Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Báo chí cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang

Việt NamViệt Nam23/05/2025


Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng (BCCM) Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) là mốc thời gian đặc biệt để những người làm báo cả nước cùng nhìn lại chặng đường vẻ vang, đáng tự hào.

Tọa đàm với chủ đề: “BCCM Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang” (do Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức) là dịp để những nhà báo soi rọi mình: đã góp gì cho quê hương từ ngòi bút của một chiến sĩ cách mạng, đúng như sứ mệnh chân chính của BCCM.

Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Mỗi nhà báo là một phần lịch sử

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh - Nguyễn Duy Hoàng: “Kỷ niệm 100 năm Ngày BCCM Việt Nam là niềm kiêu hãnh, tự hào cho cả giới báo chí. Càng tự hào hơn, hãnh diện hơn vì tất cả chúng ta - những nhà báo có mặt hôm nay, mỗi cuộc đời là một nhân chứng, là một phần của lịch sử báo chí 100 năm. Cho dù mỗi người đến với nghề, dấn thân cho sự nghiệp BCCM theo mỗi thời đoạn lịch sử khác nhau; nhưng chúng ta đều có chung một chí hướng, một tấm lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng quang vinh, trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp BCCM, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…”.

Tại buổi tọa đàm, các tham luận đã làm rõ thêm những chặng đường của báo chí Bạc Liêu trong hành trình trăm năm ấy. Sự chấp bút của mỗi nhà báo (nhất là các anh, chú nguyên là lãnh đạo các cơ quan báo chí) cũng là sự gom góp những ký ức không thể nào quên, bởi đó là cả hành trình dấn thân bằng tâm sức! Tham luận của nhà báo Vũ Thanh - nguyên Giám đốc Đài PT-TH Bạc Liêu như một thước phim tư liệu tỉ mỉ đến từng chi tiết, ngày tháng... “Ra riêng” với vô vàn khó khăn: “Một hội trường xuống cấp bỏ hoang, ngăn làm 3 phòng. Một phòng đặt máy phát AM, một phòng làm phòng thu thanh, một phòng phía trước là nơi làm việc và một căn nhà cấp 4. Ban lãnh đạo Đài phải mượn tạm 2 phòng của Trường Nghiệp vụ Văn hóa thông tin để cho anh em phóng viên ở tạm”. Để rồi trải qua 15 năm, Đài PT-TH Bạc Liêu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba ghi nhận sự không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị cho địa phương.

Năm 1946, tờ báo Chiến - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (có cả tỉnh Cà Mau) ra đời tại rạch Ong Mật, Cái Trăng, Năm Căn đã thổi luồng gió mới vào đời sống chính trị - văn hóa - tư tưởng cho vùng đất cực Nam đất nước những năm tháng chiến đấu. Rồi tờ Hòa Bình - Thống Nhất, Cờ Giải phóng, tạp chí Lúa Vàng… lần lượt ra đời theo yêu cầu từng giai đoạn đã kịp thời cổ vũ phong trào cách mạng giành thắng lợi cũng như tạo tiền đề vững vàng cho báo chí Bạc Liêu phát triển. Tất cả đã được ôn lại sống động qua nhiều tham luận của các nhà báo từng kinh qua chiến tranh và cũng là lãnh đạo báo chí qua các thời kỳ.

Có những nhà báo đến tọa đàm không phải để đọc tham luận mà để kể về “những tình tiết chưa nói lần nào” - như nhà báo Đoàn Hùng. Đó là những tình tiết khắc họa rất sâu về sự dấn thân của những người làm báo thời chiến đấu, với không ít gian nan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hay với tham luận “Ảnh báo chí - vũ khí sắc bén từ khoảnh khắc ánh sáng”, bằng những phân tích về vai trò của ảnh báo chí, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Anh Rô gửi gắm kỳ vọng mỗi nhà báo sẽ phấn đấu trở thành những nghệ sĩ nhiếp ảnh bên cạnh nghiệp vụ báo chí của mình...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: H.T

Nối tiếp hành trình vinh quang

Nhìn lại sự nỗ lực của nhiều thế hệ làm báo ở Báo Bạc Liêu, tham luận của nhà báo Hàn Ái Tiến - nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu phân tích: “Trong hành trình 100 năm của BCCM Việt Nam, Báo Bạc Liêu tự hào góp sức với chặng đường 79 năm từ khi ra đời, luôn làm tròn vai trò và trọng trách của mình với Đảng và Nhân dân, tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, không ngại xung kích vào những nơi nguy hiểm, khó khăn để cung cấp đến bạn đọc những thông tin chính thống, kịp thời, chính xác, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tự hào với truyền thống lịch sử và những thành tựu có được, đội ngũ những người làm báo ở Báo Bạc Liêu sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới đầy vẻ vang khi cùng báo chí cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Là người thủ lĩnh của đội ngũ những nhà báo được phân công về xây dựng nền báo chí Bạc Liêu khi chia tách tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau năm 1997, Nhà báo Nguyễn Minh Chánh - nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu luôn đau đáu với sự nghiệp báo chí Bạc Liêu. Ông bày tỏ nhiều băn khoăn về những khuynh hướng báo chí hiện nay, trong đó có khuynh hướng thông tin một chiều, thông tin “lành”, không dám, không “nỡ” chủ động đăng phát tin, bài đấu tranh chống tiêu cực. Và một cập nhật hết sức thời sự về chủ trương sáp nhập các cơ quan báo chí cũng được nhà báo Nguyễn Minh Chánh đề cập: “Rồi đây ở nước ta quy mô dân số hơn 100 triệu người cũng chỉ có 34 tổng biên tập, 34 cơ quan báo chí Đảng tỉnh, thành. Sự sáp nhập cơ học này buộc người làm báo phải khôn khéo giải quyết hàng loạt vấn đề tất yếu xảy ra. Trong đó quan trọng hơn cả, là “nhân” cơ hội nầy để làm mạnh thêm đội ngũ, kiến tạo năng lực nghề nghiệp, đáp ứng quy chuẩn “tòa soạn hội tụ”, “tòa soạn thông minh”, “nhà báo AI”...

“Cây cao bóng cả trong làng báo là tấm gương, là động lực để nhà báo trẻ soi mình - học tập - vươn tới” là tiếng nói của thế hệ nối gót. Đó là tham luận của nhà báo Nguyễn Quốc (Báo Bạc Liêu): “Di sản mà các thế hệ “cây cao bóng cả” để lại cho chúng ta hôm nay vô cùng quý giá và đa dạng. Đó không chỉ là những tác phẩm báo chí sắc sảo, những bài bình luận sâu sắc, những phóng sự điều tra công phu còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử. Mà lớn lao hơn, đó còn là những bài học thực tiễn vô giá về lòng yêu nghề nồng cháy, về bản lĩnh chính trị kiên định trước mọi sóng gió, về đạo đức nghề nghiệp trong sáng và tinh thần thượng tôn pháp luật, về sự dấn thân không mệt mỏi vì lẽ phải và sự thật, cùng một tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả...”.

Những đoạn hồi ức được ôn lại và nhiều bài học quý được rút ra thể hiện qua các tham luận đã giúp mỗi người làm báo hôm nay nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh của BCCM Bạc Liêu. Ôn lại những chặng đường vẻ vang, tri ân những người làm báo đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà, tọa đàm là dịp để nhắc nhở thế hệ làm báo hôm nay hãy luôn biết trân trọng quá khứ, không ngừng học hỏi, chủ động sáng tạo, đổi mới để thích ứng và viết tiếp những trang sử vẻ vang của BCCM thời hiện tại và hướng tới tương lai.

CẨM THÚY



Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-chi-cach-mang-bac-lieu-nhung-chang-duong-lich-su-ve-vang-100801.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm