Nhà hát tham gia liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 |
Khi nghệ nhân trở thành người thầy
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã xác định đào tạo tại chỗ là cách duy nhất để giữ gìn tinh hoa nghệ thuật cung đình - một loại hình biểu diễn mang đậm dấu ấn của vương triều Nguyễn. NSƯT. Hoàng Trọng Cương, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Trước đây, Nhà hát đã mời những nghệ nhân từng sống trong môi trường cung đình thực thụ về giảng dạy, “cầm tay chỉ việc”. Chính họ là những người truyền lại các kỹ thuật, tinh thần, nghi lễ biểu diễn chuẩn mực nhất của nhã nhạc, tuồng, múa cung đình”.
Những nghệ nhân cung đình đầu tiên đã tạo nền móng cho cả một thế hệ truyền nhân tiếp nối. Và ngày nay, thế hệ ấy lại đang là người thầy, tiếp tục đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ mới. Dù số lượng không nhiều và điều kiện còn khó khăn, nhưng mạch nguồn nghệ thuật ấy vẫn âm thầm chảy, không bị gián đoạn.
Giai đoạn trước năm 2010, một số dự án tài trợ đã giúp nhà hát tuyển dụng và đào tạo được khoảng 20 nhạc công nhã nhạc. “Nhưng từ đó đến nay, không có thêm chương trình tài trợ nào để gối đầu, trong khi lớp nghệ nhân cũ đã lớn tuổi, người thì nghỉ hưu, người không còn”, ông Cương nói.
Không dừng lại, Nhà hát vẫn tiếp tục tuyển chọn những bạn trẻ tốt nghiệp các trường nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Huế, Trường Văn hóa Nghệ thuật... và đào tạo lại theo đặc thù từng bộ môn. Với các bộ môn cung đình, việc “được học ở trường chưa đủ”, cần 2 - 3 năm đào tạo sát sao mới có thể biểu diễn đúng chuẩn.
Hiện nay, Nhà hát có bốn đoàn nghệ thuật: đoàn Hòa Thanh (nhã nhạc), đoàn Ba Vũ (múa cung đình), đoàn Thanh Bình (tuồng cung đình) và đoàn Thanh Phong (kế thừa, phát triển trên chất liệu cung đình). Tuy vậy, vấn đề nhân lực đang là bài toán khó. Việc tinh giảm biên chế, thiếu lớp trẻ kế thừa khiến quá trình “truyền lửa” nghệ thuật gặp nhiều trở ngại.
“Ngày trước, các trường đào tạo cả tuồng, dân ca kịch, múa cung đình. Giờ thì không còn. Chúng tôi phải “gạn đục khơi trong”, lựa chọn những học viên thanh nhạc có tố chất để chuyển hướng sang tuồng, hoặc những bạn học múa dân gian hiện đại để đào tạo múa cung đình”, ông Cương chia sẻ.
Đặc biệt, nhạc công nhã nhạc - loại hình âm nhạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng cần tuyển chọn kỹ lưỡng. Những người được chọn phải dày công luyện tập, nắm vững kỹ thuật qua quá trình học thực tế.
Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tham gia liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc |
Chờ một “mạch sống” dài hơi
Không chỉ tuyển chọn khắt khe, Nhà hát còn chú trọng đến điều kiện giữ chân người giỏi. Lương không cao, nhưng nhờ các chế độ đặc thù của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên nhiều bạn trẻ vẫn bám trụ vì đam mê.
Bên cạnh đào tạo, Nhà hát còn phục dựng và lưu trữ các tác phẩm cổ. Từ các chuyến điền dã, gặp gỡ nghệ nhân, đến nay Nhà hát đã phục dựng, lập hồ sơ khoa học cho khoảng 20 bài bản nhã nhạc, 6 tác phẩm múa cung đình, 11 vở tuồng cổ, cùng các hồ sơ về mặt nạ tuồng, vũ đạo, nhạc khí cung đình… Những bài bản, tác phẩm này đa phần được đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - một địa điểm trình diễn nghệ thuật cung đình chuẩn mực.
Để đưa âm nhạc truyền thống Huế đến gần hơn với giới trẻ, hơn ba năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã phối hợp với các đơn vị giáo dục triển khai chương trình giáo dục di sản; trong đó, có hoạt động trải nghiệm nhã nhạc, múa cung đình. Nhà hát cũng đã tổ chức tập huấn cho gần 200 lượt nhạc công nhằm nâng cao kỹ năng biểu diễn nhã nhạc, với sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy. Các nhạc công được huấn luyện, uốn nắn từng ngón nghề theo đúng quy chuẩn truyền thống mà các nghệ nhân đang nắm giữ.
Trong bối cảnh nghệ nhân gốc cung đình không còn, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống Huế nói chung và nghệ thuật cung đình nói riêng đứng trước nhiều thử thách. Tuy nhiên, với nỗ lực bền bỉ của những người đang sống với nghề, đặc biệt là sự chủ động trong đào tạo, bảo tồn và phát huy của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, các giá trị di sản ấy vẫn đang được gìn giữ từng ngày.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-ton-va-phat-trien-nghe-thuat-cung-dinh-153089.html
Bình luận (0)