Bán dẫn Mỹ ngồi trên đống lửa vì 1 "thông báo khẩn"
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) mới đây đã phát đi một “thông báo khẩn”, thay đổi cách xác định xuất xứ đối với các sản phẩm mạch tích hợp (IC), trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng.

Động thái này được cho là có thể mang lại lợi thế đáng kể cho các công ty bán dẫn trong nước, đồng thời làm suy yếu nỗ lực tái công nghiệp hóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, ngày 11/4, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) đã phát đi một “thông báo khẩn” tới các thành viên thông qua ứng dụng WeChat.
Trong đó, CSIA trích dẫn quy định mới từ cơ quan hải quan Trung Quốc, nêu rõ rằng kể từ nay, xuất xứ của chip sẽ được xác định dựa trên “vị trí nhà máy chế tạo wafer”.
Đây là một công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, bên cạnh thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Theo quy định mới, bất kể chip đã được đóng gói hay chưa, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp phải khai báo địa điểm chế tạo wafer làm xuất xứ hàng hóa.
Trước đó, cách xác định xuất xứ thường dựa vào “quy trình lắp ráp hoặc chuyển đổi cuối cùng”, tức quốc gia nơi sản phẩm hoàn thiện được lắp ráp sẽ được ghi nhận là nơi xuất xứ. Mỹ hiện cũng đang áp dụng cách tính này.
Việc Trung Quốc điều chỉnh định nghĩa xuất xứ sản phẩm đối với chip bán dẫn được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà phát triển bán dẫn ưu tiên xử lý sản phẩm tại các xưởng đúc trong nước như SMIC, Hua Hong, hoặc tại các cơ sở thuộc TSMC – đối tác gia công lớn đang có mặt tại Trung Quốc.
Theo báo cáo từ công ty tư vấn ICWise, thay đổi này có thể tạo ra những tác động đáng kể đối với ngành bán dẫn Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc – thị trường tiêu thụ IC lớn nhất thế giới – có xu hướng hạn chế tiếp nhận các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.
Điều này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy ngoài lãnh thổ Mỹ nhằm duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Hệ quả là mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump – với trọng tâm là hồi phục sản xuất trong nước – có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông He Hui – Giám đốc nghiên cứu mảng bán dẫn tại Omdia – tác động thực tế của quy định thuế quan có thể không quá nghiêm trọng, do phần lớn chip nhập khẩu vào Trung Quốc hiện không được sản xuất hoặc vận chuyển trực tiếp từ Mỹ.
Theo thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, nước này đã nhập khẩu lượng mạch tích hợp (IC) trị giá 386 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Bản cảnh cáo Google
Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) vừa gửi lệnh đình chỉ đến Google vì hành vi phản cạnh tranh liên quan đến dịch vụ tìm kiếm trên thiết bị Android.

Trong tuyên bố, JFTC cho biết Google vi phạm luật chống độc quyền của Nhật Bản khi yêu cầu nhà sản xuất thiết bị Android ưu tiên các ứng dụng, dịch vụ tìm kiếm của mình thông qua thỏa thuận cấp phép.
Theo luật chống độc quyền của Nhật Bản, doanh nghiệp bị cấm thực hiện điều khoản hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đối tác.
JFTC lần đầu công bố khởi động điều tra Google vào ngày 3/10/2023. Tháng 4/2024, Ủy ban chấp thuận kế hoạch cam kết từ Google, giải quyết một số lo ngại phản cạnh tranh.
Lệnh đình chỉ thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản làm điều này với một “ông lớn” công nghệ Mỹ.
Theo đó, Nhật Bản ra lệnh Google phải dừng yêu cầu đối tác cài đặt và ưu tiên dịch vụ của mình trên smartphone. Ngoài ra, công ty nên nới lỏng điều kiện chia sẻ doanh thu quảng cáo, cho phép nhà sản xuất lựa chọn trong nhiều tùy chọn.
Google được yêu cầu bổ nhiệm một bên độc lập để báo cáo về việc tuân thủ lên JFTC trong 5 năm tiếp theo.
JFTC cho biết đã phối hợp với các nhà chức trách nước ngoài khác từng điều tra Google.
Mỹ ra giá 'khủng' để hủy kiện Meta
Meta và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang đối đầu trong vụ kiện lịch sử. Tuy nhiên, ít người biết vụ việc đã có thể dàn xếp nếu Meta đồng ý trả 30 tỷ USD.

Cuối tháng 3, Mark Zuckerberg gọi cho người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) với đề nghị trả 450 triệu USD để dàn xếp vụ kiện chống độc quyền sắp được đưa ra xét xử.
Lời đề nghị này thua xa số tiền 30 tỷ USD mà FTC yêu cầu. Nó cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị của Instagram và WhatsApp, hai ứng dụng mà Meta mua lại năm xưa.
Thời báo Phố Wall dẫn lời nguồn tin cho biết Zuckerberg thể hiện thái độ tự tin trong cuộc gọi, rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ ông. Đồng sáng lập Facebook đã gây áp lực lên Tổng thống vài tuần gần đây để can thiệp vụ việc.
Chủ tịch FTC Andrew Ferguson nhận thấy đề nghị này không đáng tin cậy và không sẵn sàng giải quyết nếu số tiền đưa ra dưới 18 tỷ USD kèm một thỏa thuận pháp lý.
Khi phiên tòa đến gần, Meta tăng đề nghị lên gần 1 tỷ USD. Zuckerberg đích thân dẫn đầu nỗ lực vận động hành lang điên cuồng để tránh phiên tòa với FTC.
Nguồn tin tiết lộ, đã có lúc ông Trump dường như cởi mở với việc thỏa thuận với Meta và Zuckerberg, chỉ đạo nhân viên nghiên cứu và đặt câu hỏi thỏa thuận sẽ hoạt động như thế nào.
Song, ông cũng lắng nghe ý kiến từ bên còn lại. Ngày 8/4, tân Chủ tịch FTC Ferguson đã họp với Tổng thống tại Phòng Bầu dục để thảo luận về vấn đề.
Tại đây, nhóm quan chức đề nghị ông Trump không can thiệp vào vụ việc và đưa vụ kiện ra tòa. Ông Trump đã đồng ý.
Theo nguồn tin, Meta đề nghị thay đổi một số chính sách khi nhận thấy nguy cơ. FTC phản công và ra giá 30 tỷ USD.
Ngày 14/4, phiên tòa chính thức bắt đầu. FTC yêu cầu Zuckerberg có mặt và làm chứng trong 4 giờ.
(Tổng hợp)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ban-dan-my-ngoi-tren-dong-lua-vi-1-thong-bao-khan-nhat-ban-canh-cao-google-2392744.html
Bình luận (0)