Không gián đoạn hoạt động
Sau khi hợp nhất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh khẩn trương triển khai hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã nhằm bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoàng Linh, phường Hạp Lĩnh đầu tư sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. |
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lương Tài phụ trách giao dịch ở 4 xã gồm: Lương Tài, Lâm Thao, Trung Chính, Trung Kênh. Có mặt tại điểm giao dịch xã Trung Kênh (điểm giao dịch xã An Thịnh cũ) vào đúng 8 giờ sáng 6/7, ngày giao dịch đầu tiên sau khi sáp nhập đơn vị hành chính đã thấy không khí nhộn nhịp. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn có mặt đầy đủ từ đầu giờ để phối hợp triển khai công việc. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp nhịp nhàng, các hoạt động như giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận gửi tiết kiệm từ tổ viên và người dân… đều được thực hiện an toàn, nhanh chóng và hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Ông Đặng Văn Trọng, Giám đốc Phòng Giao dịch cho biết: “Sau sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị vẫn tiếp tục duy trì 12 điểm giao dịch tại các xã: Lương Tài, Lâm Thao, Trung Chính, Trung Kênh như trước đây; giữ nguyên lịch giao dịch cố định hằng tháng. Nhờ đó, người dân không phải đi xa, không bị xáo trộn thói quen, bảo đảm hoạt động giải ngân cho vay, thu nợ diễn ra bình thường. Đơn vị được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, bố trí không gian làm việc và cử cán bộ công an có mặt tại điểm giao dịch để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản trong suốt buổi giao dịch”.
Ngày đầu tiên giao dịch tại xã Trung Kênh, Phòng cho vay hơn 1 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội, chủ yếu thuộc chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, hộ cận nghèo. Hiện nay, tại 4 xã do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lương Tài quản lý có tổng dư nợ hơn 615,92 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.
Tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Thuận Thành, ông Phạm Văn Dương, Giám đốc cho biết: Để bảo đảm quyền lợi và thuận tiện cho người dân, đơn vị tiếp tục duy trì 18/18 điểm giao dịch tại các xã như trước đây; duy trì hơn 200 tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông tin địa chỉ của người dân được ngân hàng tự động cập nhật theo địa bàn xã, phường mới, người dân không cần khai báo lại hay thực hiện thủ tục bổ sung nào.
Kịp thời giải ngân nguồn vốn ưu đãi
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 99 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 66 xã và 33 phường. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 18 phòng giao dịch và 5.116 tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả.
Để kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. |
Để kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Chi nhánh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Theo ông Đỗ Văn Hiện, Quyền Giám đốc Chi nhánh Chính sách xã hội tỉnh, năm 2025, Chi nhánh được Trung ương giao tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với các chương trình tín dụng chính sách là 663,15 tỷ đồng, trong đó Chi nhánh Bắc Ninh (cũ) 272,15 tỷ đồng; Bắc Giang 391 tỷ đồng.
Ngay sau khi được giao kế hoạch, Chi nhánh đã kịp thời tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phân bổ chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương, đồng thời chỉ đạo sát sao công tác rà soát đối tượng, bảo đảm giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, đúng thời điểm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2025 được ưu tiên tập trung vào các chương trình trọng tâm, bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cho vay chương trình nhà ở xã hội.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Cùng đó, với nền tảng và truyền thống của ngành, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể, Chi nhánh quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị năm 2025, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bao-dam-dong-von-tin-dung-chinh-sach-thong-suot-hieu-qua-postid421478.bbg
Bình luận (0)