Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bản kế hoạch 5 năm "trở về Việt Nam" của tiến sĩ Harvard 9X

(Dân trí) - Dù từng học tập và làm việc tại những trường đại học hàng đầu như Johns Hopkins hay Harvard, hành trình của tiến sĩ 9X này chưa bao giờ là đi thật xa. Ngay từ đầu, đích đến đã luôn là ngày trở về.

Báo Dân tríBáo Dân trí26/04/2025

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 1

Phạm Thanh Tùng (SN 1992, Hà Nội) tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội năm 2015 và sớm xác định con đường chuyên sâu trong lĩnh vực y tế công cộng.

Với học bổng toàn phần từ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), anh theo học và hoàn thành chương trình thạc sĩ về dịch tễ học và thống kê tại Đại học Johns Hopkins năm 2017.

Năm 2019, hành trình học thuật đưa anh đến Harvard với học bổng tiến sĩ, chuyên sâu về dịch tễ ung thư. Cùng thời điểm, anh hoàn thành thêm một bằng thạc sĩ về thống kê để củng cố nền tảng phân tích và nghiên cứu chuyên sâu.

5 năm học tập và làm việc tại Mỹ, anh không chỉ là nghiên cứu sinh mà còn là trợ giảng, hướng dẫn học viên cao học và trợ lý giám đốc chương trình, trực tiếp tham gia xây dựng các khóa đào tạo sau đại học.

Cũng như những lựa chọn học tập được cân nhắc từ đầu, việc trở về Việt Nam không phải một ngã rẽ mà là điểm đến được hoạch định sẵn.

Cả Tùng và vợ - người bạn đồng hành từ những năm Đại học Y Hà Nội cùng nhận học bổng VEF, cùng học tiến sĩ và cùng chọn con đường quay về như một phần trong kế hoạch dài hơi của chính mình.

Tháng 5/2024, cặp vợ chồng 9X đáp chuyến bay về nước, mang theo hành trang không chỉ là tri thức mà còn là cam kết gắn bó với nghiên cứu và giáo dục trong nước.

Hiện tại, Phạm Thanh Tùng là giảng viên tại Trường Đại học VinUni. 

Ưu tiên hàng đầu của anh là thúc đẩy các nghiên cứu có giá trị ứng dụng và xây dựng chương trình đào tạo giúp sinh viên Việt Nam được tiếp cận với kiến thức y học mới nhất - ngay tại quê hương mình.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 3
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 5

- Nó đúng… nhưng không phải là toàn bộ sự thật.

Mức đãi ngộ ở nước ngoài rất khác nhau, phụ thuộc vào lĩnh vực, vị trí công việc và cả mô hình tổ chức. Đặc biệt trong môi trường học thuật, áp lực lớn hơn nhiều so với những gì mọi người hình dung.

Với những ai muốn ở lại giảng dạy hoặc nghiên cứu tại các trường như Harvard hay Johns Hopkins sau khi hoàn thành tiến sĩ, con đường thực sự rất cạnh tranh. 

Số lượng vị trí giảng viên mỗi năm rất hạn chế và các trường liên tục đánh giá hiệu suất công việc thông qua nhiều chỉ số cụ thể. Nếu không đạt yêu cầu, bạn buộc phải rời khỏi hệ thống hoặc chuyển sang các trường nhỏ hơn. 

Thường sẽ có một bảng đánh giá kéo dài từ 3 đến 5 năm, giống như một "kỳ sát hạch" dài hạn. Và một trong những chỉ số quan trọng nhất: bạn phải mang được tài trợ nghiên cứu về cho trường. Nếu không đạt chỉ tiêu tài chính, khả năng trụ lại lâu dài là cực thấp.

Chính vì vậy, nhiều người sau tiến sĩ đã lựa chọn rẽ sang làm nghiên cứu trong các công ty dược, các tổ chức NGO hay các tổ chức quốc tế như WHO, World Bank… 

Những công việc này có đãi ngộ tốt và môi trường chuyên nghiệp nhưng số lượng vị trí cũng giới hạn. Đặc biệt trong bối cảnh chính trị hiện nay, các cơ hội quốc tế cũng trở nên khó nắm bắt hơn trước rất nhiều.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 7
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 9

- Tôi có những cơ hội nghề nghiệp khá ổn định, nhưng cuối cùng vẫn quyết định về nước.

Một phần vì tôi không muốn bị cuốn vào cuộc đua học thuật quá khắc nghiệt. Ngay cả khi bạn có bằng tiến sĩ từ Harvard, mỗi năm trường vẫn cấp khoảng 50 bằng tương tự, hầu hết cho người ở lại Mỹ. Đó là chưa kể đến những người tốt nghiệp trước và sau bạn hoặc đến từ các trường có trình độ tương đương.

Trong một hệ thống như vậy rất khó để tạo ra sự khác biệt. Bạn giỏi, nhưng xung quanh bạn cũng là những người giỏi không kém và hầu hết chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào guồng máy học thuật khổng lồ. 

Với tôi, đó là một dạng đóng góp "mờ nhạt".

Tôi tin rằng, với nền tảng đào tạo tương tự, nếu trở về Việt Nam, tôi có thể tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn, từ việc đào tạo sinh viên, xây dựng chương trình mới đến khởi xướng những điều mà trước đây chưa từng có. 

Khi mình tạo ra được giá trị thật sự cho một hệ thống còn đang phát triển, cảm giác sống và làm việc cũng có nhiều ý nghĩa hơn.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 11
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 13
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 15

- Tôi và vợ chưa bao giờ xem việc ở lại nước ngoài là mục tiêu cuối cùng. Ngay từ trước khi chúng tôi lên đường du học, "về nước" đã là một phần trong bản kế hoạch dài hạn. Điều đó ảnh hưởng đến mọi quyết định học thuật sau này - từ chọn ngành, chọn trường đến chọn kỹ năng cần trang bị.

Tôi quyết định theo đuổi y tế công cộng, dịch tễ học và thống kê. Những lĩnh vực có thể triển khai hiệu quả trong điều kiện hiện tại của Việt Nam.

Việc xác định rõ điểm đến từ sớm giúp tôi không bị cuốn vào cuộc đua học thuật chỉ để ở lại. Tôi học để làm việc có ích - ở chính nơi mình muốn gắn bó.

Tôi hay khuyên các bạn: nếu học đại học ở Việt Nam xong rồi muốn học tiếp sau đại học ở nước ngoài, hãy đi làm một vài năm trước.

Khi bạn đi làm thật sự trong hệ thống, bạn sẽ biết Việt Nam đang thiếu cái gì, cần cái gì, và mình nên học gì để quay về có thể làm việc ngay. Chứ nếu chọn học mà không có thực tế, dễ rơi vào tình trạng "học xong về không dùng được".

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 17
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 19

- Trong suốt thời gian học tập và làm việc tại Mỹ, tôi vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp trong nước, tham gia hướng dẫn sinh viên, làm nghiên cứu chung, thậm chí trong thời kỳ Covid-19 còn cùng các chuyên gia tư vấn các mô hình chống dịch. Sợi dây kết nối với Việt Nam chưa bao giờ bị đứt gãy.

Chính vì vậy, khi quay lại, chúng tôi gần như không mất thời gian để làm quen từ đầu. 

Tuy nhiên, tôi cũng thấy rõ một thực tế đang thay đổi. Các nguồn viện trợ quốc tế cho giáo dục Việt Nam đang giảm mạnh. 

Khi Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình, nhiều tổ chức chuyển hướng ưu tiên sang những nước khó khăn hơn. Điều đó khiến các chương trình học bổng hiệp định, học bổng chính phủ, vốn từng là cánh cửa để nhiều người đi học và trở về, ngày càng hẹp.

Nếu người học phải tự chi trả toàn bộ chi phí hoặc xin học bổng từ các trường quốc tế mà không có ràng buộc về việc quay lại, thì việc ở lại hay về nước hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn cá nhân. 

Và thực tế là khi đã đầu tư một khoản lớn cho việc học rất nhiều bạn buộc phải ở lại làm việc để có thể trả được khoản chi phí ấy.

Tôi may mắn vì khi học thạc sĩ và tiến sĩ, tôi đều nhận học bổng toàn phần. Điều đó cho tôi sự tự do để quyết định con đường của mình. 

Tôi chưa từng phân vân giữa việc đi hay ở, chỉ băn khoăn duy nhất một điều là nên ở lại thêm bao lâu để tích lũy đủ kinh nghiệm trước khi trở về.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 21
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 23

Tôi nghĩ những người học đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài thường dễ hòa nhập hơn khi trở về Việt Nam so với những người tốt nghiệp tiến sĩ. Lý do nằm ở khoảng thời gian gắn bó với môi trường học thuật nước ngoài. 

Càng học lên cao, càng gắn bó lâu với hệ thống khoa bảng phương Tây thì tư duy và kỳ vọng cũng hình thành theo chuẩn mực quốc tế.

Khi quay về, sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế dễ dẫn đến cảm giác hụt hẫng.

Những điều mình nghĩ là hiển nhiên như cơ chế tài trợ minh bạch, quy trình xét duyệt đề tài rõ ràng, ở Việt Nam hiện tại đôi lúc vẫn còn hạn chế. Và đó chính là lý do khiến không ít người cảm thấy khó khăn trong việc tái hòa nhập vào hệ thống trong nước.

Tuy nhiên, nếu xác định từ đầu là sẽ quay về làm việc tại Việt Nam thì sẽ có cách tiếp cận khác. 

Thay vì trông chờ một hệ thống lý tưởng, mình sẽ chủ động tìm cách để mọi thứ có thể vận hành ở mức độ phù hợp. Dù nguồn tài trợ trong nước còn hạn chế vẫn có thể tiếp cận các quỹ quốc tế đang hỗ trợ cho Việt Nam. 

Vấn đề nằm ở chỗ mình có sẵn sàng học lại, làm quen lại và thích nghi với một hệ thống rất khác với những gì từng trải nghiệm hay không.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 25
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 27

Với tôi, những vấn đề khó nhất lại thường không thể giải quyết chỉ bằng tiền hay đãi ngộ. Vì đôi khi nó lại đến từ chính nhu cầu sâu bên trong về sự phù hợp và ổn định.

Khi còn độc thân hoặc chỉ có hai vợ chồng, việc dịch chuyển giữa các quốc gia là lựa chọn mang tính cá nhân. Nhưng khi đã có con, câu chuyện trở thành vấn đề của cả gia đình, bao gồm cả việc tìm môi trường học phù hợp cho con, cân nhắc về điều kiện sống, sức khỏe và sự ổn định lâu dài.

Tôi nhận thấy, với nhiều gia đình, trở về không phải điều khó. Nhưng ở lại lâu dài mới là thử thách thực sự. 

Lý do không hẳn đến từ công việc hay đãi ngộ, mà phần lớn là từ những yếu tố xung quanh cuộc sống gia đình. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm không khí, điển hình là ở Hà Nội hay việc chọn trường cho con.

Dù hiện nay có nhiều lựa chọn tốt, từ trường công đến trường quốc tế thì vẫn có những rào cản nhất định. Đó là sự quen thuộc của đứa trẻ với môi trường học trước. 

Chính những lý do này khiến không ít gia đình dù muốn nhưng vẫn phải quay trở lại nước ngoài sau một vài năm về Việt Nam.

Và đây chính là bài toán không thể giải quyết bằng tiền. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị trước, sự linh hoạt khi trở về và đôi khi cả một hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp để giữ chân những người thật sự muốn gắn bó.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 29
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 31

- Hiện tại, khoảng 80% thời gian của tôi dành cho nghiên cứu, 20% còn lại là giảng dạy. Với tôi, hai việc này gần như không thể tách rời: nghiên cứu là để tạo ra tri thức mới và giảng dạy là cách tốt nhất để truyền tải, nuôi dưỡng và nhân rộng tri thức ấy.

Tôi làm trong lĩnh vực y tế công cộng, một ngành mà Việt Nam từng có nền tảng rất mạnh nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong giai đoạn 1980-1990. 

Thế hệ đi trước tôi đã được đào tạo bài bản và nhiều người hiện đang giữ các vị trí lãnh đạo trong Bộ Y tế hoặc các trường đại học lớn. Đây là một lợi thế không nhỏ.

Tuy nhiên, điểm yếu của hệ sinh thái nghiên cứu hiện nay nằm ở lực lượng hỗ trợ, đặc biệt là học viên thạc sĩ và tiến sĩ. Ở các đại học lớn như Harvard hay Johns Hopkins, phần lớn khối lượng nghiên cứu được triển khai bởi chính sinh viên.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 33

Giáo sư chỉ cần đưa ra ý tưởng, còn phần triển khai có thể được nhân lên rất nhanh nếu sinh viên đủ năng lực.

Sinh viên Việt Nam, theo trải nghiệm của tôi, không thua kém gì sinh viên nước ngoài về mặt tư duy hay năng lực. Nhưng để họ có thể tự triển khai nghiên cứu ở mức tương tự, chúng ta cần đầu tư vào kiến thức nền tảng và phương pháp nghiên cứu một cách thực chất. 

Mục tiêu của tôi là làm sao để không chỉ có một, hai người giỏi mà có thể từ đó nhân ra một thế hệ với 100, 200, hay thậm chí 1.000 người. Từ đó, mới có thể tạo ra sự thay đổi về chất trong toàn hệ thống.

Tôi cũng nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực. Nền giáo dục phổ thông Việt Nam vẫn có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học. Trình độ tiếng Anh của học sinh, nhất là ở khu vực thành thị, đang được cải thiện rõ rệt. Những điều đó là nền tảng rất quan trọng để phát triển một thế hệ nghiên cứu tiếp theo đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 35
Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 37

- Theo tôi, điểm yếu lớn nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay là thiếu tính chủ động. Điều này không hẳn do năng lực mà bắt nguồn từ cách giáo dục phổ thông, nơi mọi thứ được sắp xếp sẵn. Các bạn hiếm khi phải tự quyết định điều gì cho hành trình học tập của mình.

Chính vì vậy, khi bước vào môi trường đại học, không ít sinh viên dù từng là thủ khoa, học sinh giỏi các cấp vẫn bị bỏ lại. 

Đại học là môi trường tự học, đòi hỏi tự giác cao. Nếu không chuẩn bị sớm, các bạn sẽ đánh mất những năm đầu vốn rất quan trọng mà đáng ra có thể tận dụng để học kỹ năng, mở rộng mối quan hệ hoặc tìm kiếm cơ hội trao đổi quốc tế.

Ngoài tính chủ động, một điều nữa sinh viên Việt Nam cần cải thiện là khả năng nắm bắt cơ hội.

Sinh viên Âu Mỹ có xu hướng tự tin hơn, sẵn sàng hỏi. Trong khi đó, sinh viên châu Á, trong đó có Việt Nam, thường ngại ngùng và tự hoài nghi: "Không biết mình có làm được hay không?"

Nhưng nếu ngay từ đầu bạn đã mặc định mình không thể thì bạn chắc chắn sẽ không thể. Trước khi có cơ hội, bạn phải có niềm tin rằng mình xứng đáng để nhận lấy cơ hội.

Bản kế hoạch 5 năm trở về Việt Nam của tiến sĩ Harvard 9X - 39

Một câu mà tôi luôn nói với sinh viên của mình: hãy mạnh dạn hỏi và tìm kiếm cơ hội. Vì nếu bạn không hỏi thì câu trả lời sẽ luôn là "không". Còn nếu bạn dám hỏi thì sẽ luôn có một tỷ lệ (dù đôi khi rất nhỏ) câu trả lời sẽ là "có".

Tôi nhớ một bạn sinh viên học Đại học Y Hà Nội năm 4 từng tình nguyện dẫn đoàn giáo sư Úc đi thăm bệnh viện vì bạn ấy biết tiếng Anh. 

Sau chuyến đi đó, các giáo sư đã mời bạn sang Úc thực tập một tháng, hỗ trợ toàn bộ chi phí. 

Hay gần đây, một sinh viên Harvard tìm đến tôi, chủ động xin làm nghiên cứu tại Việt Nam. Bạn ấy tự viết đề xuất, tự xin tài trợ, chỉ cần một người giúp kết nối đầu mối. 

Nhiều khi chỉ cần một cái gõ cửa như thế thôi đã mở ra rất nhiều cơ hội. Đó là ví dụ điển hình cho sự chủ động và tôi tin rằng sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy, nếu dám nghĩ và dám làm.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Minh Nhật, Hải Yến

Ảnh: Hải Long, Minh Nhật

Thiết kế: Huy Phạm

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/ban-ke-hoach-5-nam-tro-ve-viet-nam-cua-tien-si-harvard-9x-20250426085122766.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm