Trong khi nhiều phụ huynh lo lắng về cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học theo quy định tại Thông tư 29/2024 thì chị Ngô Thị Kim Xuyến (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội, có con gái đang học lớp 5) không mấy để tâm.
"Sau khi Thông tư 29/2024 có hiệu lực - ngày 14/2, tôi cũng khá hồi hộp. Cứ tưởng trung tâm con đang theo học sẽ đóng cửa hoặc phải điều chỉnh lại chương trình, nhưng may, lớp chỉ chuyển qua học online vài buổi rồi lại hoạt động bình thường", nữ phụ huynh nói.
Con gái chị Xuyến theo học tại trung tâm này từ năm ngoái, ba buổi mỗi tuần, tập trung vào hai môn Toán, tiếng Anh, mục tiêu vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao.

Muốn con vào trường chất lượng cao, nhiều phụ huynh bất chấp đến các lớp dạy thêm, học thêm tự phát, sai quy định. (Ảnh minh hoạ)
Theo nữ phụ huynh, sau khi Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6, nhiều trường chất lượng cao chuyển qua tổ chức các bài đánh giá năng lực - tên gọi mới cho những bài kiểm tra có mức độ khó cao, yêu cầu tư duy, phân tích và kỹ năng giải quyết vấn đề, dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản. Chị lo nếu con không học thêm, sẽ khó có thể vượt qua nổi.
Với chị, việc con được học thêm quan trọng hơn chuyện trung tâm có lách luật hay không. "Miễn là con được học thêm, được chuẩn bị kỹ càng kiến thức, tôi sẵn sàng. Dạy đúng, dạy sai, tôi không quan tâm nữa. Thời điểm này, nếu không cho dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học, không ai dám để con tay trắng bước vào phòng thi?", chị Xuyến nói.
Không chỉ riêng chị Xuyến, nhiều phụ huynh có con đặt mục tiêu vào lớp 6 trường chất lượng cao tại Hà Nội vẫn coi các lớp học thêm là phao cứu sinh không thể buông.
Chị Nguyễn Thảo Trang (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có con năm nay vào lớp 6 cho hay, sau khi có lệnh cấm của Bộ GD&ĐT, trung tâm mà con theo học gọi điện thông báo với phụ huynh rằng các buổi học sẽ đổi tên gọi "giờ dạy kỹ năng".
Dưới vỏ bọc "học kỹ năng", chị Loan gửi gắm con vẫn đều đặn mỗi tuần 3 buổi, cả Toán, Tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tên gọi là lớp kỹ năng, nhưng giáo trình, nội dung lại cài cắm kiến thức chuyên sâu, bài tập nâng cao.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị Loan còn tham gia các nhóm học online do phụ huynh trong lớp con đứng ra tự tổ chức. "Một nhóm chỉ 4-5 bạn thôi, học qua Zoom, có giáo viên từng luyện thi trường chuyên đứng lớp. Chúng tôi không gọi đó là học thêm, mà là ‘bồi dưỡng theo nhu cầu", chị Trang nói, như để trấn an chính mình.

Các lớp học thêm vẫn là “phao cứu sinh” không thể buông của nhiều gia đình. (Ảnh minh hoạ)
ThS Vũ Thị Vân, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội nhận định, thị trường dạy thêm không hề nguội lạnh sau khi Thông tư 29 được ban hành. Trái lại, nó chỉ chuyển mình, thay đổi hình thức để thích nghi với quy định mới. Từ những lớp học tại nhà giáo viên, hoạt động dạy thêm giờ đây dịch chuyển sang các trung tâm dân lập, hoặc thu nhỏ quy mô thành các nhóm học kín đáo, thậm chí chuyển hẳn sang hình thức online.
“Những cụm từ như 'kỹ năng mềm', 'lớp trải nghiệm', 'rèn luyện tư duy', 'phát triển năng lực cá nhân'... được sử dụng khéo léo để lách luật. Nội dung thì vẫn là Toán, Văn, Anh nâng cao, nhưng dưới tên gọi khác", bà Vân nói và cho biết không chỉ bậc Tiểu học mà cả THCS, THPT cũng đang vận hành theo cách này.
Bà đánh giá việc việc dạy thêm cho học sinh tiểu học vẫn còn tồn tại do nhu cầu quá lớn của xã hội, đặc biệt ở thành phố lớn như Hà Nội, nơi phụ huynh có điều kiện kinh tế và đặt kỳ vọng cao ở con cái. Theo bà các lớp học thêm lách luật hiện không còn là điều gì bí mật. Ai cũng biết, nhưng ai cũng im lặng, bởi học sinh cần, giáo viên cần, và phụ huynh lại càng cần.
"Phụ huynh lo con không đủ sức thi vào lớp 6 trường chất lượng cao nếu không học thêm. Giáo viên coi dạy thêm là nguồn thu nhập đáng kể trong khi lương chính không đủ sống. Còn học sinh, nhiều em không có quyền lựa chọn, chỉ biết gồng mình chạy theo kỳ vọng của người lớn", ThS Vũ Thị Vân phân tích, cho rằng mọi người đều nhận thức được sự vi phạm, nhưng không ai muốn phá vỡ nó, bởi làm vậy có thể khiến bản thân trở thành người chịu thiệt thòi.
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm:
- Không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Nguồn: https://vtcnews.vn/khong-day-them-tieu-hoc-ai-dam-de-con-tay-trang-buoc-vao-phong-thi-ar939529.html
Bình luận (0)