Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bản tin Chiến thắng 10/4/1975: Tiếp tục tiến công, kiểm soát thị xã Xuân Lộc

(VTC News) - Ngày 10/4/1975, Quân đoàn 4 tiếp tục tiến công đột phá thị xã Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh Trung đoàn 3 Sư đoàn 18 của quân VNCH, mở rộng kiểm soát trong thị xã.

VTC NewsVTC News10/04/2025


Ngày 10/4/1975, Ban Bí thư ra thông tri số 312-TT/TW về tuyên truyền chiến thắng, động viên thi đua với miền nam ruột thịt, giành nhiều thắng lợi mới.

Trong đó nhấn mạnh: "Sự phát triển nhanh chóng của cách mạng miền nam đặt ra nhiều yêu cầu mới cần phải giải quyết. Những thắng lợi ở miền nam đang dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi trong cả nước. Cần thông báo nhanh, sâu rộng tin chiến thắng, động viên chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa thắng lợi và trách nhiệm của mình trước tình hình mới, góp phần cố gắng lớn nhất vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc”.

Cũng trong ngày 10/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định họp bàn, thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ huy và phương án tác chiến chiến dịch.

Quân ta mở rộng tiến công vào thị xã Xuân Lộc và kiểm soát nhiều đồn địch. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Quân ta mở rộng tiến công vào thị xã Xuân Lộc và kiểm soát nhiều đồn địch. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Bộ Tư lệnh xác định: "Phải tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan quân đội Sài Gòn từ Trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, tạo điều kiện giải phóng miền nam. Quá trình tiến hành chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định".

Sáng cùng ngày, tiếp tục chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh, các đơn vị ta tiếp tục đột phá Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 3 Sư đoàn 18 quân VNCH, đánh Lữ đoàn Dù 1 vừa đổ quân xuống Tân Phong. Địch phải điều thêm Liên đoàn biệt động quân tăng viện cho Xuân Lộc. Ta thay đổi cách đánh: bao vây Xuân Lộc, đánh viện.

Ở Quân khu 9, do phía Xuân Lộc chưa dứt điểm được, ngày 10/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền điện cho Quân khu 9 hủy bỏ kế hoạch đánh sân bay và thành phố Cần Thơ, nên Quân khu điện cho Sư đoàn 4 quay ra. Tuy nhiên đơn vị bị địch truy kích bị thiệt hại cả trung đội trinh sát.

Ở Quân khu 8, từ ngày 10 đến 12/4/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy họp quán triệt nhiệm vụ cấp trên giao, bàn kế hoạch tổ chức, phân công triển khai thực hiện kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa, nhất trí cao và nhận thức sâu sắc ba nhiệm vụ của cấp trên giao:

  • Chia cắt chiến lược: Cắt đứt hoàn toàn Lộ 4 và kênh Chợ Gạo.
  • Mở một mũi tiến công vào nam Sài Gòn, đánh chiếm Tổng nha cảnh sát quốc gia (1 trong 5 mục tiêu lớn của chiến dịch).
  • Tự giải phóng toàn khu.

Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy xác định “đây là nhiệm vụ nặng nề, khẩn trương, có nhiệm vụ chưa dự kiến (như đánh vào Sài Gòn), nhưng đó cũng là vinh dự và trách nhiệm lớn được trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn”.

Ngày 10/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân điều 3 tàu vận tải 673, 674, 675 (Trung đoàn 125) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chuẩn bị giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa do quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng giữ.

Cùng ngày, toàn bộ lực lượng Trung đoàn cầu 99 Sư đoàn Công binh 473 Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiến xuống phía đông, bảo đảm một số cầu trên đường số 1 đến Đà Nẵng và các cầu Câu Lâu, Bà Rén, An Tân, Kế Xuyên bằng khí tài Be-lây và dầm thép chế thức thu được của địch, bảo đảm cho chủ lực ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn huy động mức cao nhất phương tiện vận tải quân sự, với 42.000 tấn phương tiện.

Toàn bộ lực lượng vận tải quân sự gồm 12 vạn người (80% lực lượng hậu cần chiến dịch), 6.300 xe vận tải của Đoàn 559, 2.100 xe của Cục vận tải và hàng trăm xe của các binh đoàn, quân chủng, binh chủng, quân khu... được huy động.

Một lực lượng vận tải lớn của Nhà nước, gồm hơn 1.000 xe ôtô, 32 tàu biển (5.000 tấn phương tiện), 130 toa xe lửa (9.000 tấn phương tiện) và hàng trăm tấn phương tiện đường không được tập trung để chuyển quân và các cơ sở vật chất vào chiến trường. Đó là chưa kể tới hơn 400 xe vận tải, xe chở khách của tư nhân ở các vùng mới giải phóng cũng tham gia phục vụ chiến dịch.


Vtcnews.vn

Nguồn:https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-10-4-1975-tiep-tuc-tien-cong-kiem-soat-thi-xa-xuan-loc-ar936750.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm