Không chỉ là hoạt động thể thao đơn thuần, giải đấu mang thông điệp hợp tác, hữu nghị giữa lực lượng công an và cảnh sát khu vực, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động, thân thiện tới bạn bè quốc tế. Với ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, sự đồng hành lần này là một "vinh dự công dân" hơn là cơ hội thể hiện tên tuổi doanh nghiệp. Đó là cách bầu Hiển phụng sự xã hội bằng sự chân thành và trách nhiệm.
Không nhiều người biết rằng, trước khi trở thành doanh nhân nổi tiếng, ông Hiển từng là một người lính, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội ngành vật lý và trải qua ba tháng huấn luyện sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Chính nền tảng quân đội ấy đã hun đúc nên tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản" - kim chỉ nam giúp ông thành công cả trên thương trường lẫn lĩnh vực thể thao.
Phụng sự không chỉ bằng bóng đá
Nếu như các ông bầu bóng đá khác gây ấn tượng bằng phát ngôn mạnh mẽ hay những cú thưởng nóng đình đám, thì bầu Hiển chọn cách thầm lặng: đầu tư bền bỉ, tài trợ nghiêm túc, và quan trọng nhất là lan tỏa giá trị nhân văn. Ở Giải bóng đá Công an, Cảnh sát ASEAN mở rộng, ông không chỉ chi tiền tài trợ, mà còn góp phần tạo nên một sân chơi có ý nghĩa chính trị, đối ngoại, văn hóa đặc biệt.
Sự hợp tác của bầu Hiển với ngành công an còn nổi bật qua mô hình CLB bóng bàn CAND T&T và đã gặt hái thành công vang dội tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia 2025. Với 3 HCV và 3 HCĐ, đội bóng của HLV Vũ Mạnh Cường nhận khoản thưởng lớn từ ông Hiển.
Câu chuyện vượt khó của Lê Đình Đức với sự hỗ trợ của bầu Hiển đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ
Ảnh: T&T
Đằng sau những tấm huy chương ấy là cả một chiến lược đầu tư có chiều sâu, nơi bầu Hiển góp công gây dựng lò đào tạo, chiêu mộ VĐV khắp cả nước và tạo điều kiện phát triển toàn diện cho các tay vợt trẻ. Đặc biệt, ông luôn nhấn mạnh vai trò của mô hình công - tư trong phát triển thể thao, coi đây là hướng đi bền vững cho tương lai.
Không chỉ có chiến lược, bầu Hiển còn truyền cảm hứng bằng lòng nhân ái. Câu chuyện về tay vợt Lê Đình Đức là minh chứng xúc động. Năm 2013, Đức mắc bệnh nặng và có nguy cơ không thể đi lại, huống gì thi đấu. Biết tin, ông Hiển không ngần ngại chi trả toàn bộ chi phí điều trị - có những liều thuốc đặc trị trị giá hơn 20 triệu đồng - chỉ với mong muốn "dù sau này không thi đấu thì cũng phải sống như người bình thường".
May mắn thay, Đức không chỉ hồi phục mà còn trở lại mạnh mẽ, giành nhiều thành tích tại Giải vô địch quốc gia 2025. Câu chuyện ấy vượt xa giới hạn thể thao - nó khắc họa chân dung một ông bầu sống tử tế và đặt con người lên trên thành tích.
Ông bầu hiếm hoi còn sót lại
Trở lại với bóng đá - nơi bầu Hiển được biết đến rộng rãi nhất - ông là một trong những "ông bầu cuối cùng" còn trụ vững kể từ giai đoạn xã hội hóa bóng đá cách đây hơn hai thập kỷ.
Bầu Hiển luôn cháy bỏng tình yêu bóng đá
Ảnh: T&T
Ông không coi bóng đá là thú chơi nhất thời mà nghiêm túc đầu tư như với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào. Nhờ đó, CLB Hà Nội (trước là Hà Nội T&T) đã trở thành biểu tượng của sự phát triển bài bản và bền vững - điều hiếm thấy ở một nền bóng đá vốn đầy biến động như Việt Nam.
Từ năm 2006, khi đội bóng của ông còn ở giải hạng Ba, đến năm 2009 đã vươn lên V.League, và đến 2010 giành chức vô địch quốc gia đầu tiên. Từ đó đến nay, CLB Hà Nội đã có 6 chức vô địch V.League, 3 Cúp Quốc gia, 5 Siêu cúp và hàng loạt danh hiệu ở các tuyến trẻ. Đó là thành quả của một tầm nhìn 10 năm, 20 năm - chứ không phải cách làm "ăn xổi" kiểu vung tiền mua danh hiệu.
Dưới sự định hướng của bầu Hiển, CLB Hà Nội trở thành cái nôi đào tạo cầu thủ lớn bậc nhất Việt Nam. Những cái tên như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đình Trọng, Đức Huy... đều xuất phát từ đây, và sau đó trở thành trụ cột của các đội tuyển quốc gia.
Tại kỳ tích Thường Châu 2018, tại AFF Cup 2018, SEA Games 2019 và cả vòng loại World Cup 2022, bóng đá Việt Nam luôn có dấu ấn đậm nét của "lò" Hà Nội. Ngay tại chức vô địch ASEAN 2024 vừa qua, CLB này cũng đóng góp 5 tuyển thủ, trong đó có thủ quân Duy Mạnh.
Quan điểm của bầu Hiển rất rõ ràng: "Trước tiên, các cháu đá vì chính mình. Rồi vì gia đình, khán giả và cuối cùng mới vì chú". Đó là triết lý giáo dục đặt con người làm trung tâm, đồng thời là sợi dây gắn kết mạnh mẽ giữa một ông bầu và các cầu thủ.
Sống tử tế với bóng đá
Bầu Hiển luôn sát cánh và sẵn lòng hỗ trợ đội tuyển Việt Nam
Ảnh: T&T
Bầu Hiển không thiếu những khoản thưởng hào phóng - 2 tỉ đồng cho tuyển Việt Nam sau chức vô địch ASEAN Cup 2024 - nhưng thứ khiến người ta nể ông hơn là cách sống. Chẳng hạn, ông thuê chuyên cơ riêng chở gia đình các tuyển thủ sang Thái Lan cổ vũ đội tuyển, chỉ đơn giản vì ông muốn cầu thủ của mình yên tâm thi đấu.
Ông cũng từng hỗ trợ tài chính mua bản quyền World Cup 2022, đồng hành cùng truyền hình Quốc hội phát sóng FIFA Women’s World Cup 2023 - điều mà không nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm nếu thiếu đi tình yêu bóng đá thực sự.
Ở bầu Hiển, người ta thấy sự kết hợp hiếm hoi giữa đam mê, trách nhiệm và tầm nhìn. Ông không chỉ là doanh nhân thành đạt, một ông bầu thể thao mát tay, mà còn là một công dân mẫu mực, sẵn sàng cống hiến từ tâm cho những giá trị tốt đẹp của xã hội. Trong thế giới thể thao, những người như ông không nhiều - và càng hiếm hơn khi vẫn đang tận lực, tận tâm từng ngày.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bau-hien-tan-tam-tan-luc-vi-the-thao-viet-nam-185250709111617333.htm
Bình luận (0)