Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị
Việt Nam tích cực tham gia các hội nghị khu vực chuẩn bị cho Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26 này: Hội nghị Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 56 (56th Commission for East Asia and the Pacific - CA) và Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Nam Á lần thứ 37 (37th Joint Commission Meeting for East Asia and the Pacific & South Asia - CAP-CSA).
Dưới sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này, cùng đại diện cấp cao đến từ các quốc gia thành viên, lãnh đạo UN Tourism và các đối tác liên kết quốc tế như Traveloka, Amadeus, ForwardKeys, JATA…
Đây là bước chuẩn bị quan trọng hướng tới Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26, dự kiến tổ chức từ ngày 7-11/11 tại Saudi Arabia.
Tinh thần hợp tác, định hình tương lai du lịch khu vực
Phát biểu khai mạc, bà Widiyanti Putri Wardhana, Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia, đại diện nước chủ nhà của Hội nghị đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của du lịch trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi để các quốc gia thành viên cùng chia sẻ những mô hình hiệu quả, sáng kiến tiên phong, thúc đẩy các đóng góp thiết thực của ngành du lịch đối với cộng đồng và xã hội.
Các Hội nghị lần này không chỉ đánh giá những thành quả phục hồi sau đại dịch mà còn đặt ra định hướng chiến lược cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của ngành Du lịch khu vực, thông qua việc thảo luận các chương trình hành động, lựa chọn nhân sự cho các cơ quan trực thuộc và thúc đẩy liên kết đa phương trong UN Tourism.
Việt Nam - Đối tác chủ động và trách nhiệm
Tại Hội nghị Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương lần thứ 56, đoàn Việt Nam cùng các quốc gia thành viên đã tham gia thảo luận và bỏ phiếu đề cử các vị trí nhân sự chủ chốt trình Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26 thông qua.
Các vị trí bao gồm: Phó Chủ tịch Đại hội đồng (Philippines); Thành viên Ủy ban Chứng thư Đại hội đồng (Lào); Chủ tịch Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2025 - 2027 (Philippines); Phó Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ 2025 - 2027 (Nhật Bản, Fiji).
Ngoài ra, các quốc gia cũng đã biểu quyết thông qua thành viên của các cơ quan trực thuộc Hội đồng Điều hành UN Tourism nhiệm kỳ 2025 – 2029 bao gồm: Ủy ban Đào tạo Du lịch trực tuyến (Hàn Quốc); Ủy ban Bộ Quy tắc quốc tế về Bảo vệ khách du lịch (Indonesia).
Phát biểu tại Hội nghị Liên Ủy ban CAP - CSA lần thứ 37, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh vai trò tích cực của Việt Nam trong nỗ lực phục hồi du lịch khu vực, với các chính sách thị thực linh hoạt, hoạt động xúc tiến quảng bá mạnh mẽ và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới.
Ông khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RDAP), Văn phòng Hỗ trợ UN Tourism khu vực tại Nhật Bản (RSOAP), cũng như các đối tác liên kết để tổ chức các sự kiện và chương trình hợp tác trong tương lai”.
Hội nghị quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị cho Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) lần thứ 26
Du lịch quốc tế phục hồi, hướng đến tăng trưởng bền vững
Báo cáo của UN Tourism tại Hội nghị cho thấy, năm 2024 sẽ ghi nhận khoảng 1,4 tỉ lượt khách du lịch quốc tế, tiệm cận mức 1,5 tỉ lượt của năm 2019, thời điểm trước đại dịch.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ, với tỉ lệ phục hồi khách quốc tế trung bình đạt 87%, trong đó Việt Nam gây ấn tượng khi đạt 98%, một trong những mức cao nhất khu vực.
Dự báo năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ tăng 3-5%, hướng tới trạng thái tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, khu vực vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức: thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, chi phí đi lại leo thang, biến động tỷ giá, sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế tại các thị trường nguồn.
Để giải quyết những vấn đề này, UN Tourism khuyến nghị các quốc gia ưu tiên chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, đầu tư hạ tầng, thúc đẩy du lịch xanh và nâng cao năng lực nhân lực du lịch - những trụ cột sẽ đảm bảo khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững cho ngành Du lịch toàn cầu.
Việt Nam - hình mẫu phục hồi và đồng hành cùng khu vực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến một giai đoạn chuyển mình ấn tượng của ngành du lịch sau đại dịch. Các quốc gia đã không ngừng đổi mới tư duy phát triển, tăng cường liên kết, đẩy mạnh xúc tiến và mở rộng chính sách thị thực, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển bền vững hơn”.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là đối tác trách nhiệm, tích cực trong mọi tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế.
Việc tham gia sâu vào các chương trình nghị sự của UN Tourism, chủ động thúc đẩy các hoạt động liên kết và quảng bá quốc tế không chỉ là chiến lược phục hồi du lịch, mà còn là một phần trong cam kết lâu dài của Việt Nam với sự phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói” toàn cầu.
Ngày 16/4/2025, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu tiếp tục đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Khu vực của UN Tourism với chủ đề “Chính sách du lịch trong kinh tế tuần hoàn”.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thảo luận sâu về các chiến lược phát triển du lịch thích ứng với xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải và tuần hoàn tài nguyên trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.
Sự hiện diện tích cực và tiếng nói ngày càng có trọng lượng của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược và vai trò ngày một nâng cao của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo Báo Văn Hóa
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/viet-nam-dong-hanh-cung-un-tourism-huong-toi-phat-trien-ben-vung-2025041610324914.htm
Bình luận (0)