Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 6] Lối đi nào cho chăn nuôi nông hộ?

Lựa chọn khôn ngoan của các nông hộ nhỏ là xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, gắn với các giống bản địa, đặc sản để khai thác thị trường ngách.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam28/03/2025

Mất cân đối trong chuỗi cung ứng

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, sau Tết Nguyên đán 2025, giá thịt lợn tăng mạnh do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, cuối năm 2024, tổng đàn lợn của nước ta đạt trên 31,08 triệu con, trong đó hơn 3 triệu con lợn nái, nhưng trên thực tế, số lượng lợn đã giảm đáng kể.

Nguyên nhân chủ yếu do tác động của Luật Chăn nuôi 2018, dù có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 nhưng theo lộ trình 5 năm, đến hết ngày 31/12/2024 phải thực thi toàn bộ các quy định trong Luật này cùng các Nghị định 13, 14; các thông tư, đặc biệt là Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT, chăn nuôi phải có điều kiện, nhiều yêu cầu khắt khe hơn khiến nhiều cơ sở chăn nuôi nằm trong diện phải di dời theo quy hoạch gặp khó. Vì thế, không ít hộ dân ở các địa phương đã tạm thời phải dừng chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Đơn cử như Đồng Nai - “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, luôn dẫn đầu về số lượng với trên 2 triệu con, nhưng thời gian gần đây cũng sụt giảm đáng kể.

Ông Trọng cho hay, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện tổng đàn lợn của địa phương này còn chưa đến 800.000 con, do 3.006 cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018. Tuy nhiên, các vấn đề như đánh giá tác động môi trường, cấp phép chăn nuôi, quỹ đất… gặp nhiều khó khăn, khiến đàn lợn ở "thủ phủ" này tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, về tình hình dịch bệnh, dù dịch tả lợn Châu Phi vẫn được kiểm soát tốt, nhưng dịch tiêu chảy và lở mồm long móng xuất hiện trước và sau tết Nguyên đán, trong đó đáng lo ngại nhất là dịch tiêu chảy đã khiến đàn lợn con giảm khá nhiều.

Do đàn lợn nái cơ bản ổn định, đàn lợn con giảm, cùng với nhu cầu tái đàn nên giá lợn giống đã tăng lên mức 2,6 - 3,2 triệu đồng/con. Với mức giá này, nếu không chăn nuôi theo chuỗi mà phải mua con giống, giá thành sản xuất sẽ lên tới 65.000 đồng/kg. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, lưu thông, phân phối đến người tiêu dùng. Để thích ứng, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang vỗ béo lợn thịt thêm khoảng 1 tháng, trong khi người tiêu dùng cũng dần điều chỉnh lựa chọn, giảm tiêu thụ thịt lợn và chuyển sang các sản phẩm thay thế như thịt gia cầm và thủy sản.

Nông hộ nhỏ cần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng cùng doanh nghiệp

Theo ông Trọng, để giải quyết bài toán cung cầu, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng cần được tổ chức theo chuỗi, bởi nếu không có sự liên kết, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nông hộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và là đối tượng chịu rủi ro nhiều nhất.

Để xây dựng chuỗi sản xuất hiệu quả, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể tiếp cận các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trước tiên, các hộ này cần liên kết lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất. Đây là cơ sở để các "mắt xích" trong chuỗi xây dựng quan hệ hợp tác bền vững. Cùng với đó, chăn nuôi nông hộ nên hướng vào các giống lợn bản địa, đặc sản, chất lượng cao, gắn với du lịch sinh thái. Việc này đòi hỏi một chiến lược cụ thể.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1520/2020/QĐ-CP phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với 5 đề án đã đề ra định hướng, mục tiêu, giải pháp rất rõ ràng.

Sau Tết Nguyên đán 2025, giá thịt lợn tăng mạnh do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Duy Học.

Sau Tết Nguyên đán 2025, giá thịt lợn tăng mạnh do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Duy Học.

Đồng thời, ông Trọng cho rằng, cần chú trọng công tác an toàn sinh học, đặc biệt là việc tiêm phòng vacxin. Đối với những bệnh chưa có vacxin, chăn nuôi an toàn sinh học càng trở nên cần thiết.

Bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn sinh học, ông Trọng cho rằng, cần chú trọng kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng mới có thể phát triển bền vững.

“Hiện nay, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa cơ bản đã thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ, nơi mô hình chăn nuôi còn đan xen với khu dân cư theo kiểu “xôi đỗ”. Điều này khiến việc đảm bảo an toàn sinh học trở nên vô cùng khó khăn”, ông Trọng nói thêm.

Chăn nuôi tuần hoàn, nuôi con bản địa là lựa chọn khôn ngoan

Ông Trọng thông tin, hiện nay số lượng hộ chăn nuôi lợn đã giảm đáng kể. Trước đây có khoảng 4 triệu hộ, nhưng theo số liệu thống kê gần đây, con số này chỉ còn 1,7 triệu hộ và hiện tại có thể đã giảm thêm. Dù vậy, không thể loại bỏ hoàn toàn mô hình chăn nuôi nông hộ, bởi đây vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân, do đó cần có giải pháp để duy trì và phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đẩy mạnh mô hình trang trại quy mô lớn, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ.

Chăn nuôi nông hộ không thể bị xóa bỏ hoàn toàn vì đây vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân. Ảnh: Hồng Thắm.

Chăn nuôi nông hộ không thể bị xóa bỏ hoàn toàn vì đây vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân. Ảnh: Hồng Thắm.

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi cần được phát triển theo hệ sinh thái tuần hoàn trong nông nghiệp, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo giúp chuyển hóa những thứ tưởng chừng như bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường thành tài nguyên tái tạo. Khi sản phẩm đầu ra của ngành này trở thành đầu vào của ngành khác, không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp.

“Chăn nuôi theo hệ sinh thái tuần hoàn cần được đẩy mạnh, người dân phải có cơ hội tiếp cận và áp dụng mô hình này. Chỉ khi đó, giá thành sản xuất mới giảm, giúp ngành chăn nuôi cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước. Nếu không cải thiện, thực phẩm nhập khẩu sẽ tràn vào, khi đó chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, cần chủ động tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, cả về giá lẫn an toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

“Chăn nuôi nông hộ không thể bị xóa bỏ hoàn toàn vì đây vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân, do đó cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của họ”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nói.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/bao-gia-lon-can-quet-bai-6-loi-di-nao-cho-chan-nuoi-nong-ho-d745228.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm