệt miệng, hoa mắt, chóng mặt, dễ say nắng.

Khi uống quá ít nước hoặc uống sai cách sẽ gây ảnh hưởng rối loạn chức năng tỳ vị. Từ đó có thể dẫn đến hệ quả như ăn không ngon, tiêu hóa kém, phân lỏng hoặc khô cứng, chán ăn, mệt mỏi kéo dài.

Bác sĩ: Tránh uống nước trong, ngay sau bữa ăn- Ảnh 1.

Tránh uống nước trong khi ăn, ngay sau bữa ăn hoặc khi dạ dày còn quá đầy

ẢNH: LÊ CẦM

Thời tiết nóng ẩm, nếu không bổ sung nước đủ và đúng cách sẽ dễ gây phát sốt, đau đầu, say nắng thậm chí đột quỵ do nắng.

Vậy như thế nào là uống nước đúng và đủ?

Tránh uống nước trong khi ăn, ngay sau bữa ăn hoặc khi dạ dày còn quá đầy: Uống nước trong khi ăn hoặc ngay sau bữa ăn có thể làm loãng dịch tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Thay vào đó, nên chờ khoảng 30 phút sau bữa ăn mới uống nước. Cách này giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn và duy trì sự cân bằng thủy dịch trong cơ thể.

Uống rải rác trong ngày, không chờ khát mới uống: Thay vì uống một cốc lớn một lần, hãy uống nước từng ngụm nhỏ (khoảng 150-200 ml mỗi lần) và chia đều suốt cả ngày. Cách này giúp cơ thể hấp thu từ từ, không gây sốc cho hệ tiêu hóa và đảm bảo lượng nước cần thiết được bảo tồn theo thời gian.

Ăn một quả chuối buổi tối giúp hỗ trợ tim mạch

Dùng nước ấm hoặc nước đun sôi để nguội, tránh nước đá lạnh: Theo y học cổ truyền, nước giúp thanh nhiệt và bôi trơn cơ thể. Uống nước ấm (khoảng 20-30°C) giúp cơ thể dễ hấp thu, không làm co thắt các cơ quan bên trong như khi đột ngột uống nước quá lạnh, tránh làm mất cân bằng âm dương. Điều này đặc biệt quan trọng với người cao tuổi vốn hệ tiêu hóa kém mạnh và trẻ nhỏ uống lạnh dễ gây hại tỳ vị.

Nên bắt đầu ngày mới với một ly nước ấm: Sau một đêm dài, cơ thể đã mất nước qua hơi thở và mồ hôi. Tỳ vị được ví là bếp lò của cơ thể, uống nước lạnh vào đầu giống như tạt nước vào tắt bếp lò vậy. Một ly nước ấm vào buổi sáng không chỉ giúp bù đắp lượng nước bị mất mà còn kích thích tiêu hóa, tạo môi trường thuận lợi cho sự lưu thông khí huyết và cân bằng âm dương trong cơ thể, giúp chuẩn bị hệ tiêu hóa khởi động đón chào ngày mới.

Bác sĩ: Tránh uống nước trong, ngay sau bữa ăn- Ảnh 2.

Nên uống nước rải rác trong ngày, không chờ khát mới uống

ẢNH: LÊ CẦM

Lưu ý liều lượng phù hợp với thể trạng

Bác sĩ Thủy cho biết, việc duy trì lượng nước ổn định sẽ giúp phòng tránh các rối loạn như mất cân bằng điện giải, kéo theo rối loạn tiêu hóa hay mệt mỏi. Người cao tuổi cần hạn chế uống quá nhiều nước một lúc vì cơ thể họ kém linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lượng dịch. Người cao tuổi thường bị thận khí suy, tỳ vị yếu, nên uống nước ấm, uống từng ngụm nhỏ, tránh uống buổi tối muộn gây tiểu đêm.

Trẻ nhỏ cũng nên uống từ từ, tránh uống nhanh, do chức năng tạng phủ còn non trẻ, nên dùng nước ấm hoặc nước nguội nhẹ, không dùng nước đá lạnh hay nước mát quá nhiều. Ưu tiên nước từ canh, cháo, trái cây tự nhiên. Người thể hàn (bụng yếu) nên uống nước ấm, có thể pha thêm lát gừng.

Người thể nhiệt (hay nóng, nhiệt miệng) nên uống nước mát như nước rau má, bí đao, hoa cúc… Ngoài ra, có thể chọn một số loại nước có tính thanh nhiệt, dưỡng âm, sinh tân ví dụ như nước đậu đen rang, nước râu ngô, nước sắn dây, nước hoa cúc, canh rau, trái cây mọng nước giúp làm mát từ bên trong.

"Việc duy trì thói quen uống nước đúng cách sẽ giúp cơ thể trừ nhiệt, giải độc và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới nhiệt độ cao. Do đó cần chú ý uống nước với lượng đủ và đúng cách", bác sĩ Thủy chia sẻ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-tranh-uong-nuoc-trong-ngay-sau-bua-an-185250506153615335.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm