Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo vệ trẻ em trước tình hình bệnh sởi gia tăng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp, với tỷ lệ lây nhiễm lên tới 90% ở những người chưa có miễn dịch khi tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung bình một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho từ 12 - 18 người khác. Để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm thì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cần đạt ít nhất 95%.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng15/04/2025

Bệnh viện Nhi Lâm Đồng tích cực điều trị bệnh sởi cho trẻ em
Bệnh viện Nhi Lâm Đồng tích cực điều trị bệnh sởi cho trẻ em

Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc bệnh sởi có sự gia tăng đột biến trên địa bàn tỉnh. Trước đó, WHO cũng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi trên quy mô toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2025, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng sởi sụt giảm sau đại dịch COVID-19.

Tại Lâm Đồng, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/4/2025, toàn tỉnh ghi nhận 995 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ ghi nhận 2 ca. Địa phương có số ca cao nhất là TP Đà Lạt chiếm 30% ca bệnh toàn tỉnh (297/995 ca) và huyện Đức Trọng chiếm 25% ca bệnh toàn tỉnh (248/995 ca); trong đó có 62 trường hợp dương tính với sởi. Trước tình hình bệnh sởi trên địa bàn, ngành Y tế đã tích cực chủ động triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bệnh sởi.

Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hướng dẫn về giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh sởi cho cán bộ y tế trong ngành; cử cán bộ của Phòng Nghiệp vụ Y trực tiếp tham gia công tác giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị trong toàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và các đơn vị trong toàn ngành thường xuyên tiếp nhận thông tin ca bệnh từ các địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ trung tâm y tế huyện, thành phố điều tra xác minh ca bệnh và giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tổ chức nhiều đợt giám sát về phòng, chống bệnh sởi tại 10  huyện, thành phố trong tỉnh. Tăng cường công tác phân luồng, chẩn đoán, điều trị, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cho điều trị sởi.

Triển khai công tác truyền thông về bệnh sởi, rubella trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi truyền thông tại nhà bệnh nhân, các hộ gia đình xung quanh và tại trường học về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi. Trong đó, tập trung các nội dung tuyên truyền như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; khử trùng và vệ sinh thông khí, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng; thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch; lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày, đeo khẩu trang ở nơi công cộng…

Trước tình hình dịch sởi bùng phát tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2, trong đó mở rộng các đối tượng tiêm vắc xin phòng sởi bao gồm: Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra. Trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định và trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi được tiêm bù mũi (theo quy định lịch tiêm chủng sởi cho em trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường quy: mũi 1 tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi).

Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2025 và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng, triển khai cho các đơn vị trong toàn ngành tổ chức tiêm phòng sởi cho trẻ em trên địa bàn. Kết quả tiêm chủng chiến dịch vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi có 4.594/4.807 trẻ (đạt tỷ lệ 95,57%); trẻ từ 1 - 10 tuổi có 6.111/6.328 (đạt tỷ lệ 96,57%).

Dược sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Phương Duyên - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống bệnh sởi, ngành Y tế đang tiếp tục triển khai các hoạt động: Tiếp tục tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện các chiến dịch truyền thông phù hợp từng nhóm đối tượng để người dân có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chủ động tự nguyện đưa con em đi tiêm theo đúng lịch tiêm chủng. Tăng cường giám sát chủ động và hệ thống báo cáo kịp thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát dịch bệnh; tăng cường giám sát tại các địa bàn nguy cơ cao, trường học, khu đông dân cư. Tiếp tục công tác rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng  từ 95% trở lên cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Phối hợp liên ngành chặt chẽ, kết nối thông tin và hoạt động giữa ngành Y tế, Giáo dục, Thú y, Môi trường và chính quyền địa phương. Chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp, xây dựng và cập nhật các kịch bản phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/bao-ve-tre-em-truoc-tinh-hinh-benh-soi-gia-tang-72f22bd/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm