Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bát Tràng và hành trình đánh thức ký ức

Trong bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch văn hóa, Bát Tràng - ngôi làng gốm cổ bên bờ sông Hồng - đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ, đặt dấu ấn trong sáng kiến cộng đồng, minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân28/05/2025

Với lịch sử khoảng 700 năm hình thành và phát triển, làng gốm Bát Tràng vừa bảo tồn, phát triển tinh hoa nghề gốm truyền thống, vừa tích tụ nhiều trầm tích văn hóa quý giá: kiến trúc nhà cổ, không gian tâm linh, truyền thống khoa bảng, nếp sinh hoạt đặc trưng của 19 dòng họ… Đó là chất liệu sống quý báu góp phần kiến tạo nên mô hình bảo tàng sinh thái mở để chính mỗi người dân sẽ trở thành nhân vật trong câu chuyện về làng, thành hướng dẫn viên thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Điểm nổi bật của ý tưởng xây dựng Bảo tàng sinh thái làng là tập trung vào khu vực lõi làng cổ rộng 5,4ha, nơi hội tụ nhiều giá trị đặc sắc: những con ngõ nhỏ, mảng tường cổ rêu phong, các loại lò gốm truyền thống… tiêu biểu cho hành trình làm nghề, lưu giữ văn hóa, phản ánh sinh động sự vận động của làng nghề theo thời gian.

Bên cạnh đó, Bát Tràng hiện đã đạt nhiều dấu ấn quan trọng: Lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia; trở thành làng nghề thứ 67 thuộc Mạng lưới Hội đồng Thủ công thế giới. Đó là nền tảng vững chắc để mô hình du lịch sinh thái Bát Tràng có tiềm năng trở thành hình mẫu tiêu biểu cho phát triển du lịch văn hóa cộng đồng tại Việt Nam.

Mô hình Bảo tàng sinh thái xuất phát từ nhu cầu, khát vọng và sự tham gia chủ động của chính người dân đang sinh sống, làm nghề và hiểu Bát Tràng từ trong máu thịt.

Trong các cuộc trao đổi cởi mở giữa chính quyền, chuyên gia, nghệ nhân, hộ dân... đã có những người con của làng cam kết hỗ trợ về trí tuệ, kinh nghiệm và kêu gọi sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng dân cư. Giới chuyên môn, từ kiến trúc sư, họa sĩ đến nhà nghiên cứu văn hóa đều đưa ra góc nhìn sâu sắc, tinh tế.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - cố vấn chuyên môn - nhấn mạnh tinh thần “bảo tàng sống”, đề cao quá trình sản xuất vật chất song hành cùng tạo lập giá trị tinh thần, nâng giá trị sản phẩm bằng câu chuyện văn hóa đằng sau.

Ông đưa ra quan điểm: khơi dậy quá khứ, sống với hiện tại, hướng đến tương lai để cùng đưa các giá trị đang có lên một tầm mới cao hơn. Có nhiều ngôi làng được công nhận di sản nhưng khó phát triển bởi những quy định ràng buộc, nhưng Bát Tràng thì không. Mô hình Bảo tàng sinh thái tôn trọng sự vận động phát triển, xuất phát từ đời sống vật chất, văn hóa của chính người dân của làng.

Không dừng lại ở tôn tạo cảnh quan, nhóm thiết kế hướng đến yếu tố kể chuyện, mỗi hộ dân là một “trạm dừng” của chuyến đi, mang đến trải nghiệm sống động qua việc nghe, nhìn, chạm, nếm...

Thí dụ, có những câu chuyện khác với gốm ở Bát Tràng, như về nghề thuốc, khoa bảng hay trải nghiệm bữa cơm thợ gốm mộc mạc, món chè kho, bánh chưng truyền thống, tinh hoa ẩm thực… chính là cách để di sản lan tỏa bằng cảm xúc thật.

Bên cạnh sự hứng khởi, đồng thuận, nhiều vấn đề thực tế cũng được đặt ra thẳng thắn từ phía người dân. Trong đó có môi trường còn nhiều rác thải do sản xuất, sinh hoạt; có hiện tượng ô nhiễm dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp về trải nghiệm của du khách. Việc xây dựng nội quy cộng đồng, thống nhất về ý thức giữ gìn cảnh quan, vệ sinh chung là yêu cầu bắt buộc.

Bên cạnh đó là vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Do kết cấu làng Bát Tràng ngõ hẹp, tường cao, nhà sát nhà nên một số tuyến chật hẹp, dân cư đông đúc, cần thiết phải có phương án tối ưu.

Dù dự án chưa được hỗ trợ kinh phí Nhà nước, song chính quyền địa phương và người dân đang tích cực tìm giải pháp tạm thời, phù hợp trong giai đoạn đầu.

Thêm vào đó là bài toán lợi ích, cơ chế chia sẻ. Một số hộ dân tham gia đặt câu hỏi: Ai được lợi? Ai chịu chi phí chỉnh trang? Ai vận hành tour?... Đây là điều cần minh bạch, có quy chế cụ thể, tránh tình trạng nhiệt tình ban đầu nhưng hụt hơi vì thiếu hỗ trợ và thiếu phân chia lợi ích hợp lý.

Ngoài ra, yếu tố bản sắc và nhận diện thương hiệu cũng là một mối quan tâm lớn. Trong các cuộc họp, chỉ riêng vấn đề về logo cho Bảo tàng sinh thái đã tốn nhiều thời gian, công sức, ý kiến...

Dự án Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng là một sản phẩm du lịch, nhưng quan trọng hơn là quá trình đánh thức ký ức, kể lại câu chuyện làng nghề bằng ngôn ngữ đương đại nhằm khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.

Khi người dân trở thành người kể chuyện; khi từng viên gạch, mái ngói, nếp sống... được đặt đúng vào vị trí giá trị thì đó không những là bảo tồn, mà còn mang đến sự hồi sinh, phát triển.

Nếu Bát Tràng thành công sẽ góp phần tiên phong mở lối cho một mô hình bảo tàng sinh thái về nghệ thuật bảo tồn hoàn toàn có thể song hành phát triển cùng kinh tế cộng đồng trong thời đại mới.

Nguồn: https://nhandan.vn/bat-trang-va-hanh-trinh-danh-thuc-ky-uc-post882817.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm